Chuyện ở làng mai ngày cận tết

Cập nhật, 04:58, Thứ Bảy, 08/12/2018 (GMT+7)

Buổi trò chuyện của chúng tôi với những nghệ nhân Làng nghề Mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) bắt đầu từ chuyện “nếm lá mai”- chuyện mà những người đã ở cái tuổi lưng chừng như chúng tôi mới nghe lần đầu nên không khỏi ngạc nhiên xen lẫn chút tò mò, thích thú.

Ngày cận tết, mai được vô sẵn trong chậu để sẵn sàng tung ra thị trường.
Ngày cận tết, mai được vô sẵn trong chậu để sẵn sàng tung ra thị trường.

Ông Lê Văn Tý- Trưởng Ban đại diện Làng mai- cho hay, khi những cơn gió se lạnh cuối năm ùa về, sương giá bắt đầu dày lên mỗi tối thì “mùa nếm lá mai” cũng đến gần.

Đó là việc mà ai trồng mai ở làng nghề cũng làm để hiểu sức khỏe cây mai của mình rồi chọn cách chăm sóc cho hợp lý.

Từ chuyện “nếm lá”, chúng tôi bị “hút” vào chuyện truyền lửa, nối nghiệp, mua bán… ở làng mai và vui lây không khí tất bật của cả làng ngày cận tết.

Mai vàng là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày tết, nhất là ở miền Nam. Những năm gần đây, vụ mai tết chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết do thất thường nên “năm nào mai trổ bông đạt 95% là mừng rồi”.

Ông Lê Văn Tý cho biết, gần bước qua tháng Chạp, nếu sáng sớm ra thăm vườn thấy sương mù nhiều, nếm thử lá mai, nếu có vị mặn thì phải tưới để rửa mặn, nếu không sẽ bị quéo lá và không ra hoa.

Chính vì tình hình “căng” như vậy nên hễ người nào phát hiện trước thì sẽ báo cho người xung quanh để cùng chăm sóc mai tốt hơn.

Không chỉ chia sẻ thông tin diễn biến thời tiết, giá cả, người làng mai còn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng... cho mai. Bình quân, cứ mỗi 1,5- 2 tháng, làng mai sẽ tổ chức cuộc họp hội viên để chia sẻ thông tin lẫn nhau.

“Sống chan hòa, giúp đỡ lẫn nhau là “truyền thống” ở làng mai. Đó là một trong những lý do chính giúp làng mai không chỉ tồn tại lâu dài mà còn ngày càng phát triển”- ông Tiêu Hùng Minh (tên thường gọi là Ba Tiền)- Phó Ban Thường trực Làng nghề- vui vẻ nói.

Cũng theo ông Tiêu Hùng Minh, ở làng mai ai cũng biết “mần” mai. Từ những cụ tuổi trên 80 không còn sức leo trèo, uốn tỉa nhưng vẫn ra thăm mai mỗi ngày để “cố vấn” cho lớp trẻ, đến những em nhỏ mới học cấp hai đi học về là mê mải chạy ra góc mai tập tành tạo dáng hay cánh phụ nữ cũng rất rành.

Nhờ cây mai mà đời sống người dân ngày càng ổn định, sung túc.

Đặc biệt, từ khi được công nhận là Làng nghề truyền thống mai vàng Phước Định (ngày 7/9/2009) thì giá cả mua bán mai tăng lên gấp nhiều lần. Không đợi tết, quanh năm đều có người tìm đến làng mai mua mai kiểng.

Từ việc mua mai nhỏ về dưỡng, tạo dáng bán rồi từ từ phát triển lên mà kinh tế gia đình anh Trương Văn Ky (ấp Phước Định 1) dần ổn định. Anh Ky cho biết sắm sửa, cất nhà… cũng nhờ cây mai.

