Về thăm chợ lúa Khánh Bình

Cập nhật, 12:47, Thứ Sáu, 15/03/2019 (GMT+7)

Những lần xuôi ngược từ TP Hồ Chí Minh về Cà Mau (theo đường quốc lộ cũ), cứ qua đoạn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nơi vẫn được gọi tên là chợ lúa của Nam Bộ, chúng tôi sực nhớ quê mình cũng có một chợ lúa rất độc đáo, nhưng có lẽ còn ít người biết đến: Chợ lúa Khánh Bình ở huyện Trần Văn Thời.

Vậy là vừa ăn Tết Kỷ Hợi xong, hẹn với mấy anh cán bộ xã Khánh Bình về thăm chợ lúa một chuyến, lúc lúa vụ hai đã được bà con thu hoạch rộ.

Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Dương Minh Sang giới thiệu ngắn gọn: “Mấy anh nhà báo kêu bằng chợ lúa thôi, chớ bà con ở đây chỉ gọi đơn giản là bến thu mua lúa. Cả xã có 3 bến chính là Rạch Cui, Ông Bích và Kinh Hội, nhưng giờ bên Kinh Hội hầu như ít hoạt động”.

Chợ lúa Khánh Bình cũng đã giải quyết được công việc cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở nông thôn tăng thêm thu nhập từ nghề bốc vác.
Chợ lúa Khánh Bình cũng đã giải quyết được công việc cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở nông thôn tăng thêm thu nhập từ nghề bốc vác.


Sự hình thành của chợ lúa Khánh Bình kể ra cũng song hành cùng với những thăng trầm của địa phương thuần nông này.

Nó bắt đầu manh nha từ khi người nông dân nơi đây tiên phong làm lúa sạ 2 vụ, rồi lúc cao điểm là 3 vụ. Cây lúa trở thành mặt hàng nông sản chủ lực, có giá trị thương phẩm, nhu cầu buôn bán, trao đổi cứ tăng dần.

 

Vận chuyển lúa bằng băng chuyền, bến Rạch Cui trở thành điểm tập kết của hàng trăm thương lái ở khắp nơi Nam Bộ tụ hội vào mùa thu hoạch.
Vận chuyển lúa bằng băng chuyền, bến Rạch Cui trở thành điểm tập kết của hàng trăm thương lái ở khắp nơi Nam Bộ tụ hội vào mùa thu hoạch.

Ban đầu, chỉ một vài người dân địa phương có ghe lớn đứng ra thu gom, đem xay xát rồi bỏ mối vựa. Dần dà, sự tham gia của khách thương hồ khắp Nam Bộ tập trung về đây sau mỗi vụ thu hoạch khiến việc giao thương trở nên sôi nổi.

Cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập khiến cả vùng quê thêm nét tươi mới sau mỗi vụ mùa. Theo anh Sang, trước khi chưa có hệ thống cống khép kín tiểu vùng, mùa mưa thì đập ngăn mặn bị phá ra, tới mùa hạn thì đắp lại.

Thương lái thu mua lúa phải “lòi” hàng qua đập. Cũng từ đó hình thành đội bốc vác trên dưới trăm người, đều là dân Khánh Bình chuyên nghề vác lúa.

Cú hích lớn nhất của chợ lúa Khánh Bình được đánh dấu khi một hộ dân đứng ra đầu tư bằng dây chuyền để vận chuyển lúa qua cống Rạch Cui năm 2016. Cũng từ thời điểm đó, Rạch Cui trở thành bến chính, còn bên Ông Bích chỉ là bến phụ, bến địa phương như bà con ở đây quen gọi.

Anh Sang nhẩm tính, chợ lúa Khánh Bình là nơi giao thương của cả vùng rộng lớn chớ không riêng Khánh Bình. Phải kể đến vùng nguyên liệu lớn ở khắp nơi của huyện Trần Văn Thời như Khánh Bình Đông, Trần Hợi… Nhẩm tính số liệu, anh Sang chắc mẫm, mỗi vụ như vậy riêng chợ lúa Khánh Bình thu mua trên dưới 1 ngàn tấn lúa thương phẩm.

Đến năm 2017, bến Rạch Cui được đầu tư nạo vét, thông luồng tuyến, sẵn sàng phục vụ tàu ghe trọng lượng lớn trên 100 tấn lưu thông.

Ghé thăm bến Ông Bích, anh Lê Hoàng Vũ chuyên nghề thu mua bám bến này hơn 10 năm, chia sẻ: “Tôi dân gốc ở đây, nhà sắm 2 chiếc ghe lớn để thu mua lúa rồi đem xay xát và bỏ mối gạo lại cho các vựa”.

Cái hay của nghề thu mua lúa theo anh Vũ là, năm nào giá lúa cao, không chỉ bà con phấn khởi mà người thu mua cũng có lợi nhuận nhiều hơn. Còn năm nào giá cả thấp, bà con nông dân và cánh thu mua đều rầu thúi ruột.

Bến Ông Bích, nơi những thương lái địa phương cùng nhau san sẻ những nỗi lo lắng của nông dân, bởi giá lúa có cao thì người thu mua mới có lãi.
Bến Ông Bích, nơi những thương lái địa phương cùng nhau san sẻ những nỗi lo lắng của nông dân, bởi giá lúa có cao thì người thu mua mới có lãi.

Anh Vũ chỉ sang người đàn ông độ gần 60 tuổi, giới thiệu: “Đây, anh Ba Thương, thâm niên làm nghề này mấy chục năm, anh ruột chủ tịch xã đó nghen!”.

