ĐBSCL: Dồn sức bảo vệ vườn cây mùa lũ

Cập nhật, 15:49, Thứ Ba, 16/10/2018 (GMT+7)

Những ngày này, nước lũ đổ mạnh vào vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và khu vực cuối nguồn. Nước lũ về mạnh đe dọa nhiều diện tích vườn cây ăn trái đặc sản ở các tỉnh ĐBSCL nên nhiệm vụ phòng, chống lũ đang được ngành nông nghiệp, chính quyền và nông dân tập trung quyết liệt...

Nước lũ ngập một số vườn ở Vĩnh Long.
Nước lũ ngập một số vườn ở Vĩnh Long.

Gia cố đê bao, không để ngập lũ

Xã Vĩnh Thới, Long Hậu, Tân Phước và Tân Thành là vùng chuyên canh quýt hồng đặc sản nổi tiếng của huyện Lai Vung (Đồng Tháp), những ngày qua nước lũ về mạnh khiến nhiều nông dân như ngồi trên lửa.

Ông Đào Văn Ngây, ngụ xã Long Hậu, cho hay: “Vùng này chuyên canh quýt hồng đã lâu năm và đây là loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, nhược điểm của quýt hồng là rất dễ mẫn cảm với nước lũ, chỉ cần ngập vài ngày là có thể xảy ra tình trạng cây bị suy kiệt và chết dần”.

Theo lời ông Ngây, hồi những năm lũ lớn như 2000, 2001, 2002… không ít vườn quýt hồng ở đây bị ngập tràn lan do vỡ đê.

Dù nông dân nỗ lực gia cố và bơm rút nước ra ngoài, nhưng khi lũ rút thì hàng loạt vườn quýt bị chết la liệt, buộc nông dân phải đốn bỏ để trồng mới lại, vừa tốn kém chi phí và thời gian chăm sóc.

“Từ kinh nghiệm đó, hàng năm mỗi khi lũ về là nông dân tụi tôi tập trung gia cố đê bao, chuẩn bị sẵn sàng máy móc bơm rút nước, không để lũ tràn vào vườn quýt…”, ông Ngây cho biết.

Cùng nỗi lo trên, ông Lâm Văn Khéo, ngụ xã Tân Thành, tiết lộ: “Mấy năm trước nước lũ nhỏ nên nông dân khỏe re không lo bị ngập vườn.

Tuy nhiên, mùa lũ năm 2018 này tương đối cao và hiện tại nước lũ đổ về mạnh nên nhà nào cũng phải túc trực bơm nước bảo vệ vườn quýt.

Gia đình tôi có 5 công quýt đang cho trái, bình quân thu nhập cũng cả trăm triệu đồng mỗi năm, cao gấp mấy lần trồng lúa. Do đó, cả nhà lúc này túc trực ngoài vườn canh nước lũ, không để ngập…”.

Nông dân Đồng Tháp đắp đê bao bảo vệ vườn mùa lũ.
Nông dân Đồng Tháp đắp đê bao bảo vệ vườn mùa lũ.

Theo ông Mai Quốc Hậu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lai Vung (Đồng Tháp), hiện toàn huyện có khoảng 6.700ha vườn cây ăn trái, trong đó có nhiều diện tích quýt hồng đặc sản có giá trị kinh tế cao. Dự báo năm 2018 lũ lớn nên huyện rất chủ động trong công tác phòng, chống, bảo vệ vườn.

Cụ thể, sau khi kiểm tra toàn bộ diện tích vườn của huyện thì tiến hành thuê cơ giới thi công hơn 45.000 gàu đất để gia cố đê bao bảo vệ vườn cây, tổng kinh phí gần 1 tỉ đồng.

Song song đó, bố trí lực lượng trực theo dõi chặt diễn biến nước lũ nhằm ứng phó kịp thời; vận động người dân cùng liên kết bảo vệ vườn, đồng thời không cho cây ra trái lúc này, không bón phân… nhằm tránh nguy cơ cây bị ảnh hưởng. Về cơ bản đến nay toàn bộ diện tích quýt hồng trong quy hoạch được bảo vệ tốt…

Tại Tiền Giang - nơi có diện tích vườn khá lớn với khoảng 70.000ha, hiện nhà vườn cũng tất bật bảo vệ. Ông Nguyễn Văn Năm, canh tác 8 công vườn ở huyện Cái Bè (Tiền Giang), tiết lộ: “Từ đầu tháng 10-2018 đến nay, nước lũ đổ về khá mạnh, cộng với triều cường nên nhiều diện tích vườn xoài, quýt, bưởi… của bà con bị đe dọa.

