Sản vật tự nhiên rừng U Minh giúp nhiều hộ dân thoát nghèo

Cập nhật, 14:59, Thứ Tư, 14/11/2018 (GMT+7)

 

  Vào mùa hái trái giác, người dân đất rừng U Minh có thu nhập khá.
Vào mùa hái trái giác, người dân đất rừng U Minh có thu nhập khá.

Trong những năm gần đây, nhiều loại sản vật tự nhiên ở rừng U Minh (Cà Mau) đã giúp các hộ dân khó khăn ổn định cuộc sống, thoát nghèo.

Đất rừng U Minh, tỉnh Cà Mau có sự đa dạng thảm thực vật. Trước đây, nhiều loại thực vật hoang dại như: dây giác, cây sậy, cây nhàu,... không có giá trị kinh tế người dân không quan tâm tới. Tuy nhiên, những năm gần đây chính những loại cây dại này đã trở thành sản vật giúp nhiều hộ dân khó khăn ổn định cuộc sống, thoát nghèo.

Cứ bước vào khoảng tháng 7 âm lịch đến cuối năm, nhiều người dân đất rừng U Minh hạ lại bước vào mùa hái trái giác. Gia đình ông Nguyễn Văn Ngoán (xã Khánh Lâm) thuộc diện khó khăn tại địa phương. Cuộc sống của vợ chồng ông phụ thuộc vào việc làm thuê, làm mướn. Mùa này, là lúc cặp vợ chồng đã ngoài 50 tuổi hối hả với công việc vào rừng hái trái giác để có thu nhập cao hơn.

Ông Ngoán cho biết, trước đây, người dân địa phương chỉ dùng trái giác vào việc nấu ăn nên không có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, mấy năm nay, tại địa phương có cơ sở thu mua trái giác để ủ rượu, làm kẹo, làm mứt,... nên giá trị trái giác ngày càng tăng. Nhờ hái trái giác mà cuộc sống gia đình ông được cải thiện rõ. Một số vật dụng trong gia đình như tivi, tủ lạnh cũng tích góp từ việc hái trái giác.

Ông Nguyễn Văn Ngoán phấn khởi cho biết: "Mỗi ngày tôi hái được trung bình 50 ký. Ngày nào may mắn cũng được 80 – 100 kg. Hiện trái giác có giá 8.000 đồng/kg, 100 kg cũng được 800.000 đồng. Trừ chi phí cũng còn vài trăm. Người ta nói ngày làm tháng ăn, mình làm một bữa, có thể đủ gạo cho gia đình ăn 1 tháng. Cuộc sống gia đình tôi từ đó cũng đỡ khó khăn hơn".

Ngoài trái giác, hiện nay nhiều hộ dân trên địa bàn huyện U Minh còn có thêm nguồn thu nhập từ cây nhàu. Theo lời người dân địa phương, gần đây trái nhàu được các cơ sở ở địa phương thu mua với giá cao để cung ứng cho các Công ty chế biến dược phẩm. Đặc biệt, hiện nay trái nhàu còn được xuất khẩu nên từ loài cây hoang dại đã vươn mình trở thành sản vật có giá trị của người dân sống trong đất rừng.

 Trồng nhàu giúp người dân nơi đây có thu nhập thường xuyên.
Trồng nhàu giúp người dân nơi đây có thu nhập thường xuyên.

Gia đình bà Nguyễn Thị Bé là một trong những hộ nghèo của ấp 4, xã Khánh Thuận. Trước đây, hai vợ chồng bà phải đi làm thuê, làm mướn kiếm thu nhập để lo cho 4 đứa con ăn đi học. Từ khi có thêm việc làm thời vụ là hái trái giác, trái nhàu cuộc sống gia đình bà dần được cải thiện hơn. Đặc biệt, nhận thấy cây nhàu ngày càng có giá trị nên khi đi hái trái bà Bé đã lấy cây con về trồng trồng thử nghiệm. Hiện gia đình bà Bé đã có hơn 300 gốc nhàu. Hằng tháng ước thu hoạch được 300 – 400 kg nhàu tươi. Giá nhàu ở mức cao giúp gia đình bà thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Bé chia sẻ: "Lúc đầu tôi đi bẻ trái nhàu, sau thì lấy cây về trồng. Ban đầu trồng 100 cây. Sau này cô thấy có trái ham quá trồng thêm vài trăm nữa. Mới bẻ đợt đầu, mùa mưa này người ta mua 8.000 đồng/kg. Lúc nắng thì bán được 14.000 đồng/kg".

Không chỉ có bà Bé mà hiện trên địa bàn ấp 4, xã Khánh Thuận đã có hơn 10 hộ thực hiện trồng nhàu trên bờ bao vuông tôm. Đây là mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp bà con nơi đây có thêm thu nhập thường xuyên để trang trải cuộc sống. Từ sự siêng năng, cần cù chịu khó khai thác những sản vật có sẵn trong tán rừng, nhiều người dân nơi có nguồn thu, đỡ đần cho kinh tế gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm tại địa phương giảm rõ rệt.

  Người dân địa phương còn có nguồn thu nhập từ bông sậy.
Người dân địa phương còn có nguồn thu nhập từ bông sậy.

Ông Trần Văn Triều, Trưởng ấp 4, xã Khánh Thuận, huyện U Minh cho biết: "Thời gian qua, bà con nơi đây có nguồn thu nhập cao từ trái giác. Trong năm 2017, ấp xóa đói giảm nghèo giảm được 19 hộ. Hướng 2018, xóa thêm 15 hộ nghèo nữa. Đang phát triển thêm nguồn thu từ trái nhàu, mang liệu hiệu quả cũng khá".

Ngoài những sản vật trên, hàng năm, tới mùa bông sậy bà con nơi đây cũng tranh thủ khai thác để có nguồn thu từ 7 – 10 triệu đồng/hộ. Từ sự ưu đãi của thiên nhiên cùng với sự siêng năng, cần cù, đời sống người dân đất rừng U Minh được nâng lên từng ngày. Tuy nhiên, nguồn khai thác sản vật từ tự nhiên có giới hạn, hiện một số bà con đang phát triển trồng cây nhàu để có nguồn thu nhập ổn định. Chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ và khuyến cáo để việc phát triển sản xuất phù hợp, bền vững.

Theo VOV