Vừa mới chạy ghe ra bến đậu, anh Ba Thương rầu rầu: “Năm nay mới đầu vụ mà giá lúa thấp quá, nói thiệt, không chỉ bà con lo đâu, anh em thương lái cũng sợ bà con ví lúa lại, không thu mua được thì đâu tính tới chuyện lỗ lời nữa”.

Hỏi thăm các anh ở bến Ông Bích, năm nay bên bến Rạch Cui tình hình ra sao, mấy anh lắc đầu: “Ở bển cũng lưa thưa vài ghe lớn tỉnh ngoài, khác hẳn với mọi năm, độ này là hàng chục chiếc chen nhau ăn hàng”.

Dọc đường xuống Rạch Cui, gặp lão nông Ký Văn Hoàng đang phơi lúa, xin chụp mấy tấm ảnh làm tư liệu, ông vốc lên một nắm lúa no tròn, mắt xa xăm: “Mấy anh coi, lúa cỡ này mà giờ chỉ còn 4.500-4.600 đồng/kg. Hổm rày tôi tiếc quá, bán lẻ cho dân nuôi gà, mỗi ký cũng nhích lên “vài phân”.

Nghe ông Hoàng nói mà xót lòng: “Mấy anh tính coi, nông dân thì trông chờ hết vô lúa, mà giá cả kiểu này thì phá huề là hên lắm. Coi như bỏ công, bỏ sức, có gạo đủ ăn thôi”.

Cả xã Khánh Bình gần 2.300 ha đất trồng lúa, năng suất bình quân cũng 6 tấn/ha, tính ra nếu mỗi ký nhích lên được “vài phân”, nghĩa là vài trăm đồng thôi, chuyện buồn vui của nông dân đã rất khác.

Vậy mới hiểu thêm, nỗi niềm trăn trở lớn của nông dân, trong đó có người trồng lúa, hiển hiện qua từng nhịp trồi sụt của giá cả thị trường. Mà giá cả là câu chuyện rất khó hiểu, chẳng ai biết đâu mà lần, vậy là cứ cầu mong…

Ông Đặng Hoàng Gởi, ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, là người đã nâng tầm chợ lúa với việc đầu tư hơn 400 triệu đồng để lắp băng chuyền vận chuyển lúa qua cống. Từ năm 2016, cứ tới vụ thu hoạch là băng chuyền hoạt động bất kể ngày đêm.

Đội quân bốc vác được thành lập tại bến này quân số hơn 50 người, chủ yếu là thanh niên, có cả những lão nông địa phương kiếm thêm thu nhập. Cứ 1 tấn lúa vận chuyển 50 ngàn đồng thì chủ băng chuyền nhận 22 ngàn đồng, còn lại là phần của đội bốc vác.

Anh Nguyễn Văn Kỷ, đội trưởng đội bốc vác, cho biết: “Lúc cao điểm, anh em làm việc ngày đêm, ban đêm thì giá vận chuyển cao hơn chút ít. Thu nhập mỗi người cũng kha khá, anh em lại có dịp gặp gỡ, chuyện trò nên vui lắm”.

Ngó thấy ông Trần Văn Hồ, anh Kỷ cười nói: “Như chú này nè, lớn tuổi mà nhỏ con nữa, dân chuyên nghiệp bốc vác ai mà mướn”.

Chú Hồ bộc bạch: “Lúa ở nhà gặt hết rồi, rảnh công chuyện mình ra phụ anh em chút đỉnh, được thêm đồng nào hay đồng nấy”.

Đúng lúc đó, có tín hiệu của đội trưởng chuyền lúa cho ghe ở Bến Tre tải trọng gần 100 tấn. Mỗi người vào vị trí, nhịp nhàng chuyển lúa lên đầu này băng chuyền, đầu kia có người đỡ bao, xả lúa ra khoang.

Người ta chưa có cái định nghĩa rõ ràng nào về chợ. Chợ là nơi mua bán, nơi nhộn nhịp, nơi có những người sống bằng những nghề “ăn theo”… Nếu nôm na là vậy thì bến Rạch Cui đúng là chợ, chợ lớn hẳn hoi.

Tranh thủ anh em bốc vác làm việc, chị chủ ghe ở Bến Tre vào góc mát uống nước, chúng tôi tranh thủ hỏi thăm. Chị nói ghe đi khắp Nam Bộ, từ Tây Ninh tới Cà Mau.

Riêng bến Rạch Cui năm nào cũng tới, bởi lúa ở đây nhiều, đẹp và bà con buôn bán đàng hoàng, uy tín. Chị nói gom lúa xong là một mạch về Cái Bè để gia công, xay xát lúa thành gạo thương phẩm. Ghe không đi từ Tiền Giang về đây chạy gần 30 tiếng, còn có hàng thì cỡ 2 ngày 2 đêm.

Ghe chạy theo tuyến kênh xáng Khánh An, vòng qua kênh xáng Bạch Ngưu hướng Thới Bình rồi lần theo tuyến Tắc Cậu, Kiên Giang ngược về Tiền Giang. Và lúa Cà Mau cũng từ con đường này mà đi khắp nước mình, ra thế giới.

Chợ lúa Khánh Bình năm nay không đông vui, nhộn nhịp bằng mọi năm. Trên gương mặt nông dân và cả thương lái cũng hằn lên lo lắng.

Nhưng có điều chắc chắn rằng, nơi đó vẫn là điểm tụ hội, nơi niềm vui của hạt lúa được kết tinh, lắng đọng. Giá lúa lên, ghe lại về nhiều, người ta cười vui hơn để nhắn với nhau vụ sau sẽ gặp lại. Cà Mau quê tôi tự hào có một cái chợ bình dị, độc đáo và đằm thắm tình người như thế…/.

Theo Báo Cà Mau