Hành động vì ĐBSCL

Cập nhật, 13:52, Thứ Ba, 09/04/2019 (GMT+7)

Mặc dù có nhiều lợi thế sản xuất nông nghiệp nhưng ĐBSCL là vùng đất dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Việc thay đổi nhận thức người dân, xây dựng những mô hình sinh kế “nương” theo tự nhiên, giúp người dân “sống chung” và phát huy giá trị tích cực của lũ, mặn, khô hạn… được xem là những hành động cần thiết.

Cung ứng những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong thành tích lập kỷ lục xuất khẩu nông sản hơn 40 tỷ USD năm 2018 của Việt Nam (đứng “top 15” thế giới về xuất khẩu nông sản), có 8 mặt hàng đạt giá trị trên 1 tỷ USD, trong đó ĐBSCL chiếm 5 mặt hàng (tôm, cá tra, trái cây, gạo, rau, củ), 3 mặt hàng còn lại ở khu vực khác (cà phê, điều, gỗ).

“Việc có 5/8 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD cho thấy vai trò quan trọng của ĐBSCL trong bức tranh nông nghiệp cả nước.

Chính phủ đang ráo riết chuẩn bị đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (dự kiến tổ chức hội nghị vào tháng 5-2019), đồng thời đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 593 về liên kết vùng ĐBSCL” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư thông tin.

Dù có lợi thế nông nghiệp lớn nhưng theo ông Thư, ĐBSCL vẫn đang tồn tại 4 gút mắc chưa được tháo gỡ. Đó là diễn biến phức tạp của thiên tai, các mô hình tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào cây lúa, cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp chưa hoàn thiện và tính liên kết vùng chưa bền vững.

“Lũ năm 2018 được xem là trận lũ lớn thứ 3 trong vòng 40 năm qua ở ĐBSCL nhưng vừa bước vào mùa khô 2018-2019, toàn vùng lại đối diện với hạn, kiệt, nắng nóng kéo dài, giảm mưa, nước mặn xâm nhập. Diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp” - ông Trần Anh Thư đánh giá.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, để phát triển bền vững hơn, vùng ĐBSCL cần thay đổi tư duy sản xuất, không chỉ dựa trên cây lúa.

“Ở ĐBSCL, lúa vẫn chiếm hơn 76% diện tích đất nông nghiệp, hơn 70% nông dân tham gia chuỗi giá trị lúa, gạo nhưng giá trị mang lại không cao, rủi ro lớn, dễ bị tác động bởi thời tiết, thị trường.

Cây lúa sử dụng nhiều hóa chất, cần lượng nước lớn, quá trình canh tác dễ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tài nguyên nước” - ông Thư phân tích.

Cần thay đổi

Mặc dù lúa vẫn là cây lương thực chính ở vùng ĐBSCL nhưng theo các chuyên gia, cần tính toán lại diện tích lúa phù hợp, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa đảm bảo sinh kế cho người dân.

Trong đó, không cần dành quá nhiều diện tích đất nông nghiệp cho lúa mà cần hướng đến trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, đồng thời cho ra đời các sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Cùng với đó, nghiên cứu các mô hình cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn để thay thế dần những vùng trồng lúa kém hiệu quả.

“Thử làm bài toán so sánh, để đạt giá trị xuất khẩu gạo hơn 3 tỷ USD năm 2018 (tương đương 6,1 triệu tấn gạo), cả nước phải trồng hơn 7,5 triệu ha lúa, trong khi các mặt hàng xuất khẩu tỷ đô khác cần ít diện tích hơn.

Riêng tại ĐBSCL, gần 4 triệu ha lúa giá trị xuất khẩu không cao bằng 5.000ha nuôi cá tra.

Dĩ nhiên, vẫn phải giữ diện tích lúa phù hợp cho an ninh lương thực nhưng cần tính toán những mô hình chuyên đổi bền vững hơn” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá.

Ông Trần Anh Thư cho rằng, để chuyển đổi sang những mô hình hiệu quả hơn, cần đầu tư hợp lý cho cơ sở hạ tầng. “Đối với hạ tầng, hệ thống thủy lợi phục vụ trồng lúa, khi trồng rau màu, cây ăn trái thì phải điều chỉnh, uốn nắn lại cho phù hợp.

Các tỉnh ĐBSCL cũng cần tăng cường liên kết, chia sẻ nguồn nước, đầu tư hạ tầng, thống nhất trong quy hoạch, sản xuất những mô hình phù hợp với mỗi địa phương” - ông Thư đề xuất.

Trong bối cảnh ĐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức thì sáng kiến xây dựng dự án “Chuyển đổi ĐBSCL” của Ngân hàng Thế giới (WB) được xem là một trong những giải pháp giúp vùng đất “Chín Rồng” phát triển bền vững hơn, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Dự án  do Quỹ khí hậu xanh (GCF) tài trợ không hoàn lại với nguồn vốn khoảng 40 triệu USD. Ông Chu Văn Chuông, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), cho rằng, giá trị của dự án không phải nằm ở số tiền tài trợ mà là ý tưởng giúp tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên nhận diện được những yêu cầu cấp thiết để xây dựng mô hình phát triển phù hợp, đảm bảo sinh kế của người dân theo hướng thuận tự nhiên, tăng cường hiệu quả liên kết vùng…

Bà Anjali Acharya, chuyên gia cao cấp về môi trường của WB cho biết, dự án đề xuất sẽ bổ trợ cho dự án IDA đang triển khai theo cùng cách tiếp cận tổng hợp và chuyển đổi.

Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững này cung cấp tài chính phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi và thực hiện các dự án thí điểm để giúp người dân ĐBSCL chuyển đổi sang các sinh kế chống chịu khí hậu.

Để thay đổi và chuyển đổi ở cấp nông hộ, cộng đồng, đòi hỏi phải đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ, phát triển chuỗi giá trị cho cây trồng chống chịu khí hậu và tăng cường năng lực, khuyến nông cũng như các dịch vụ khí hậu.

“Khoản viện trợ GCF là nguồn tài chính quan trọng cho cấp nông hộ, cộng đồng để chuyển đổi sâu hơn sang một chiến lược tiểu vùng cho vùng đồng bằng thượng nguồn sông Cửu Long và để tăng cường phối hợp liên tỉnh” - bà Anjali Acharya đánh giá.

Theo TTMT