Xóm nghề đan cần xé, liên kết để đi xa

Cập nhật, 09:06, Chủ Nhật, 27/10/2019 (GMT+7)

Xóm nghề đan cần xé ở đường Ngô Quyền (Phường 2- TP Vĩnh Long) với những ngôi nhà mở toang cánh cửa, khoảnh sân đầy tre trúc và những con người từ độ lên năm đã gắn bó với nghề… Những đôi tay thoăn thoắt trên từng cần xé không chỉ để mưu sinh mà còn nuôi nấng xóm nghề và ước mong xóm nghề ngày càng phát triển.

Xóm đan cần xé đang vào mùa hút hàng, con đường Ngô Quyền quanh co nhộn nhịp hơn.
Xóm đan cần xé đang vào mùa hút hàng, con đường Ngô Quyền quanh co nhộn nhịp hơn.

“Nắng mưa” với nghề

Chú Huỳnh Trung Thanh- con trai ông Huỳnh Tâm (biệt danh Năm Sấm)- là một trong những người đầu tiên đem nghề đan cần xé đến xóm này.

Đôi tay chú Thanh rột rẹt đương thùng (phần thân của cần xé- PV), miệng nói: “Tôi 61 tuổi, có hơn 50 năm trong nghề làm cần xé rồi. Cha tôi là người Hoa, từ Sài Gòn vào Vĩnh Long từ lúc tôi chưa ra đời và mang theo cái nghề đan cần xé này lập nghiệp”. Những cái tên cố cựu gắn với làng nghề cùng với Năm Sấm là Lạc Thọ Đăng, Tăng Giang,…

Chú Thanh cười: Cái nghề này, chắc tôi làm tới già luôn!
Chú Thanh cười: Cái nghề này, chắc tôi làm tới già luôn!

Chị Võ Thị Trang ở xã Trường An (TP Vĩnh Long) gắn bó với nghề từ 5 năm trước nhưng chị cho rằng “tui còn non tay lắm, mỗi ngày bẻ miệng làm quai chừng 20- 30 cái”. Để gia nhập vào nghề, đòi hỏi người mới như chị Trang phải học hàng tháng trời. Đan cần xé không cầu kỳ nhưng làm sao để cho sản phẩm chắc, các mối đan đều tay, ít vẹo và khoảng cách giữa các khe hở vừa vặn…

Một cái cần xé hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Anh Nguyễn Tiến Phát- con trai chủ vựa cần xé Hùng Thúng- cho biết: “Tôi đang làm bước đầu tiên, cưa trúc, tre ra thành từng đoạn rồi chẻ ra thành nan. Sau đó vuốt những nan này mỏng và láng đều nhau, tiếp đó là đan đít cần xé, đan thùng, bẻ miệng làm quai và ghim quai”.

Để có được một cái cần xé hoàn chỉnh với giá bán khoảng 130.000đ, người thợ trải qua 7 công đoạn khá phức tạp, yêu cầu từng công đoạn khác nhau. Do có nhiều công đoạn nên việc đan cần xé phù hợp với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi.

Anh Lý Ngọc Long và vợ là Trần Thị Ngọc Trâm (cùng 47 tuổi) có “chính thức” hơn 30 năm kinh nghiệm làm cần xé “từ hồi nhỏ xíu phụ cha mẹ, học xong cấp II thì ở nhà làm thợ chính tới giờ”.

Mỗi ngày vợ chồng chị Trâm làm được 50 cần xé.
Mỗi ngày vợ chồng chị Trâm làm được 50 cần xé.

Anh Long chuyên công đoạn ghim quai vì “đây là công đoạn quan trọng nhất để cần xé cứng cáp, đều đặn và tiền công cao nhất trong các công đoạn, 11.000 đ/cái”. Ghim quai đòi hỏi người làm vừa mạnh tay vừa khéo léo, và phải có sức khỏe thật tốt, các đầu ngón tay cũng phải chịu được lực mạnh.

Bao tay anh Long rách đều những đầu ngón, lộ ra những đầu ngón nhẵn bóng, phai dấu vân tay vì nghề. Chỉ nhìn dấu vân tay có thể đoán được tuổi nghề của những người ở xóm đan cần xé. Và những người làm nghề khi cần lăn dấu tay thì phải “nghỉ mười bữa nửa tháng cho dấu tay mọc trở lại”- chú Huỳnh Trung Thanh cho biết.

