"Thần đồng" vùng Đất Mũi

Cập nhật, 16:04, Chủ Nhật, 02/07/2017 (GMT+7)

Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng em Châu Ngọc Thêm (4 tuổi) và em Nguyễn Gia Huy (5 tuổi), cùng ở huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) được phát hiện với các khả năng đặc biệt: Biết đọc, biết viết khi chưa từng đến trường.

Các bé được người dân địa phương mệnh danh là “thần đồng xứ rừng” hay “thần đồng vùng Đất Mũi”.

Biết đọc, viết từ lúc 2,5 tuổi

Em Châu Ngọc Thêm (4 tuổi), ở ấp 8, xã Khánh Hòa, huyện U Minh (Cà Mau) là tâm điểm chú ý của người dân địa phương khi biết đọc, biết viết từ lúc còn rất nhỏ.

“Con muốn sau này trở thành một bác sĩ để có thể cứu, chữa bệnh cho mọi người” - đó là ước mơ của em Châu Ngọc Thêm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, em Thêm sinh ngày 19/4/2013, tại ấp 8, xã Khánh Hòa, huyện U Minh (Cà Mau). Khi vừa tròn hai tuổi, em Thêm có những biểu hiện đặc biệt hơn các trẻ khác cùng trang lứa như lanh lợi, năng động… và đặc biệt là có trí nhớ rất tốt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Châu Minh Sáng - ông nội cháu Thêm - cho biết: “Phát hiện được những tố chất vốn có của cháu nên tôi dạy cho cháu đọc bảng chữ cái tiếng Việt.

Thấy cháu tiếp thu nhanh nên tôi tiếp tục dạy cháu ráp vần. Ban đầu tôi tính dạy cháu ráp cho vui thôi, nên dạy cháu ráp được vài từ như: Con cá, cái ca…

Sau đó rồi thôi không dạy nữa, nhưng không ngờ cháu lại tự tìm tòi ráp vần. Một hôm cháu cầm cuốn sách giáo khoa lớp 1 lên đọc ron rót một đoạn thơ, khiến tôi và cả nhà sửng sốt”.

“Chưa thực sự tin vào khả năng của cháu, tôi đã thử nghiệm đưa cho cháu một tờ báo để kiểm chứng nào ngờ cháu đọc hoàn toàn đúng; khi ấy cháu chỉ khoảng 2 tuổi rưỡi. Thấy cháu còn nhỏ mà làm được như vậy nên cả nhà thấy mừng vô cùng”, ông Sáng cho biết thêm.

Từ đó đến nay, mỗi ngày em Thêm tự tìm tòi đọc sách, báo. Đến nay không chỉ biết đọc mà cháu còn biết viết và viết chữ khá đẹp.

Cô Trần Thị Mỹ Lào - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Dương (xã Khánh Hòa), ở gần nhà bé Thêm, cho biết: “Ban đầu tôi cũng không tin cháu lại có thể biết đọc, biết viết nhưng qua theo dõi, làm trắc nghiệm kiểm chứng tôi hoàn toàn bị thuyết phục.

Cháu đọc chữ rất trôi chảy và viết chữ cũng khá đẹp. Đây thật sự là trường hợp xưa nay hiếm thấy. Tôi nghĩ gia đình và xã hội cần có sự quan tâm đặc biệt để phát huy hết khả năng của em”.

Tự học chữ trên mạng

Cũng là một trong những trường hợp chưa từng đến trường nhưng lại biết đọc, biết viết đó là bé Nguyễn Gia Huy (5 tuổi) ở ấp 7, xã Khánh Lâm, huyện U Minh (Cà Mau).

Trường hợp của Gia Huy có phần đặc biệt hơn bé Ngọc Thêm, bởi hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn, cha mẹ bé suốt ngày chỉ biết đến việc ruộng vườn, không có thời gian để dạy chữ cho em. Những gì em biết được hoàn toàn do tự bản thân học lấy trên mạng.

Khi được hỏi về khả năng của em Gia Huy, chị Võ Thị Mỹ Xuyên - mẹ của Gia Huy - cho biết: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bận nhiều công việc nên không có thời gian trông cháu hàng ngày.

Vợ chồng tôi mở mạng trên điện thoại cho cháu xem, nhất là các bảng chữ cái, rồi bỏ cháu một mình trong nhà để vợ chồng tôi ra vườn trồng màu và chăm sóc ruộng.

Rồi vào khoảng năm 2015, vợ chồng tôi bất ngờ khi cháu đọc chữ chạy trên tivi, mình không biết là cháu biết đọc từ lúc nào nữa.

Thấy cháu biết đọc thì cũng mừng nhưng thấy cháu nhỏ quá sợ dạy nhồi nhét nhiều cháu sẽ bị ảnh hưởng nên vợ chồng tôi cứ để cháu phát triển một cách tự nhiên”.

Không chỉ dừng lại ở khả năng biết đọc, biết viết, Gia Huy còn biết đọc được tên các màu sắc bằng tiếng Anh, biết đọc số có 3 chữ số, 4 chữ số.

Ông Nguyễn Minh Thành - người hàng xóm của cháu Huy bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Cháu Huy thật có tài, ở tuổi này mà biết đọc, biết viết là điều hiếm thấy, đặc biệt là cháu tự tìm hiểu học lấy. Cháu Huy cũng khá hiếu động.

Tôi hy vọng rằng gia đình và xã hội sẽ có sự quan tâm để giáo dục cháu đúng cách, giúp cháu trở thành một người có ích cho đất nước”.

Với những khả năng “trời phú”, hai bé Châu Ngọc Thêm và Nguyễn Gia Huy, được mọi người mệnh danh là “thần đồng nơi xứ rừng U Minh hạ”. Chúng tôi tin và hy vọng rằng, hai cháu sẽ tiếp tục được tạo mọi điều kiện để phát triển năng lực “đặc biệt” của mình.

Theo VIỆT HỮU (Báo Giáo dục & Thời đại)