Nông dân vùng đầu nguồn gấp rút thu hoạch "chạy lũ"

Cập nhật, 10:06, Thứ Hai, 14/08/2017 (GMT+7)

 

Nước lũ về đem đến nguồn lợi thủy sản lớn cũng như kế sinh nhai cho nhiều cư dân ĐBSCL.
Nước lũ về đem đến nguồn lợi thủy sản lớn cũng như kế sinh nhai cho nhiều cư dân ĐBSCL.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) : “Năm nay nước lũ về sớm hơn mọi năm, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh và đã vượt hơn mức lũ năm 2011 (so cùng thời điểm). Đồng thời, lũ cũng sẽ đem đến nguồn lợi không nhỏ cho miền châu thổ này”.

Đến với các tỉnh thượng nguồn An Giang, Đồng Tháp vào thời điểm này chúng tôi mới cảm nhận được hết sự phấn khởi của bà con nông dân sinh sống bằng nghề đánh bắt nơi đây, song đâu đó vẫn có những nỗi buồn khi nông sản mất mùa, rớt giá vì lũ sớm.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cuối tháng 8 mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên cao dần, tại Tân Châu, Châu Đốc có thể ở mức 3,1- 3,5m. Đỉnh lũ cao nhất năm ở đầu nguồn sông Cửu Long có thể ở mức từ  báo động cấp II đến báo động cấp III, xuất hiện trong nửa đầu tháng 10/2017 (tại Tân Châu : 4,00m - 4,50 m; tại Hồng Ngự: 3,90 - 4,40 m). 

Cùng với đó, thời gian gần đây, sự xuất hiện thường xuyên của những cơn mưa lớn ở khu vực ĐBSCL kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về nên một số cánh đồng thuộc tỉnh Đồng Tháp và An Giang cũng đã ngập nước.

Trên cánh đồng của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), hàng ngàn chiếc dớn, lưới đáy,… đã được đặt dày đặc để săn cá linh- đặc sản nổi tiếng nhất của mùa nước nổi và nhiều loài cá sông khác.

Đây là công việc đem lại nguồn thu nhập chính của nhiều người dân vùng lũ sau vụ lúa Hè Thu. Bác Nguyễn Văn Nam- ngụ ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự phấn khởi: “Nước về sớm thì cá linh nhiều hơn mấy năm trước. Một ngày đánh bắt khoảng 50- 60 ký, giá hơn 100.000 đ/kg”.

Còn cô Nguyễn Thị Hiền ngụ xã Phú Hữu, huyện Châu Phú (An Giang) thì cho hay, ngày cô và chồng cũng đỗ được vài chục kg cá linh. “Vớt lên là thương lái đến mua liền hà, dễ bán dữ lắm”- cô Hiền cười đôn hậu nói.

Con nước về sau nhiều năm “vắng lũ” đem theo nguồn lợi thủy sản cũng như sinh kế cho bà con ĐBSCL, nhưng cùng với đó là những lo toan để ứng phó với nước lũ đang lên cao từng ngày, đã làm ảnh hưởng đến nhiều diện tích lúa cũng như hoa màu khiến nhiều bà con nông dân phải tất tả thu hoạch chạy lũ.

Ông Dương Văn Tỷ- ngụ xã Phú Hữu, huyện Châu Phú (An Giang) buồn rầu cho chúng tôi biết, nhà ông có hơn 2ha đất trồng bắp và mè, nhưng năm nay lũ đến sớm nên ông cũng như nhiều bà con khác “không kịp trở tay”.

“Kiểu vầy là không có tiền trả tiền phân thuốc, giờ không biết làm sao luôn. Cả khu này hơn cả trăm ha chứ đâu có ít đâu”- ông Tỷ đưa mắt nhìn về phía ruộng bắp đang ngập trong nước lũ rồi nói.

Nhiều diện tích bắp bị ngập và chết, để giảm thiểu thất thoát người dân phải thu hoạch gấp.
Nhiều diện tích bắp bị ngập và chết, để giảm thiểu thất thoát người dân phải thu hoạch gấp.