Bờ kè sông Cái Cá gần xóm nghề.
Bờ kè sông Cái Cá gần xóm nghề.

Liên kết lại để đi xa

Tấm lưng nhễ nhại mồ hôi, anh Long vẫn cười khi nói về chuyện nghề: “Chịu khó làm lụng thì có ăn và có dư. Vợ chồng tui ngày làm 50 cái cũng được hơn 500 rồi. Mấy đứa con, đứa nhỏ nhất mới lên 5 cũng biết đan nong mốt làm đít cần xé”.

Đan cần xé tuy không còn thời hoàng kim “chạy hàng sáng đêm không xuể” như trước nhưng bám nghề cũng không thể đói được. Chú Khởi từng là vựa cần xé mấy chục năm, gắn bó với nghề từ hồi “cha sanh mẹ đẻ”.

Chú ngồi nhẩm đếm từng hộ dân trong xóm “ít hơn xưa, còn khoảng 50 người gắn bó với nghề. Nhân công thì tùy giỏi dỡ nhưng thu nhập cũng từ 70.000- 300.000 đ/người/ngày”.

Anh Long chuyên công đoạn ghim quai, đây là công đoạn quan trọng nhất, cực và nhiều tiền công nhất.
Anh Long chuyên công đoạn ghim quai, đây là công đoạn quan trọng nhất, cực và nhiều tiền công nhất.

Băn khoăn hiện nay của người dân xóm nghề là đầu ra sản phẩm khá bấp bênh. Mùa trái cây thì hút hàng, tấp nập ghe tàu nhưng tháng thiếu khách thì mỗi ngày làm vài ba cái cần xé cầm chừng, nhiều hộ vì vậy mà bỏ nghề. Đó là còn chưa kể giá nguyên vật liệu ngày càng tăng làm ảnh hưởng giá thành sản phẩm, tiền lời cũng ít hơn.

Thêm vào đó, “làm bờ kè sắp tới xóm này rồi, không biết sau khi làm xong tụi tui có chỗ vận chuyển, lên xuống và để tre trúc không?”- chú Thanh giải thích thêm: “Vì đất làm bờ kè nên nhà bị thu hẹp lại, vậy thì nguyên vật liệu không biết để đâu, mần cái nghề này nó tốn đất để lắm.

Tre phải ngâm dưới nước, không để lâu trên bờ được, nên đan cần xé phải chỗ gần sông”. “Người thợ làng nghề rất mong có một hướng mở mới cho nghề đan cần xé này để người dân vẫn có thể sống được với cái nghề gia truyền đã mấy trăm năm qua!”- chú Khởi nói.

Để tồn tại và phát triển xóm nghề cần liên kết thành làng nghề và thêm những sản phẩm đặc trưng có thể gắn với phát triển du lịch sinh thái, những chiếc cần xé nhỏ xinh, nia mi ni,… làm quà cho khách du lịch.

Nói về hướng phát triển này, ông Võ Văn Xuân - Trưởng Phòng Kinh tế (UBND TP Vĩnh Long) cho biết: “Chúng tôi thấy ruột tre bà con bỏ đi rất uổng phí, có thể tận dụng để làm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ để gắn với phát triển du lịch. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ khuyến công cho hàng thủ công của làng nghề đến các hội chợ, nhà hàng và tương lai là dẫn khách du lịch nước ngoài đến xóm nghề”.

Muốn đi nhanh, đi một mình nhưng muốn đi xa các chủ vựa và bà con xóm làm cần xé cần liên kết lại.

Ông Võ Văn Xuân- Trưởng Phòng Kinh tế (UBND TP Vĩnh Long) cho biết: Xóm đan cần xé đã có khoảng 70 năm nay và chúng tôi đang phối hợp cùng Sở Nông nghiệp- PTNT, Sở Công thương xúc tiến thành lập làng nghề đan cần xé, hiện nay đây là một xóm nghề khi ký kết với công ty doanh nghiệp thì không đủ cơ sở pháp lý. Với việc làm bờ kè dọc sông Cái Cá, chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra phương án hợp lý để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của xóm nghề.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN