Độc đáo nghề đẩy côn bắt cá mùa lũ

Cập nhật, 09:36, Chủ Nhật, 14/10/2018 (GMT+7)

Là một trong những nghề thường xuất hiện vào mùa nước nổi ở Long An, đẩy côn là loại hình bắt cá khá đơn giản, không tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng giúp người dân có thêm thu nhập. Tuy nhiên, vì nguồn thủy sản ngày càng khan hiếm, hiện nay đẩy côn không còn nhiều người dân sử dụng.

Người đẩy côn chỉ cần cho xuồng di chuyển, que côn chạm cá, cá tự động chúi xuống bùn và dùng nơm bắt cá
Người đẩy côn chỉ cần cho xuồng di chuyển, que côn chạm cá, cá tự động chúi xuống bùn và dùng nơm bắt cá

Một ngày mưu sinh của những người làm nghề đẩy côn ở ấp 2, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa bắt đầu từ lúc mặt trời vừa ló dạng.

Sau hơn 1 giờ di chuyển bằng xuồng máy, len lỏi qua hàng chục con kênh cuối cùng anh Nguyễn Toàn Thắng cũng đến được địa điểm đã dự định từ ngày hôm trước. Cánh đồng này thuộc xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa.

Vì phải đi từ sớm nên khi tìm được nơi đẩy côn, mọi người mới ăn sáng chuẩn bị cho một ngày mưu sinh
Vì phải đi từ sớm nên khi tìm được nơi đẩy côn, mọi người mới ăn sáng chuẩn bị cho một ngày mưu sinh

Bữa cơm sáng vội vàng giữa chốn đồng nước mênh mông bắt đầu cho một ngày mưu sinh. Dụng cụ để làm nghề này cũng khá đơn giản, chỉ cần 1 chiếc xuồng máy, 1 bộ côn được làm bằng 2 thanh tre có hình cánh cung và những sợ dây chì được kéo lê trên mặt ruộng.

Đơn giản là vậy nhưng để có thể bắt được cá thì người đẩy côn phải nhận biết được bong bóng nước khi cá chúi.

Về cấu tạo, côn được làm bằng những cọng sắt nhỏ có độ dài 1,5m, được máng vào một sợi dây may dính với nhau, khoảng cách 20-30 cm mỗi cọng, chiều dài luồng côn khoảng 10m được làm bằng tre
Về cấu tạo, côn được làm bằng những cọng sắt nhỏ có độ dài 1,5m, được máng vào một sợi dây may dính với nhau, khoảng cách 20-30 cm mỗi cọng, chiều dài luồng côn khoảng 10m được làm bằng tre

Theo kinh nghiệm của những người làm nghề, khi que côn chạm vào cá, quán tính cá sẽ tự động chúi xuống bùn, lúc đó sẽ tạo thành một vùng bong bóng nước.

Lúc này, người dân chỉ cần đợi cho lớp bong bóng nước đó tan hết và có một vài bong bóng khác nổi lên thì dùng nơm nơm tại vị trí đó là sẽ bắt cá.

 Anh Nguyễn Toàn Thắng đã có 4 năm theo nghề, những năm trước, mỗi ngày anh có thể kiếm được cả chục ký cá lóc, nhưng năm nay thì cá không còn nhiều có khi đẩy cả ngày chỉ bắt được vài con. “Mấy năm trước, tôi chỉ bắt cá trê, cá lóc mà thôi.

Tuy nhiên, năm nay, cá lóc ít, tôi bắt luôn cá rô, cá sặc. Mà tôi chỉ sử dụng nơm tre để bắt chứ không dùng bình ắc-quy để kích điện.”- anh Thắng chia sẻ.

Khi phát hiện có cá chỉ cần đợi cho lớp bong bóng nước đó tan hết và có một vài bong bóng khác nổi lên thì dùng nơm nơm tại vị trí đó là sẽ bắt được cá
Khi phát hiện có cá chỉ cần đợi cho lớp bong bóng nước đó tan hết và có một vài bong bóng khác nổi lên thì dùng nơm nơm tại vị trí đó là sẽ bắt được cá

Những người theo nghề này đa phần là nông dân ít ruộng đất sống bằng nghề làm thuê, tận dụng những tháng mùa nước để kiếm thêm thu nhập. Loài cá mà những người đẩy côn đánh bắt chủ yếu là cá lóc vì cá này có giá cao, khoảng 60.000 - 80.000đ/kg.

Do lượng cá năm nay ít hơn mọi năm nên có khi trầm mình dưới nước cả ngày một người đẩy côn chỉ bắt được một ít cá nhỏ, những loại cá này không thể bán mà chỉ để xay ra làm thức ăn cho những vèo cá nuôi.

Bắt cá bằng đẩy côn đòi hỏi phải có sức khỏe để lội trên đồng ruộng ngập nước, dầm mưa dãi nắng gần như suốt cả ngày
Bắt cá bằng đẩy côn đòi hỏi phải có sức khỏe để lội trên đồng ruộng ngập nước, dầm mưa dãi nắng gần như suốt cả ngày

Anh Đoàn Thanh Vũ, xã Bình Phong Thạnh cho biết: “Tuy vất vả nhưng nghề này cũng giúp gia đình kiếm thêm thu nhập vào mùa nước nổi nhiều năm nay. Gắn bó với nghề đẩy côn đã lâu, giờ thu nhập không cao nhưng cũng không bỏ nghề được.”

Dẫu có nhọc nhằn nhưng nhiều người vẫn chọn đẩy côn làm nghề để mưu sinh trong mùa nước nổi bởi nghề này chỉ bắt những con cá trưởng thành chứ không khai thác tận diệt.

Theo THANH HIỂU - KHANG NAM (Báo Long An)