Trồng 10 công bồn bồn mà dồn được cả trăm triệu sắm tết

Cập nhật, 10:58, Thứ Hai, 05/02/2018 (GMT+7)

Từ 60 gốc bồn bồn xin về trồng thử cách đây hơn 10 năm, giờ đây ông Đinh Văn Đông ở ấp Tam Sóc B1, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã có 10 công trồng bồn bồn. Ông Đông cho hay, cũng nhờ trồng bồn bồn mà mỗi năm gia đình đều có tiền dồn sắm Tết. Bình quân mỗi năm, gia đình có lời hàng trăm triệu đồng từ 10 công bồn bồn...

Nếu như trước đây, bồn bồn là loại cây mọc hoang, thì ngày nay đã trở thành loại cây có giá trị kinh tế và mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều nông dân ở xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), nhất là trong những ngày giáp tết.

Nhiều hộ dân xã Mỹ Thuận đã chuyển diện tích ruộng trũng, nhiễm phèn sang trồng bồn bồn và có thu nhập quanh năm.
Nhiều hộ dân xã Mỹ Thuận đã chuyển diện tích ruộng trũng, nhiễm phèn sang trồng bồn bồn và có thu nhập quanh năm.

Hiện nay, nhiều nông dân ở huyện Mỹ Tú nói chung và xã Mỹ Thuận nói riêng đã tận dụng đất ở vùng trũng để trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng hay tôm càng xanh, góp phần cải thiện kinh tế gia đình, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Đinh Văn Đông ở ấp Tam Sóc B1 đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trồng bồn bồn. Trao đổi với chúng tôi, ông Đông tâm sự: “Ngày xưa, bồn bồn mọc hoang nhiều lắm nhưng không ai biết giá trị của loại cây này.

Khi diện tích đất hoang dần bị thu hẹp thì bồn bồn cũng không còn. Từ thực tế đó, năm 2002 tôi bắt đầu phát triển mô hình trồng bồn bồn.

Theo đó, với 60 gốc bồn bồn xin từ người bà con trồng thử, rồi nhân rộng ra 4 công. Sau này, thấy bồn bồn phù hợp với thổ nhưỡng và cho thu nhập ổn định nên gia đình tôi dành hẳn 10 công đất để trồng loại cây này”.

Ông Đinh Văn Đông ở ấp Tam Sóc B1 ăn nên làm ra nhờ cây bồn bồn. Ông Đông cho hay, từ ngày trồng bồn bồn, gia đình ông không còn cảnh túng thiếu, nhìn trước, ngó sau mỗi dịp Tết đến xuân về.
Ông Đinh Văn Đông ở ấp Tam Sóc B1 ăn nên làm ra nhờ cây bồn bồn. Ông Đông cho hay, từ ngày trồng bồn bồn, gia đình ông không còn cảnh túng thiếu, nhìn trước, ngó sau mỗi dịp Tết đến xuân về.

Theo kinh nghiệm trồng bồn bồn của ông Đông, bồn bồn là cây dễ trồng nhưng phải nắm được kỹ thuật chăm sóc nhất định thì mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khi trồng bồn bồn được khoảng 3 đến 4 năm thì phải dùng phân chuồng ủ men vi sinh cải tạo đất để những vụ sau bồn bồn phát triển nhanh.

Đặc tính của bồn bồn có thể cho thu hoạch nhiều đợt trong năm và sau mỗi lần thu hoạch xong phải chủ động mực nước vừa đủ để bồn bồn nhảy con.

Với kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc tốt, bồn bồn của gia đình ông Đông lúc nào cũng bán được giá, thương lái đến tận nhà mua 17.000 đồng/kg, năm nào gia đình ông cũng thu về hàng trăm triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí). Ngoài ra, ông Đông còn kết hợp nuôi tôm càng xanh, mỗi năm cũng thu về mấy chục triệu đồng.

Chia tay ông Đông, chúng tôi đến tham quan mô hình trồng và chế biến dưa bồn bồn của gia đình bà Huỳnh Thị Ngọc Hạnh ở ấp Tam Sóc D2.

Qua tìm hiểu, ngoài trồng bồn bồn để bán, gia đình bà Hạnh còn duy trì nghề làm dưa. Để có dưa bồn bồn cung cấp đủ cho khách hàng, nhất là vào dịp tết đến, mỗi ngày bà Hạnh mua thêm từ 50kg đến 100kg bồn bồn tươi của bà con lối xóm.

Mỗi ngày, bà Huỳnh Thị Ngọc Hạnh ở ấp Tam Sóc D2 thu mua từ 50kg đến 100kg bồn bồn tươi để làm dưa.
Mỗi ngày, bà Huỳnh Thị Ngọc Hạnh ở ấp Tam Sóc D2 thu mua từ 50kg đến 100kg bồn bồn tươi để làm dưa.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Hạnh chia sẻ: “Cũng không biết là dưa bồn bồn có từ bao giờ, chỉ nhớ lúc nhỏ được ăn và đến khi lớn lên thì công thức làm dưa bồn bồn được mẹ truyền lại nên hương vị đặc trưng của món ăn dân dã này vẫn không thay đổi.

Cách làm dưa bồn bồn cũng rất đơn giản, sau khi nhổ lên tước bỏ lớp vỏ ngoài rồi cắt lấy phần gốc non đem đi rửa sạch, sau đó chẻ đôi, giúp cho dưa thấm đều hơn.

Nước cơm để khoảng 3 đêm để tạo độ chua rồi cho đường, muối vô hòa tan, sau đó cho bồn bồn vào và 2 ngày sau là ăn được. Dưa bồn bồn ngon hay không ngon là do kinh nghiệm của mỗi người làm”.

Trong những ngày gần tết như hiện nay, để kịp giao bồn bồn cho khách hàng, mỗi ngày bà Hạnh phải thức dậy lúc 3 giờ sáng để đóng bồn bồn vô bọc rồi mang bỏ mối ở các điểm chợ, với giá 24.000 đồng/kg.

Vì gia đình bà Hạnh nấu rượu nên có thể tận dụng một lượng lớn nước cơm để làm dưa bồn bồn. Với cách làm truyền thống này, sản phẩm dưa bồn bồn do bà Hạnh làm ra hoàn toàn không có chất phụ gia nên an tâm khi dùng.

Để phân biệt với các loại dưa bồn bồn khác, bà Hạnh còn in nhãn trên túi nilông là “bồn bồn nước cơm” để người tiêu dùng yên tâm khi mua. Tiếng lành đồn xa, dưa bồn bồn của bà Hạnh còn được những người quen tận TP. Hồ Chí Minh đặt mua.

Dưa bồn bồn nước cơm luôn là 1 trong những món ăn dân giã nhưng cực kỳ hấp dẫn thực khách ở miền Tây nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Dưa bồn bồn nước cơm luôn là 1 trong những món ăn dân giã nhưng cực kỳ hấp dẫn thực khách ở miền Tây nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thuận Lê Văn Hồ cho biết: “Hiện nay, toàn xã có trên 80ha đất trồng bồn bồn, với khoảng 51 hộ. Những diện tích đất vùng trũng đã được bà con chuyển đổi theo hướng đa canh, đa con để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

Trong đó, bồn bồn là cây mang lại thu nhập ổn định nên chúng tôi tiếp tục vận động bà con duy trì diện tích đã trồng.

Hướng tới, địa phương sẽ thành lập tổ hợp tác trồng, chế biến bồn bồn và vận động bà con tham gia vào để tạo sự liên kết trong sản xuất, tìm đầu ra ổn định nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định, yên tâm sản xuất”.

Theo K. THOA (Báo Sóc Trăng)