Từ 10 cây mai được hỗ trợ ban đầu, hiện anh có trong vườn khoảng 80 gốc mai lớn nhỏ. Theo anh Ky, những lúc gặp khó khăn anh xem như là “đóng học phí” vì mua bán mai hay uốn tỉa mai đều phải học hỏi cái mới liên tục.

Khác hẳn một số mặt hàng khác ngoài thị trường, cây mai để lâu không mất giá, thậm chí càng có giá.

Chính vì lợi ích kinh tế quá sức đặc biệt này nên ban đầu, có những hộ đến với nghề trồng mai vì kinh tế, nhưng qua thời gian càng làm càng cảm nhận được sự độc đáo nên mê dữ lắm. Hiện hầu như nhà nào trong làng nghề cũng có vài người trẻ nối nghiệp.

Ngoài noi theo cách làm của cha mẹ thì nhờ có lửa đam mê, không ít người trẻ biết tự tìm tòi, cập nhật xu hướng mới, lối làm ăn mới...

Trong đó, có những người thuộc thế hệ 8x, 9x hiện đã là triệu phú, tỷ phú. Bởi bên cạnh làm chủ cả vườn mai hàng trăm gốc, họ còn biết tận dụng sự chuyên nghiệp trong uốn tỉa, tạo dáng, xem tướng để làm dịch vụ sửa mai, mua bán mai vàng online…

Nghề trồng mai đang góp phần mang đến cuộc sống no ấm cho người dân.
Nghề trồng mai đang góp phần mang đến cuộc sống no ấm cho người dân.

Là con nhà tông nên đã sẵn có đam mê từ nhỏ, anh Lê Văn Hòa (ấp Phước Định 2) cho biết, tôi vừa mua bán, vừa chăm sóc khu vườn hơn 500m2 vừa đi sửa mai liên tục trong và ngoài tỉnh nhưng không thấy ngán.

Là “thợ chính” cũng là người sắp “thời khóa biểu” cho các thành viên một tổ sửa mai, anh Lê Văn Hòa (ấp Phước Định 2) cho biết, cây mai ngày càng có giá, nhu cầu chăm sóc, bảo dưỡng mai ngày càng cao. Riêng tổ anh có 4 thành viên luôn kín lịch mỗi ngày.

Ông Tiêu Hùng Minh- Phó Ban Thường trực Làng nghề mai vàng Phước Định cho biết, đến nay có 157 hộ với khoảng 50.000 cây mai các loại.

Trong đó, có 600 cây mai đại, 19.000 cây mai trung, còn lại là mai tiểu. Điểm đặc thù của làng mai vàng Phước Định là trồng mai y với các loại bon sai, kiểng cổ. Theo đó, các hộ đã vô chậu hơn 20.000 cây mai các loại sẵn sàng “di chuyển” tham gia vào thị trường tết.

Cũng theo ông Tiêu Hùng Minh, Làng mai Phước Định có 36 người được công nhận là nghệ nhân. Trong đó, có 3 tổ dịch vụ sửa mai, mỗi tổ khoảng 5- 7 người là các nghệ nhân trẻ của làng nghề. Các tổ luôn kín lịch quanh năm, đặc biệt dịp gần tết này càng “sốt”.

Nói về thế hệ kế thừa ở làng mai, ông Lê Văn Tý và ông Tiêu Hùng Minh vui vẻ: Lớp trẻ ngày nay không chỉ được truyền thụ kinh nghiệm từ thế hệ đi trước mà còn được đào tạo qua trường lớp, biết ứng dụng công nghệ nên rất năng động và sáng tạo.

Trước đây, các hộ trồng mai muốn bán mai phải chuyên chở ra QL57. Cuối năm 2016 nhờ được Nhà nước đầu tư 1,4 tỷ đồng để nâng cấp mở rộng, nhựa hóa đường vào làng mai (dài 380m) đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyên chở, lưu thông các loại mai lớn, khách hàng rất thích khi được ra tận vườn chọn cho mình cây mai ưng ý và xe cẩu có thể đến tận nơi để chở các cây mai lớn đi khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN