Khu vườn kiểng thú tiền tỷ

Cập nhật, 08:33, Thứ Tư, 14/02/2018 (GMT+7)

Nằm trên QL1, đoạn giữa thị trấn Cái Bè và TX Cai Lậy (Tiền Giang), có một nghệ nhân chơi kiểng từng lao đao sạt nghiệp nhưng nay có trong tay vườn kiểng trị giá hàng chục tỷ đồng.

Trong khu vườn bạc tỷ đó, ngoài số kiểng quý thì còn có nhiều giống cây vốn ở ngoài gốc vườn, bờ ao nhưng nhờ bàn tay của nghệ nhân này mà giá trị được nâng lên hàng trăm triệu đồng…

Ông Năm Thoại chăm sóc cặp kiểng thú bông trang lớn trong khu vườn.
Ông Năm Thoại chăm sóc cặp kiểng thú bông trang lớn trong khu vườn.

“Đen tay” vì nhiều lần sạt nghiệp

Đó là câu chuyện về nghệ nhân cây kiểng Nguyễn Văn Toản (57 tuổi, ở xã Thanh Hòa, TX Cai Lậy- trong giới cây kiểng còn gọi là ông Năm Thoại). Lần đầu tiếp xúc, đây rõ ràng là một lão nông đã có quá nhiều sự từng trải, thể hiện qua khuôn mặt gầy gò và sạm nắng.

Ông Năm Thoại kể, ông vào nghề cây kiểng từ năm 1992. Khi đó, ông học nghề chỉ mới có… một ngày nhưng tham vọng lớn của tuổi trẻ khiến ông xách giỏ đi phiêu bạt và mua bán cây kiểng ở khắp các tỉnh ĐBSCL.

“Mình mang tham vọng lớn nhưng sức chưa đủ, coi như lực bất tòng tâm nên làm tới đâu lỗ tới đó. Nhiều lần sạt nghiệp vì tính tham lam của mình. Người ta nói lỗ trắng tay, chứ tôi là lỗ… đen tay vì không chỉ đứt vốn mà còn nợ bạc tỷ của người ta”- ông Năm Thoại tâm sự.

Kiểng thú hình rồng từ cây bông trang.
Kiểng thú hình rồng từ cây bông trang.

Đó là những năm đầu khởi nghiệp, trong tay không có vốn nhưng “khoái” làm ăn lớn, ông Năm Thoại vay nóng cả tỷ đồng.

“Mà khoảng những năm 1990, tiền triệu, tiền tỷ là con số rất lớn nên mới lâm cảnh nợ nần. Nhưng đó không chỉ là những thất bại mà còn là những bài học quý báu của mình. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, ông bà nói quả không sai”- ông Toản nghĩ lại.

Sau nhiều lần thất bại, vào những năm 1999- 2000, ông thuê đất mở vựa kiểng ở tỉnh Bình Phước- đây cũng là lần học được bài học mà theo ông thì “hay nhất và đáng nhớ nhất trong cuộc đời”.

Thế rồi câu nói của một người làm kiểng còn rất nhỏ tuổi “đánh thức” ông, rằng: “Người ta bán đất gởi ngân hàng tiền tỷ, rồi đất cũng mất, nhưng không cần bán đất mà trồng cây tùng, mỗi cây chỉ tốn mét vuông đất, rồi bán cây, cũng có tiền tỷ nhưng đất thì còn… y nguyên”.

Thế là năm 2002, ông trở về quê, tận dụng những miếng đất còn lại để trồng cây vạn niên tùng, dần dà trả hết nợ và tạo được cơ ngơi như ngày hôm nay.

Vườn kiểng chục tỷ

 Nghệ nhân Năm Thoại bên cây diên tùng có giá 1,5 tỷ đồng.
Nghệ nhân Năm Thoại bên cây diên tùng có giá 1,5 tỷ đồng.

Vườn kiểng nằm cạnh QL1 nên không khó để tìm đến ông Năm Thoại. Trong khu vườn gần 2ha này, cây vạn niên tùng là nhiều nhất trong hàng ngàn cây, trong đó có những cây giá hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, còn rất nhiều cây kiểng khác như: diên tùng, tùng Nhật Bản, vú sữa, khế, lộc vừng, bằng lăng, mai chiếu thủy,… có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/cây. Tính ngót nghét, vườn kiểng này có giá khoảng 60- 70 tỷ đồng.

Chỉ tay về phía cây diên tùng, ông Năm Thoại cho biết đó là cây có giá nhất trong khu vườn- tới 1,5 tỷ đồng nhưng đây cũng là cây ông vất vả và bỏ công sức nhiều nhất, thậm chí là… bán lỗ, vì khi mua phải vay bạc nóng.

Còn nhiều cây như vú sữa, khế, dâu hay lộc vừng mà hiện nay thị trường rất ưa chuộng (gọi là kiểng trái). “Có cây vú sữa hàng chục năm tuổi, giá 100 triệu đồng. Khế thì nhiều, giá từ vài chục đến trăm triệu, dâu cũng vậy.

Đó vốn là mấy cây ở bờ ao, mép vườn ít người để ý thì nay lại trở thành một trào lưu. Tuy nhiên, không phải cây nào lâu năm, to cao đều có giá trị, quan trọng là qua con mắt và bàn tay của nghệ nhân, những loại cây này mới thành hình, thành dáng và nâng cao giá trị”- ông Năm Thoại tâm sự.

Ngoài những cây kiểng đắt giá, trong vườn kiểng ông Năm Thoại còn có hàng trăm cây kiểng thú được làm từ cây bông trang. Đây cũng là loài cây mọc dại, giá trị thấp nhưng nay lại cho giá trị cao khi được kết công phu thành kiểng thú.

Ông Toản cho biết, do cây bông trang dễ uốn, sức sống cao và ra hoa rất đẹp nên được mọi người yêu thích. Tuy nhiên, để làm những loại thú lớn, bông trang phải có thân to và khoảng vài chục năm tuổi. 

“Tôi phải lặn lội, bỏ rất nhiều công sức đi tìm, sưu tầm nhiều loại bông trang khác nhau để làm ra sản phẩm.

Vừa rồi mới gởi cặp rồng và cặp chó cho dịp Tết Mậu Tuất ra Hà Nội, với giá 500 triệu đồng/cặp. Hiện trong vườn còn nhiều kiểng hình thú như tỳ hưu, rồng, gà, voi, trâu, tê giác,… cũng sẽ được đưa ra thị trường tết sắp tới”- ông Năm Thoại cho hay.

Là một người từng trải với nhiều lần thất bại, lại có niềm yêu thích đặc biệt với những cây kiểng dại bờ ao, góc vườn xưa, nên không khó để bắt gặp nhiều cây kiểng giá trị cao từ những loại cây này, được ông đặt ở vị trí trang trọng trong khu vườn nhà.

Ông Năm Thoại nói, đời mình đã trải qua quá nhiều thăng trầm nên khi truyền nghề lại cho con trai, ông đã không để con mình phiêu du, tìm kiếm, mua bán cây kiểng như mình nữa. “Quan trọng là học nghề, làm sao để biến những loại cây bình dị, quê mùa trở nên có giá trị nhất …”- ông Năm Thoại nói.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY