Mới Trung thu, mai vàng miền Tây đã "ăn Tết"

Cập nhật, 09:23, Thứ Sáu, 06/10/2017 (GMT+7)

Dù mới mùa Trung thu, nghĩa là còn hơn 4 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng nhiều vườn mai ở miền Tây đã nở hoa vàng rực. Mai vàng “ăn Tết” sớm khiến người dân miền Tây lo lắng một mùa Tết thiếu sắc hoa vàng, còn nhà vườn thì “đứng ngồi không yên”.

Ra đường đã... thấy Tết!

Sau đợt mưa dầm đầu tháng 8 âm lịch vừa qua, rất nhiều vườn mai hoặc những gốc mai trồng làm kiểng trước nhà của người dân các tỉnh miền Tây đồng loạt bung nụ, trổ hoa. Có cây trổ lác đác, có cây trổ vàng rực khiến nhiều người nói vui: “Ra đường thấy như mùng Một Tết”.

Nhà vườn quận Bình Thủy chăm sóc mai sau đợt trổ bông vào giữa tháng 8 âm lịch. Ảnh: NGUYỄN TÍN
Nhà vườn quận Bình Thủy chăm sóc mai sau đợt trổ bông vào giữa tháng 8 âm lịch. Ảnh: NGUYỄN TÍN

Ông Lê Hồng Quang, ngụ thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, vừa cắt bỏ những hoa mai đã rụng cánh, vừa nói rằng, 4 cây mai của gia đình năm nào cũng đón Tết đúng lịch nhưng không hiểu sao năm nay lại trổ hoa sớm.

Hai cây mai trồng hai bên nhà trổ bông nhiều đến nỗi chỉ còn lác đác vài chiếc lá. “Tết năm nay chắc buồn rồi, không có mai trổ coi chơi”- ông Bảy Quang nói.

Còn ông Võ Xuân Nghiêm, ngụ xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, trồng quanh nhà hơn chục gốc mai vàng cũng đã trổ hoa.

Vườn mai của ông có cây vẫn còn nở hoa từng chùm; nhiều cây, cánh mai đã rụng hết chỉ còn trơ lại nhụy. Ông Hai Nghiêm nói, thời tiết bây giờ “không biết đường nào mà đoán”. Việc cho mai trổ đúng Tết năm nay không phải dễ.

Ông Nguyễn Văn Dành, khu vực Bình An, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, chủ vườn mai khá lớn ở Hợp tác xã Hoa kiểng Bình An, cũng có hơn phân nửa số gốc mai đã trổ hoa.

Lý giải về hiện tượng này, ông Dành cho rằng do trước đó có một đợt nắng hạn kéo dài làm thân cây bị khô, sau đó mưa dầm lại làm cho thân cây dư nước, lá khô rụng làm cho mai nở hoa. Đó là hiện tượng mai bị sốc nhiệt.

Toàn quận Bình Thủy có khá nhiều vườn mai vàng, có vườn quy mô hàng trăm gốc, nhưng có đến 40%- 70% số mai đã trổ hoa trong tháng 8 âm lịch này.

Xử lý để mai nở dịp Tết

Trước diễn biến thời tiết thất thường những năm gần đây, việc xử lý mai vàng trổ hoa đúng Tết không còn đơn giản như tập tục lâu nay là rằm tháng Chạp lặt lá rồi cất nước, khi mai trổ nụ thì tưới nước đẫm. Thời tiết “sụt sùi” khiến mai cũng “dị ứng” theo, có thể trổ hoa bất cứ mùa nào trong năm.

Mùa mai Tết năm nay của nông dân miền Tây được dự báo sẽ khó khăn nhưng hầu hết bà con cũng khá tự tin. Lý do, bà con cho rằng “trong cái rủi có cái may” khi mà mai trổ tháng 8 cũng khá sớm, đủ thời gian xử lý để mai vàng phục hồi, trổ thêm dịp Tết.

Ông Nguyễn Văn Dành đang lặt bỏ những bông hoa đã nở, bón phân, xử lý kỹ thuật để phục hồi sức cho mai. Với kinh nghiệm của ông Dành, để mai nở đúng Tết, từ tháng 10 âm lịch, phải đảm bảo đủ nước cho mai, nếu thiếu mai sẽ rụng lá dẫn đến nở sớm.

Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Dưỡng, khu vực Bình An, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, đối với mai vàng trồng trong chậu, lượng dinh dưỡng cho cây hạn chế, vì vậy việc đảm bảo độ ẩm và dinh dưỡng rất quan trọng.

Cụ thể, chậu mỏng, đất ít, độ ẩm thấp thì lặt lá trễ, chậu dày độ ẩm nhiều thì lặt lá sớm. Ông Dưỡng cho rằng, nhà vườn cần chủ động trước ảnh hưởng biến đổi khí hậu để có biện pháp kỹ thuật hợp lý, nhất là những hiện tượng như sương muối, nước mưa…

“Khi vào mùa mưa, nhà vườn nên giảm sử dụng lượng phân hóa học, tăng lượng phân vi sinh để tăng cường cải tạo, cung cấp chất dinh dưỡng cho đất”- ông Dưỡng khuyên.

Dù các nhà vườn tự tin sẽ khắc phục để mai “ăn Tết” đúng lịch song họ cũng lo lắng rằng, chi phí cho phân thuốc và dinh dưỡng cho cây sẽ nhiều, mất công sức chăm sóc hơn.

Rõ ràng, khi mà tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực ĐBSCL ngày càng khốc liệt thì nhà nông bị ảnh hưởng không nhỏ. Một vụ mai Tết được mùa, trúng giá giờ là ao ước mà không phải nông dân miền Tây nào cũng thực hiện được.

Theo ĐĂNG HUỲNH-NGUYỄN TÍN (Báo Cần Thơ)