Thơm lừng bún sả Óc Eo

Cập nhật, 16:35, Thứ Tư, 01/11/2017 (GMT+7)

Trong sả có vị cá nhưng cũng không thấy cá, lại có cả hương ngải và vị beo béo của đậu phộng nhưng cũng... chẳng thấy các thứ ấy đâu trong tô bún sả.

Không chỉ nổi tiếng với những chứng tích Phù Nam được tôn vinh là vương quốc của thành phố cổ Óc Eo xưa kia, thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn, An Giang) còn vang danh với ẩm thực có một không hai của đồng bào Khmer đó là bún sả. 

Đơn giản như chính tên gọi, vậy mà món bún sả đã níu kéo biết bao tâm hồn du khách gần xa. Dù có dịp ghé thị trấn Óc Eo đã nhiều bận nhưng tôi chưa bao giờ chú tâm đến vấn đề ẩm thực.

Bởi, cứ xong việc là lật đật chạy về. Đến một ngày được cô bạn mới quen giới thiệu nơi đây có món bún sả rất ngon do người dân tộc nấu đã làm tôi tò mò, tâm hồn ẩm thực cứ thế trổi dậy.

Ngoài góc nhỏ ở chợ với vài người bán bún sả thì con đường dọc tỉnh lộ 943 (ấp Tân Hiệp A, thị trấn Óc Eo) khá nhộn nhịp vì có thêm sự góp mặt của món bún sả như "điểm xuyến" cho lòng "thành phố cổ". 

Ghé vào quán bún sả bên đường, tôi bắt đầu thưởng thức món ăn "trứ danh" của thị trấn. "Vừa đủ, quán chị còn đúng 2 tô bún sả cuối cùng.

Em ở xa lại phải không, món này ăn vào buổi sáng là ngon lắm đấy!" - chị bán bún đon đả trò chuyện. Chưa dứt lời, chị chủ quán đã mang ra tô bún sả thơm lừng còn đang cuộn khói mời khách.

"Ủa, chỉ có vậy thôi ạ, món này có phải chấm kèm với gì nữa không chị?" – tôi thắc mắc đúng chất của người mới ăn lần đầu. "Không đâu, vậy là vừa miệng rồi đó em" - người bán nói vọng ra. 

Sở dĩ tôi thắc mắc như thế là vì tô bún sả đơn giản hơn trong trí tưởng tượng của mình rất nhiều. Chỉ là bún với nước lèo, cho vào đấy là một nhúm sả đâm nhuyễn, vài cọng rau răm và rau giá.

Thật tình, chỉ nhìn thôi thì tôi vẫn chưa bị thuyết phục rằng đây là món ăn "đặc sản" của người dân tộc.

Bún sả không cầu kỳ trong khâu bày trí nhưng vị rất ngon
Bún sả không cầu kỳ trong khâu bày trí nhưng vị rất ngon

Nhưng cảm giác hụt hẫng ấy đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là sự ngạc nhiên vì vị ngon khó tả của món bún sả khi tôi chỉ nếm qua vài đũa đầu.

Nhúm sả ban đầu sau khi được đảo nhẹ đã nhanh chóng hòa tan vào nước súp, không thấy chút lợn cợn nào.

Trong sả có vị cá nhưng cũng không thấy cá, lại có cả hương ngải và vị beo béo của đậu phộng nhưng cũng... chẳng thấy các thứ ấy đâu trong tô bún sả.

Tóm lại, trông bề ngoài giản đơn nhưng tô bún sả lại ẩn chứa rất nhiều hương sắc và mùi vị khiến thực khách cứ tò mò về cách chế biến.

"Không riêng gì em, nhiều khách ở xa ghé ăn cũng hỏi chị cách nấu bún sả lắm. Chị bán ở đây đã hơn 7 năm rồi.

Đây là món ăn đặc trưng của người dân tộc, nên hễ là người Khmer thì bất luận là già, trẻ, trai gái đều biết nấu món này. Nhìn vẻ ngoài đơn giản vậy chứ món bún sả này làm cực lắm. 

Nguyên liệu để nấu bún sả rất nhiều: Ngải bún, đậu phộng, sả, cá lóc... Các thứ ấy đều phải sơ chế riêng. Xong đâu đấy thì mới trộn chung tất cả vào và đâm đến khi thật nhuyễn.

Đây cũng là công đoạn cực nhất. Người nấu phải mất hàng giờ để đâm thì các nguyên liệu mới hòa làm một được. Để nước lèo có vị đặc trưng riêng, phải nêm thêm ít mắm bò hóc của người Khmer (đã qua sơ chế) vào. Công đoạn chế biến chỉ có vậy nhưng vị ngon của bún sả tùy thuộc vào sự nêm nếm của người bán" – chị Mai Thị Dung (44 tuổi, ngụ thị trấn Óc Eo) bật mí.

Trông dân dã vậy chứ món bún sả lại được lòng nhiều khách ẩm thực. Từ giới trí thức đến người lao động, ai ai cũng "mê" cái vị sả đặc trưng của món bún ấy.

Với giá bán 10.000 đồng/tô, nhiều người bán cho biết chỉ lấy công làm lời nhưng cũng đắp đổi qua ngày vì lượng khách ủng hộ rất đông. "Mỗi ngày, tôi bán khoảng 300 tô bún sả.

Tuy cực nhưng vui lắm vì món ăn dân tộc mình được nhiều người biết đến và thưởng thức!" - chị Dung bày tỏ. 

Cách đó không xa là quán bún sả tên Hậu, theo chị chủ quán, mỗi ngày họ bán gần 30kg bún. Song bún sả của họ có hơi khác những chỗ khác một chút là không để mắm bò hóc vì nhiều người không quen với vị này.

Nói về xuất xứ của món bún sả, người chủ quán này bộc bạch: "Đây được xem như món ăn truyền thống của dân tộc tôi. Không phải đợi dịp gì, cứ thích thì mọi người sẽ nấu ăn. Nhưng mỗi khi lễ, Tết, món bún sả tuyệt nhiên không bao giờ vắng mặt được.

Có lẽ vì thấy ngon nên bà con ra bán thử, rồi được nhiều người ủng hộ nên món bún sả mới có chỗ đứng như ngày nay. Riêng, gia đình tôi đã ra bán hơn chục năm rồi!".

"Lần đầu đến thị trấn Óc Eo chơi, được bạn dẫn đi ăn món bún sả, tôi thấy rất ngon. Gắp riêng nhúm sả đâm cho vào miệng, rất nhanh các nguyên liệu cứ tan chảy ngay đầu lưỡi, rất mịn và thơm. Tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè của mình biết thêm về món ăn "đặc sản" này.

Và tất nhiên, tôi cũng sẽ quay lại đây một ngày không xa để thưởng thức món bún sả!" – chị Trần Thị Dung (25 tuổi, ngụ  TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Vâng, du khách đến với Óc Eo không chỉ được chiêm ngắm những cổ vật, di tích Phù Nam mà còn được thưởng thức tô bún sả đặc trưng của người Khmer thì còn gì tuyệt hơn. Không tin, mọi người hãy cứ đi và trải nghiệm!

Theo An Giang Online