Đời thớt

Cập nhật, 06:22, Chủ Nhật, 25/08/2019 (GMT+7)

Tôi mua tấm thớt mù u về xài... để được thấy bữa cơm “ngon” hơn, để tôi tìm về những thứ thân quen!

Trên QL54 đoạn qua ấp Đông Hưng 1 (xã Đông Thành, TX Bình Minh), nhà ông Trần Ngọc Thảo (Sáu Thảo) làm nghề thợ mộc đã hơn 30 năm nay. Làm và giữ nghề chừng ấy năm, nhưng giờ nghề mộc cầm chừng nên mấy năm nay ông chuyển qua làm thớt mù u để bán.

Vợ chồng anh Tuấn đi làm về ghé mua thớt mù u của nhà ông Sáu Thảo.
Vợ chồng anh Tuấn đi làm về ghé mua thớt mù u của nhà ông Sáu Thảo.

Thớt mù u làm từ... gỗ cây mù u. Theo ông Sáu Thảo, để có một tấm thớt thành phẩm, phải trải qua 4 công đoạn bằng máy và chỉ một tay ông đảm nhận: cưa, lộng, bào, mài...

Làm mộc là việc nặng nhọc, bụi bặm và đòi hỏi có khiếu và kỹ năng. Nói như kiểu thêu thùa may vá thì phải có hoa tay hay khi nấu nướng thì cần sự nhạy cảm các giác quan. “Tui không tính tháng làm bao nhiêu đợt thớt, cứ sắp hết thớt loại nào thì tui xẻ gỗ làm ngay. Làm thẳng thét, ngày 40- 50 cái thớt thành phẩm.

Mình làm xong trưng bán liền, gỗ thớt không bị nứt.”- ông Sáu Thảo bao quát công việc quen thuộc. Cứ vậy, hễ gỗ làm ra loại thớt nào vơi đi là ông kêu lái quen đem tới.

Bà Trần Thị Ri- vợ ông Sáu Thảo- nói về việc buôn bán thớt: “Bà con các nơi đi ngang qua đây hay ghé mua thớt về xài.

Thớt cũng được mối quen ở Ninh Kiều (TP Cần Thơ), ở vùng Trà Ôn (Vĩnh Long), Cầu Kè (Trà Vinh) mua số lượng nhiều về bán chợ. Mà vui nhất là xe du lịch ở các vùng xa đi đám tiệc, thăm người thân về họ thấy cảnh “quen quen” nên ghé mua thớt, mỗi lần một chục, mười mấy tấm thớt để dành xài và chia cho nhau”. 

Bà báo giá bán thớt quen thuộc hàng ngày: “30- 40- 50- 70- 100 hoặc vài trăm, cao nhất 400 ngàn đồng một tấm thớt loại to nhất”.

Ông Sáu Thảo nói vui nữa là ở xóm khi có đám hỏi đám cưới mà tự nấu tiệc chứ không thuê dịch vụ nấu nướng thì đến mua 5- 7 cái hay chục cái thớt về xài, xong để... xài lâu dài luôn.

Chắc chắn trong suy nghĩ, ký ức của những người mua thớt, họ một thời đã quen và luôn nhớ tấm thớt mù u như bao nhiêu năm qua vậy!

Hôm tôi ghé quầy bán thớt, vợ chồng anh Tuấn ở xã Thuận An cũng ghé quầy mua thêm thớt. Anh nói có việc đi ngang xóm này lúc sáng đã ghé mua 3 tấm thớt.

Đi công việc xong, đến chiều anh chị về thì ghé mua 2 tấm thớt nữa. Anh Tuấn nhớ giá mà anh và vợ đã ghé quầy thớt 2 lượt chọn mua: “Hết thảy là 230 ngàn đồng, là 5 tấm thớt lớn nhỏ: 1 thớt 30 ngàn, 2 thớt 40 ngàn, 1 thớt 50 ngàn và 1 thớt 70 ngàn”.

Bởi chiều gấp gáp, tôi vừa kịp hỏi tên và với theo anh một câu “mua về mình xài hay cho ai nữa?” Anh cũng nói với lại “mua về xài và cho 2 nhà cha mẹ 2 bên anh ơi!”

Tôi thấy vui vui với hình ảnh và màn đối đáp này, với ký ức chưa xa về tấm thớt mù u mà “chủ thớt” làm ra để người qua lại cảm thấy thân quen! Tôi cũng mua 2 tấm thớt (tấm 30 ngàn, tấm 40 ngàn) về xài.

Tấm thớt mù u trong ký ức chưa xa nôm na như hành trang bếp núc với các công năng chặt, xắt, băm, bằm...

Rồi từ cây mù u này, người ta còn dùng làm cột nhà, làm ghe, làm cầu; trái mù u rụng xuống khô đi được con nít lấy bắn đạn keo hay kết chuỗi chơi; dầu mù u dùng trong chế phẩm chăm sóc da và tóc...

Nhưng nhớ nhất vẫn là thớt mù u. Cái vật bên sàn nước, trong bếp núc với các công năng không thay đổi để: chặt, xắt, băm, bằm.

Rồi mai, tấm thớt mù u vẫn còn hiện diện trong chái bếp. Theo thời gian, rồi nhiều thứ sẽ trở thành hành trang cũ. Và có hành trang cũ như cánh cửa luôn mở cho những người con tìm lại về nhà...

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN