ĐBSCL từ sông ra biển

Cập nhật, 18:06, Chủ Nhật, 27/05/2018 (GMT+7)

Hiện nay, tuyến Quốc lộ 1 không còn là độc đạo từ TP Cần Thơ đi Bạc Liêu, Cà Mau, mà có ít nhất 2 tuyến đường khác. Tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp trên 110 km xuất phát từ thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), đi qua Sóc Trăng, Bạc Liêu và kết thúc tại TP Cà Mau. 

Tuyến đường này “chia lửa” với Quốc lộ 1 đang quá tải, nhưng hiện còn vắng xe cộ lưu thông, lại thêm đường khá xốc, thế nên chúng tôi chọn đường Nam sông Hậu để khám phá cung đường mới.

Đường từ sông ra biển

Đường Nam sông Hậu chạy dọc sông Hậu từ TP Cần Thơ đi qua Châu Thành (Hậu Giang), Kế Sách, Long Phú, Trần Đề, Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và điểm cuối tiếp giáp với TP Bạc Liêu, kết nối trở lại với Quốc lộ 1.

Tuyến đường dài gần 150 km luôn khiến chúng tôi thích thú bởi nó đi xuyên qua những vùng nông sản đa dạng, các vùng văn hoá phong phú và đặc sắc.

Nông dân Vĩnh Châu xuống giống vụ mùa mới.
Nông dân Vĩnh Châu xuống giống vụ mùa mới.

Theo cung đường ra phía biển, chúng tôi đi qua những cánh đồng lúa, cây ăn trái ngút ngàn. Có thể nhận thấy sự thích nghi của các loại cây trồng khi nguồn nước ngọt từ sông Hậu dần chuyển lợ và mặn ở khu cửa biển Trần Đề.

Vùng cây ăn trái, lúa tốt tươi các huyện Châu Thành, Kế Sách, Long Phú đã thay thế cho những cánh đồng mía, vuông tôm kéo dài xuống Trần Đề đến Vĩnh Châu.

Thị xã Vĩnh Châu từ lâu rất nổi tiếng là vùng đất của hành tím, khoảng 45 km đường ven biển qua Vĩnh Châu tuyệt đẹp với đầy bất ngờ. Thời điểm cuối tháng 3 khi chúng tôi đi qua, hành tím rớt giá, nên người nông dân buồn hiu.

Nhiều đống hành tím còn đậy cỏ chất ngoài đồng, trong khi đã bắt đầu xuống vụ hành mới. Còn những nông dân trồng củ cải trắng như chị Thạch Na ở Lạc Hoà, vui vẻ cho biết với giá bán 2.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lời hơn 6 triệu đồng/công. Củ cải trắng còn được bà con trữ lại muối và phơi ngay trên đồng, sản phẩm này giúp thu lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/công.

Vĩnh Châu đâu chỉ có hành tím, tôm, nuôi artemia… với sản lượng lớn, cung đường ven biển còn đưa chúng tôi qua những vườn nhãn.

Những người dân cố cựu cho biết, vùng này xưa kia là đất giồng cát được hình thành qua quá trình bồi lắng của thiên nhiên và do con người đắp đê lấn biển, tạo điều kiện phát triển các loại cây ăn trái và hoa màu.

Có những vườn nhãn đã trồng trăm năm trước, ngày nay, cây nhãn thích nghi và phát triển tốt trên đất giồng cát…

Vĩnh Châu khá gần Bạc Liêu và có những nét tương đồng vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, nên nhãn Vĩnh Châu chắc cũng “có bà con gần” với những vườn nhãn cổ nổi tiếng của Bạc Liêu chăng?

Những “gã khổng lồ” trên biển

Mải miết đuổi theo giả thuyết “họ hàng” của cây nhãn, trước mặt là tấm biển chỉ vào Khu du lịch biển Hồ Bể cách đường Nam sông Hậu, chúng tôi tò mò xem biển Vĩnh Châu có khác biển Ba Động (Trà Vinh), Thạnh Phú (Bến Tre).

Cô chủ quán Gió Biển cho biết hai vợ chồng thuê đất mở quán khu Hồ Bể giữ xe, phục vụ các món hải sản cho du khách. “Thứ Bảy, Chủ nhật, các dịp lễ khách tới biển rất đông” - cô chủ quán bảo vậy.

Bãi biển Hồ Bể còn rất hoang sơ, như những bãi biển ở miền Tây, nước biển ngầu đục phù sa. Ngoài Gió Biển, còn có vài nhà hàng ven biển phục vụ du khách, hải sản ở đây khá phong phú, đặc biệt cá khoai tươi ngon.

“Còn có còng gió ngon không thua chù ụ, đợt sau tới nhớ điện thoại trước, tui kiếm còng gió cho” - cô chủ quán nói.

Chúng tôi đến cánh đồng điện gió Bạc Liêu - điểm tham quan mới của du khách. Từ cách xa chục cây số, đã có thể nhìn thấy những trụ tuabin lắp cánh quạt quay đều như những chong chóng khổng lồ in trên nền trời.

Đường cầu dẫn ra các tuabin gió đưa giúp khách tới gần hơn và chạm tay vào “gã khổng lồ” hiên ngang trên biển cả.

Theo số liệu khảo sát năng lượng gió của Tổ chức Thế giới GTZ, tại ĐBSCL tiềm năng gió ở những vùng ven biển và ngoài khơi rất cao, dễ khai thác, đặc biệt là khu vực tỉnh Bạc Liêu, tốc độ gió trung bình từ 7-8 m/giây.

Chúng tôi được biết, để xây dựng được các móng trụ tuabin trên biển và lắp đặt các tuabin gió nặng hàng trăm tấn với chiều cao mỗi trụ hơn 82 m, chiều dài cánh quạt 40 m không phải là chuyện dễ. Vậy mà, những trụ điện gió “khổng lồ” đã mọc lên giữa biển nước mênh mông, mỗi ngày… quạt ra tiền tỷ và hoà vào điện lưới quốc gia.

Điện gió tiên phong khai phá vùng biển bãi bồi của ĐBSCL đã và đang tạo động lực cho những dự án điện gió và cả những dự án khai phá nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được đánh giá rất nhiều tiềm năng ở vùng biển miền Tây.

Theo Báo Cà Mau