Rộn ràng xóm cau Thành Phước

Cập nhật, 14:19, Thứ Bảy, 07/10/2017 (GMT+7)

Lặng lẽ bên dòng Hậu Giang, “xóm cau” phường Thành Phước (TX Bình Minh) hình thành từ rất lâu và “nuôi nấng” cho hàng chục hộ dân trong vùng. Gần đây, cau hút hàng, xóm làm cau cũng trở nên rộn rã hơn.

Nghề cau đem lại thu nhập khá ổn định cho nhiều người.
Nghề cau đem lại thu nhập khá ổn định cho nhiều người.

Ở tuổi 55, bà Huỳnh Thị Bình (Tổ 1, Khóm 2) chặt trái cau “điêu luyện”, thoăn thoắt. Bà nói mình đã gắn bó với cái nghề làm cau khô này gần nửa đời người: “Tui làm lâu dữ lắm rồi, em tui cũng làm nghề này. Tui thấy làm nghề này sống cũng khỏe. Tính ra mỗi ngày tui chặt được khoảng 50kg cau”.

Cũng theo bà Bình, cứ cách vài ngày lại có các mối quen từ các xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh) và TP Cần Thơ mang cau tươi sang để bán. Hiện giá cau tươi 12.000 đ/kg gồm cả buồng, bất kể cau non già.

Đi đến cuối con hẻm, chị Mai Thị Diệu ngồi trước nhà vừa tiếp chuyện với chúng tôi mà tay chị vẫn chặt từng trái cau thoăn thoắt. “Quen tay rồi anh ơi!”- chị cười nói tiếp- “Năm nay 33 tuổi.

Cái nghề này lâu lắm rồi, từ hồi tui còn nhỏ là đã thấy người lớn trong xóm làm rồi. Lớn lớn chút xíu tui cũng phụ chặt cau tới giờ luôn”.

Gia đình chị Diệu hiện có 4 người, chồng chị làm nghề thu mua ve chai, chị ở nhà trông con nhỏ và “làm cau”. “Mỗi ký ruột cau được trả 2.500đ. Nếu không bận bịu việc gì thì chặt ngày gần 70kg lận”- chị Diệu phấn khởi cho hay.

Cách đó không xa là một nhóm người cười nói vui vẻ, đôi tay nhanh nhẹn lặt từng trái cau cho vào sọt. Cô Huỳnh Thị Hòa bảo: “Giờ lớn tuổi có làm gì được đâu, ra đây làm ngày cũng lặt được 100kg cau, kiếm được 50.000đ. Hai vợ chồng già ăn không hết mà cũng vui hơn vì có người trò chuyện”.

Anh Huỳnh Văn Đoan (Khóm 6, phường Thành Phước)- một thương lái mua cau có thâm niên- cho biết: “Nhà tôi làm nghề này lâu đời rồi.

Thời ông nội và mấy ông tui làm nghề cau không à. Hiện gia đình còn người anh, người chú, mấy cô cũng làm nghề này”.

“Cau sấy khô được bán sang Campuchia”- cô Bình cho biết.
“Cau sấy khô được bán sang Campuchia”- cô Bình cho biết.

Bởi vậy, quanh năm dù vào mùa hay không thì ít nhiều anh cũng gom được hàng. Anh Đoan nói: “Trong tỉnh mình đặt hàng nhà vườn đi bẻ, ngoài tỉnh như bên Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang,…thì có mối quen”.

Theo anh Đoan, hiện thời điểm này đã qua mùa thu hoạch rộ, nên chỉ gom “3- 4 ngày mới được có vài tấn cau”. Hàng cau tươi, cau non thì đóng bao bán ra Hà Nội, Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Có nhiêu cũng lấy hết. Còn cau hột sấy khô thì bán trong Sài Gòn”. Hiện cau ít nên cau sấy khô là rất hiếm. Giá bán trên thị trường khoảng 170.000- 260.000 đ/kg, tùy theo chất lượng. Cau tươi thành phẩm là 17.000-18.000 đ/kg.

Bà con ở đây cho biết, việc tiêu thụ cau non, cau già hay cau sấy khô quanh năm và khá dễ dàng, cứ cách vài ngày thương lái sẽ đến “gom một lần”.

Vì vậy nhà nào ít nhân công thì ra vựa lặt hay nhận cau tươi về nhà chặt rồi giao lại cau ruột lấy tiền, nhà đông người còn kiêm luôn mua bán cau.

Được biết, để làm ra được 1kg cau sấy khô thì cần phải có 10kg cau tươi. Cau tươi lấy phần cơm bên trong rồi cắt khoanh, tiếp đó sẽ được sấy trên lò 1 ngày 1 đêm.

“Mình lớn tuổi rồi làm theo sức của mình, mày mò từ từ cũng xong hết. Đặc biệt cái cau này là không thể phơi mà phải sấy mới cho ra màu đẹp và thơm. Sấy trên lửa nhỏ, rồi đảo đều để cau khô đều”- bà Bình cho biết.

Nghề làm cau đã tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động nơi đây. Đến “xóm cau” những ngày này, từ đầu đến cuối hẻm, dọc theo đoạn đường đan là những trái cau, buồng cau được đổ đầy ở trước cửa mỗi nhà, thậm chí đầy sân.

Mùi cau thơm thơm phảng phất trong con hẻm nhỏ, những người phụ nữ nhanh nhẹn chặt cau, tiếng cười nói vui vẻ...

Bài, ảnh: THẾ NGỌC