Trong tình cảnh chịu thất thoát nặng nề, ông Võ Văn Thuông- ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông,  huyện An Phú cho biết, ông thuê 16 công đất trồng lúa, song thu hoạch chưa đầy 20 bao.

“Mọi năm giờ này nước chưa có gì đâu. Ai biết được lên dữ vậy. Nước ngập vầy thì buộc phải thu hoạch được bao nhiêu thì được”- ông Thuông ủ rủ cho hay.

 Còn tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) hiện mực nước cũng đã lên cao hơn cùng kỳ năm ngoái 144cm.

Theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, chúng tôi đã đến xã Thường Phước 1- một trong những xã chịu thiệt hại nhiều vì lũ của huyện Hồng Ngự và được các anh bộ đội biên phòng dùng xe máy chở đến địa phận ấp 1 của xã này.

Con đường đê lởm chởm, dọc hai bên đường là một màu vàng hực của bắp. Trong cái nắng như đổ lửa của vùng biên giới, chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Văn Hưng.

“Năm nay lũ lên sớm hơn mọi khi, nước lên dữ quá ngập hết nên phải thu hoạch chứ sao giờ. Bắp non rồi gặp nước nên sản lượng giảm dữ lắm, năm trước được 1,1 tấn/công thì năm nay còn chừng 600kg/công. Giá giờ rớt còn có 2,500đ/kg”.

 Chất lượng lẫn sản lượng đều giảm, giá bắp chỉ còn phân nửa so với trước.
Chất lượng lẫn sản lượng đều giảm, giá bắp chỉ còn phân nửa so với trước.

Còn tại ô bao ấp 2 mực nước lên nhanh đã tràn vào ruộng khiến các hộ dân nơi đây phải thu hoạch sớm nhiều diện tích củ sắn  khi vẫn còn non.

Hiện tại giá củ sắn chỉ còn 1.000 đ/kg khiến nhiều nông dân khóc ròng vì phải chịu lỗ vài chục triệu đồng/ha. Theo ông Phạm Hồng Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1, nguyên nhân khiến cho giá các loại nông sản sụt giảm là do chất lượng giảm cùng với đó là việc thu hoạch ồ ạt đã dẫn đến bị ép giá.

Không chỉ củ sắn mà trong khu ô bao này, còn nhiều diện tích hoa màu như bắp, dưa leo, khổ qua, lúa vẫn chưa đến ngày thu hoạch. “Lúa được 55 ngày tuổi rồi, còn 12 ngày nữa mới thu hoạch được, chứ lúa non thu hoạch bán ai mua. Giờ lo quá sợ nước tràn thì không biết phải làm thế nào”- chú Nguyễn Văn Hoàng sốt ruột nói.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng sở dĩ nước lũ lên và gây hại nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân một phần là do chủ quan, không lường trước được tình hình lũ về sớm và lên nhanh như năm nay.

Hơn nữa, theo ông Phạm Thành Nhi- Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự, những diện tích hoa màu ở các xã Long Khánh A, Thường Thới Tiền, Phú Thuận B và Thường Phước 1, Thường Phước 2 là nằm ngoài quy hoạch, thuộc đất lăn bồi mà huyện đã cho thuê.

Nhưng “do người dân tận dụng trồng thêm vụ lỡ vì nghĩ năm nay lũ sẽ như mọi năm. Không ngờ lũ lên sớm nên đã dẫn đến bị thiệt hại, chứ chủ trương ngay từ đầu là huyện đã khuyến cáo bà con rồi”.

 Chính quyền địa phương tiếp tục cho rà soát, củng cố lại các đoạn đê bao trọng yếu.
Chính quyền địa phương tiếp tục cho rà soát, củng cố lại các đoạn đê bao trọng yếu.

Riêng đối với những diện tích lúa Hè Thu chưa thu hoạch, ngành nông nghiệp huyện Hồng Ngự cũng đã vận động nông dân thu hoạch dứt điểm đến 25/8/2017, để tránh thất thoát do lũ.

Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, hàng ngày báo cáo nhanh cho Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện diễn biến mực nước; tích cực huy động lực lượng dân quân địa phương theo dõi, giám sát túc trực 24/24 tại các đoạn đê bao xung yếu để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra.

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC