Bến Tre hướng đến 'địa phương khởi nghiệp'

Cập nhật, 10:54, Thứ Hai, 06/05/2019 (GMT+7)

Triển khai 'Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025' của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Bến Tre là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp với chương trình 'Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp'.

Khách tham quan gian hàng khởi nghiệp của các doanh nghiệp TP Bến Tre. Ảnh: HỮU HIỆP
Khách tham quan gian hàng khởi nghiệp của các doanh nghiệp TP Bến Tre. Ảnh: HỮU HIỆP

Tỉnh Bến Tre đang hướng đến mục tiêu xây dựng “Địa phương khởi nghiệp” bằng chính nội lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách và điều kiện thuận lợi

Năm 2016, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình số 10-CTr/TU về Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Sau 3 năm triển khai, chương trình đã đạt được một số kết quả khả quan: Đã tạo sự lan tỏa và góp phần kiến tạo môi trường khởi nghiệp thực chất, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện thông thoáng; nhờ có chính sách và điều kiện thuận lợi nên người dân đã mạnh dạn đầu tư, phát triển doanh nghiệp; người nghèo cũng có ý tưởng khởi nghiệp để thoát nghèo. Nhiều mô hình khởi nghiệp với ý tưởng táo bạo như: sản xuất dừa tạo hình, phân sinh học từ mụn dừa, mỹ phẩm từ dừa, men vi sinh từ bột bã mía, kinh doanh thủy sản dưới tán rừng… bước đầu thành công mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Một trong những dự án khởi nghiệp thành công là cơ sở kinh doanh của chị Ngô Thị Hoàng Oanh (ngụ Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc). Năm 2012, chị Ngô Thị Hoàng Oanh lên TPHCM học đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh. Thấy địa phương có nguồn nguyên liệu dừa phong phú nên chị Oanh nảy sinh ý tưởng làm mỹ phẩm chiết xuất từ dầu dừa. Năm 2016, chị cùng chồng mở cơ sở Thực - Mỹ phẩm dừa Ngọc Thư với sản phẩm khởi nghiệp là son và xà bông tắm từ dầu dừa. Trước đó, chị đã tham gia một khóa học về cách pha chế, công thức hóa học để làm ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Chị Oanh cho biết: “Từ ý tưởng ban đầu đến việc làm ra sản phẩm, bán ra thị trường là một quá trình rất gian nan nên tôi vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm. Hiện tại mỗi tháng, cơ sở sản xuất khoảng 5.000 - 7.000 cục xà bông thơm, 2.500 cây son với kênh bán hàng chính qua mạng xã hội, khách đặt hàng sỉ từ TPHCM và Hà Nội”. Chị Oanh còn có ý tưởng sẽ sản xuất sữa tắm từ nguyên liệu dừa, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, cho biết: Qua 3 năm tập trung triển khai thực hiện Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, Bến Tre đã xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp khá hoàn chỉnh. Chương trình còn thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoạt động tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp được triển khai rộng khắp. Người khởi nghiệp đã mạnh dạn, tự tin hơn trong việc dám nghĩ giàu - dám làm giàu, xuất hiện nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp có tính sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao. Các hoạt động hỗ trợ sinh kế được triển khai đến các ấp, khu phố; nhận thức nhân dân về khởi nghiệp thoát nghèo được nâng lên.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp nên đã tạo được những kết quả quan trọng và thực chất. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Bến Tre lặng lẽ xây dựng cho mình hệ sinh thái khởi nghiệp, chưa kể là “làm liều”, vì lúc đó Bến Tre chưa có gì trong tay về khởi nghiệp. Tuy nhiên, sự vững chắc thể hiện ngay từ đầu với quyết tâm làm thật nên đã dẫn đến thành công của hôm nay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, nhận định Bến Tre thực hiện chương trình khá bài bản, tiếp cận bằng các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, vì đến thời điểm hiện tại, cả nước vẫn chưa có mô hình nào hoàn chỉnh hay lộ trình cụ thể cho khởi nghiệp. Ông Lam hy vọng Bến Tre sẽ trở thành địa phương kiểu mẫu của phong trào khởi nghiệp của ĐBSCL.

Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, sau 3 năm thực hiện, chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian đầu cũng còn những hạn chế như: tăng trưởng khởi nghiệp sáng tạo chưa nhiều mà chủ yếu là khởi nghiệp mưu sinh thông thường; năng lực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ của những người làm công tác hỗ trợ còn hạn chế; người khởi nghiệp chưa hiểu đúng việc khởi nghiệp mà chỉ nghĩ đơn giản dẫn đến làm theo phong trào, e dè, sợ thất bại…

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo cho biết: “Tỉnh ủy đau đáu muốn người dân Bến Tre hết nghèo, để ngân sách tỉnh được dồi dào hơn và không phải đi xin Chính phủ. Muốn vậy, tỉnh phải đẩy hoạt động khởi nghiệp đi lên. Tránh biến khởi nghiệp thành phong trào chính trị mà phải coi đây là sự sống còn của dân Bến Tre. Khởi nghiệp phải trở thành “cứu cánh”, bằng khát vọng biến thành tài nguyên nguồn lực, đồng thời hướng tới công nghệ và trí tuệ”.

Định hướng tới, ông Võ Thành Hạo cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng Bến Tre thành địa phương khởi nghiệp, tập trung đào tạo chuyên nghiệp, chuyên sâu, theo nhu cầu phát triển của chương trình; triển khai 3 chương trình: ươm tạo, tăng tốc phát triển doanh nghiệp, kết nối các nhà sáng lập; ươm tạo lĩnh vực du lịch; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, phát triển khởi nghiệp gắn liền với hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hệ sinh thái khởi nghiệp.

Theo HÀM LUÔNG/SGGPO