Lũ về, Hậu Giang nuôi trồng thủy sản thay lúa vụ 3 ở vùng đất trũng

Cập nhật, 16:16, Chủ Nhật, 09/09/2018 (GMT+7)

Nuôi trồng thủy sản thay thế lúa vụ 3 ở vùng đất trũng Hậu Giang góp phần tăng thu nhập và đảm bảo việc xuống giống vụ đông xuân tốt hơn.

Trước tình hình nước lũ về sớm gây nhiều thiệt hại trên diện tích lúa ở các tỉnh đầu nguồn vùng ĐBSCL, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang khuyến cáo nông dân ở các vùng đất trũng trong tỉnh không nên xuống giống lúa vụ 3 mà chuyển sang nuôi, trồng những loại cây, con thích nghi trong vùng ngập nước.

Nuôi trồng thủy sản thay thế lúa vụ 3 ở vùng đất trũng Hậu Giang góp phần tăng thu nhập và đảm bảo việc xuống giống vụ đông xuân tốt hơn.
Nuôi trồng thủy sản thay thế lúa vụ 3 ở vùng đất trũng Hậu Giang góp phần tăng thu nhập và đảm bảo việc xuống giống vụ đông xuân tốt hơn.

Năm nay Hậu Giang có kế hoạch gieo sạ gần 50.000 ha lúa vụ 3 (lúa thu đông). Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo sạ được hơn 43.000 ha, còn hơn 6.000 ha chưa được gieo sạ.

Tuy nhiên, hiện tại ở nhiều địa phương trong tỉnh Hậu Giang, nước lũ đã vào ngập đồng.

Trước tình hình lũ lớn và đến sớm, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con ở những vùng đất trũng, không có đê bao không nên gieo sạ lúa vụ 3 mà chuyển sang nuôi trồng những loại cây, con thích nghi trong vùng ngập nước, nhất là nuôi cá.

Bởi nuôi cá trên ruộng là mô hình dễ thực hiện, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn cung cấp phân hữu cơ cho vụ lúa kế tiếp, thay vì sản xuất lúa vụ 3 tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh như các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành A, Long Mỹ, nông dân đã đồng loạt thả cá nuôi thay lúa vụ 3 trên những vùng đất trũng,

đứng đầu là huyện Phụng Hiệp với hơn 2.600 ha và trong những ngày tới diện tích nuôi cá dự kiến sẽ tăng, do nông dân còn đang tiếp tục thả nuôi.

"Hậu Giang đã khuyến cáo chỉ nên sản xuất lúa vụ 3 đối với những vùng, địa phương vùng cao ráo. Còn những địa phương mà có vùng trũng, không đảm bảo đê bao khép kín thì bà con có thể chuyển qua nuôi trồng thủy sản vừa góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân, cái thứ hai vừa hứng phù sa, đảm bảo cho việc xuống giống vụ đông xuân được tốt hơn", ông Đời cho hay./.

Theo VOV