Khơi thông nguồn vốn đầu tư vào vùng ĐBSCL

Cập nhật, 18:45, Chủ Nhật, 16/06/2019 (GMT+7)

Tổng số vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 qua địa phương của vùng ĐBSCL là hơn 193 nghìn tỷ đồng chiếm 16,53%  so với cả nước.

Ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh tại vùng ĐBSCL
Ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh tại vùng ĐBSCL

Thực hiện nhiệm vụ về thu hút và bố trí, cân đối nguồn lực cho vùng ĐBSCL theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 120/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động triển khai.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát việc giao kế hoạch và giải ngân các dự án đầu tư công, trong đó rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh các dự án sử dụng ODA, đồng thời điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020.

Ưu tiên các công trình kết nối liên vùng, liên tỉnh

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách Trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh; phục vụ đa mục tiêu, kết hợp giao thông, thuỷ lợi, sử dụng thông minh nguồn nước, hạn chế tác động bất lợi do BĐKH, các thiên tai liên quan đến nước.

Trong đó, tổng số vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 qua địa phương vùng ĐBSCL (chưa bao gồm 10% dự phòng) là 193.967,151 tỷ đồng chiếm 16,53%  so với cả nước (chiếm 40% tổng chi đầu tư phát triển của Vùng).

Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 79.905,9 tỷ đồng và cân đối ngân sách địa phương là 114.061,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, phân cấp chi đầu tư cũng tăng mạnh trong giai đoạn 2016 - 2020, trong giai đoạn 2011 - 2015 chi đầu tư của các địa phương trong vùng ĐBSCL chiếm 37% tổng chi đầu tư toàn vùng, thì tới giai đoạn 2016 - 2020 chi đầu tư của các địa phương đã chiếm tỷ lệ 70% tổng chi đầu tư vùng.

Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sở dĩ có sự chuyển dịch này là do chi đầu tư từ ngân sách địa phương tăng nhanh từ các nguồn dự phòng ngân sách, tăng thu của ngân sách địa phương.

Nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu chỉ hỗ trợ đối với các dự án ưu tiên nhóm B trở lên và các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa.

Có thể thấy, điều này đã tạo động lực phát triển cho các tỉnh, thành phố, tạo sự chủ động về đầu tư nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế là tỷ trọng chi đầu tư phát triển của của vùng ĐBSCL thấp hơn so với cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ví dụ, năm 2018 tỷ trọng chi đầu tư phát triển cả nước là 26,2% thì vùng ĐBSCL tỷ trọng chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 22,8%.

Điều này cho thấy đầu tư của nhà nước vào kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL vẫn còn thấp, nhiệm vụ chi lương và các chính sách an sinh xã hội còn cao, công tác xã hội hóa đầu tư còn chậm, tỷ lệ chi thường xuyên chưa giảm mạnh, đòi hỏi phải có những tính toán căn cơ, tiết kiệm chi thường xuyên triệt để.

Khơi thông nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, thủy sản

Để phát huy thế mạnh về nông nghiệp và thủy sản của vùng ĐBSCL, giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư qua Bộ NN&PTNT cho vùng ĐBSCL đã tăng từ 46.160 tỷ đồng giai đoạn 2011 - 2015 lên 74.044 tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2020.

Một số dự án lớn đã được tập trung đầu tư như Dự án tiểu vùng II, III, V Cà Mau; Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1); Dự án Cống âu thuyền Ninh Quới; Dự án cống Tha La, cống Trà Sư, Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL; Dự án Quản lý và giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSat...

Bộ Kế hoạch và  Đầu tư đã đưa ra những giải pháp cụ thể để khơi thông nguồn vốn trong lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với vùng ĐBSCL là nông nghiệp và thủy sản.

Theo đó, nông nghiệp trên cơ sở chủ động thích ứng, chuyển hoá được những thách thức, biến thách thức thành cơ hội, bảo đảm được cuộc sống ổn định và khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị truyền thống, văn hoá của ĐBSCL.

Đặc  biệt, cần thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ số lượng sang chất lượng gắn với chuỗi giá trị; từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. Chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, tránh can thiệp sâu vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, sống chung với mặn, khô cạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế. Song song với đó là cải thiện các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hoá, áp dụng các công cụ của chính phủ điện tử.

Mặt khác, cần xây dựng các mô hình hợp tác xã, công ty phát triển nông nghiệp với cánh đồng mẫu lớn, đại diện cho doanh nghiệp hoặc tay nối của doanh nghiệp trong triển khai sản xuất theo quy trình GAPs, đồng bộ sản phẩm và chuỗi khép kín để đạt chất lượng sản phẩm cao và ổn định.

Cuối cùng là cần tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất từ các đơn vị sở hữu, tăng sự liên kết tác quyền cho những doanh nghiệp nhỏ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này phát triển.

Đồng thời, xây dựng các điểm trình diễn công nghệ ở cấp tỉnh để giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận được các công nghệ nhanh nhất.

Theo Thu Cúc/Chinhphu.vn