Thế là nông dân trong vùng liên kết lại vừa gia cố đê, vừa bơm rút nước liên tục nhằm không để nước lũ tràn vào vườn”.

Ở Vĩnh Long, nhiều nông dân liên tục bơm rút nước do ảnh hưởng mưa, triều cường… tràn vào vườn cây ăn trái.

Ông Trần Minh Tâm, ở cù lao An Bình, huyện Long Hồ (Vĩnh Long), tâm sự: “Chúng tôi đang dồn sức bảo vệ vườn cây, nếu mọi chuyện êm xuôi thì qua con nước lớn của tháng 10 này thì sẽ đỡ lo lắng hơn…”.

Nâng giá trị kinh tế vườn

Có thể nói, mấy năm qua kinh tế vườn ở ĐBSCL phát huy hiệu quả và qua đó giúp nhiều nông dân ở Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng… vươn lên khá giả.

Theo Bộ NN&PTNT, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất khẩu rau, quả được hơn 3,1 tỉ USD, tăng hơn 17%; trong đó trái cây vùng ĐBSCL đóng vai trò chủ lực.

Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL cho rằng, nếu so với cây lúa thì hiệu quả của trái cây mang lại cao hơn nhiều lần, vì vậy phát triển cây ăn trái phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa là hướng đi cấp thiết.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận hạn chế của nhiều loại cây ăn trái là không chịu được ngập lũ, trong khi năm nay lũ dâng cao nên việc ứng phó cần được đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Tiền Giang cho hay, qua ghi nhận thì triều cường có làm ngập tràn qua ở một số nơi gần sông, cù lao…

Nhưng do ngành nông nghiệp và nông dân đã chủ động gia cố đê bao từ trước, vì vậy diện tích vườn cây chưa bị ảnh hưởng nhiều.

Hiện các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước… tiếp tục theo dõi chặt diễn biến nước lũ và triều cường, để bảo vệ vườn cây và hàng chục ngàn héc-ta khóm, không để ngập lũ làm thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nhà vườn ở huyện Châu Thành (Hậu Giang), phân tích: “Thông thường trồng cây ăn trái phải mất từ 3-4 năm mới thu hoạch, tốn kém nhiều về thời gian, vốn đầu tư…

Do đó, năm nay lũ về mạnh nên nông dân dốc sức bảo vệ không để vườn cây bị lũ làm thiệt hại”.

Theo ông Lưu Văn Tín, Giám đốc HTX quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), cùng với việc tăng cường phòng, chống lũ vào giai đoạn chính vụ hiện nay thì mối lo canh cánh thời gian qua là tình trạng quýt hồng bị chết cây tràn lan gây thiệt hại lớn.

Ông Tạ Văn Hội, Bí thư Huyện ủy Lai Vung (Đồng Tháp), trăn trở: “Trước thực trạng dịch bệnh tấn công vườn quýt hồng đặc sản đe dọa sự phát triển của loại cây thế mạnh này, thời gian qua huyện Lai Vung đã chạy tìm các chuyên gia, nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ… nhờ giúp sức. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn còn rất khó”.

PGS, TS Trần Văn Hâu, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Bệnh vàng lá, thối rễ đã từng xảy ra trên cây có múi và gây thiệt hại khá nhiều. Sau đó, các nhà khoa học hỗ trợ nông dân biện pháp phòng trị và một số nơi có giảm. Song, hiện nay vì sao dịch bệnh bùng phát thì cần phải điều tra cụ thể…”.

Thêm vấn đề trăn trở nữa là gần đây giá thanh long và các loại cây có múi như cam, quýt… sụt giảm mạnh khiến nông dân bị thất thu nghiêm trọng.

Nhiều thương lái kinh doanh trái cây ở ĐBSCL cho hay giá thanh long sụt còn 2.000-5.000 đồng/kg (tùy loại), cam giảm còn 5.000-7.000 đồng/kg… nên nông dân không có lời và muốn bán cũng khó.

Khắc phục những hạn chế trên, cần có sự liên kết giữa nhà vườn, doanh nghiệp, thương lái, ngành nông nghiệp… từ việc quy hoạch diện tích vườn, sản lượng, bố trí thời vụ, xúc tiến tìm thị trường mới…

Ngoài ra, đầu tư tăng năng suất, chất lượng trái cây nhằm đẩy mạnh đưa trái cây ĐBSCL thâm nhập thị trường khó tính.

Theo HƯNG TÂN (Báo Hậu Giang)