Chuyện trồng chuối ở miệt rừng U Minh Hạ

Cập nhật, 18:48, Chủ Nhật, 30/07/2017 (GMT+7)

Dạo này, giới xây dựng ít khi thấy ông Châu Quốc Khải thanh thản ngồi cà-phê sáng như dạo trước. Nghe bạn bè phong thanh, ông đã về miệt rừng U Minh hạ, làm nông dân trồng chuối. Qua kiểm chứng, những đồn đoán ấy hóa ra là thật.

Trang trại chuối cấy mô hàng trăm héc-ta của ông Khải trên đồng đất lắm phèn ấy, giờ đã cho sản phẩm xuất khẩu sang nhiều nước.

Mỗi héc-ta đạt 100 triệu đồng

Sau nhiều lần hẹn bị "gãy kèo", tôi dong xe hơn 60 km về miệt rừng ấp 12 (xã Khánh Thuận, huyện U Minh) để gặp ông Châu Quốc Khải. Ngày trước, ông thuộc tốp ba doanh nghiệp bề thế trong ngành xây dựng tại Cà Mau, chuyên về công trình giao thông, thủy lợi.

Ông cũng từng là chủ nhân của nhiều công trình trong khu du lịch Hòn Ðá Bạc - điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh. Có lẽ vậy, bạn bè mới gọi ông với biệt danh "Khải hòn". Nhưng rồi, ông bỏ tất cả, về vườn làm nông dân.

Vận chuyển chuối từ vườn vào nhà xưởng sơ chế ở trang trại của ông Châu Quốc Khải.
Vận chuyển chuối từ vườn vào nhà xưởng sơ chế ở trang trại của ông Châu Quốc Khải.

Nhớ hồi đầu năm 2013, sau khi lập phương án, được tỉnh cho thuê hơn 2.000 ha đất rừng nghèo kiệt để sản xuất, ông Khải "gây sốc", khi nói trong vòng 5 năm, nếu không nâng được giá trị kinh tế mỗi héc-ta đất rừng lên 100 triệu đồng, ông sẽ trả lại đất chứ không chờ tới hết hợp đồng thuê 49 năm.

Từ bữa đó, giới báo chí chú ý hơn về Khải hòn. Họ đợi xem, ông làm nông dân như thế nào.

Sau một thời gian ngắn nhận bàn giao đất, ông Khải đã biến đồng sậy um tùm hoang hóa trở thành những bờ liếp cao, phẳng phiu.

Qua một mùa mưa, những cánh đồng ấy được phủ kín bởi những dòng cây keo lai thế hệ mới, có sức đề kháng mạnh.

Theo tính toán của ông Khải, chọn keo lai bởi loại cây này có sản lượng cao, lớn nhanh trên vùng đất nhiễm phèn, nhằm phục vụ nguyên liệu cho nhà máy chế biến gỗ ghép thanh và nhà máy than viên nén mà ông đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng ở Vàm Tắc Thủ (xã Khánh An, huyện U Minh).

Với chuỗi khép kín nêu trên, ngoài thân keo lai được ghép thanh đúng kích cỡ đơn hàng của đối tác trong và ngoài nước, ông Khải còn tận dụng phụ phẩm từ gỗ keo, băm nhỏ, ép thành than viên, bán cho nhà máy nhiệt điện và người tiêu dùng.

Keo lai đủ 5 năm tuổi, giá thấp lắm cũng từ 150 đến hơn 200 triệu đồng/ha. Trừ các khoản chi phí, còn lời ít nhất hơn 100 triệu đồng/ha, chưa tính lợi nhuận từ khâu chế biến.

"Cỡ mức đó thì không cần trả đất cho tỉnh nữa" - giọng ông Khải chắc "như đinh đóng cột". Trong câu chuyện làm ăn, ông Khải nhấm nháy rằng, đã là đất rừng kinh tế thì phải trồng loại cây gì để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích, chứ chung thủy hoài với cây tràm, bao năm qua, U Minh vẫn là "túi nghèo" của tỉnh.

Khải hòn thành Khải chuối

Ðường vô trang trại của ông Khải hòn, cạnh những thửa rừng keo lai vừa thu hoạch, đâu đâu cũng toàn chuối và chuối. Ðưa tôi đi thực tế những bờ liếp bạt ngàn chuối đang cho thu hoạch và công xưởng sơ chế, đóng gói chuối xuất khẩu, ông Khải cho biết, lý do trồng chuối là nhằm nâng cao hơn giá trị trên cùng diện tích đất rừng, tạo ra cách làm mới để nông dân trong vùng áp dụng.

Theo lời ông, tại đồng đất Cà Mau, nhất là miệt rừng U Minh, chuối bản địa có mặt hầu khắp các khu vườn của hộ dân, mọc hoang ngay cả những bờ bao ngăn mặn.

Chúng phát triển tốt mà ít tốn công chăm sóc, thậm chí chẳng cần bón phân. Tuy nhiên, loại chuối địa phương ấy chỉ tiêu thụ nội địa, giá cả bấp bênh.

Trong khi đó, cũng là chuối nhưng nông dân Phi-li-pin trồng đại trà, là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, qua hơn 60 năm, đất đai vùng trồng chuối xuất khẩu ở Phi-li-pin bị cằn cỗi, thoái hóa nên gần đây đầu ra giảm sút, đối tác nhập khẩu muốn tìm nguồn hàng khác để thay thế.

Trước cơ hội ấy, ông Khải cho người thân và một số kỹ sư của mình qua Phi-li-pin để tham quan, học tập, tìm hiểu thị trường, sau đó nhập chuối giống về trồng thử nghiệm.

Loại chuối ấy có tên chuối già Cavendish (còn gọi chuối già Nam Mỹ). Sau một thời gian trồng, chăm sóc, cây ra hoa, cho buồng, trái to hơn cả chuối già bản địa ở miệt rừng U Minh.

Ðầu năm 2016, ông Khải bắt đầu trồng đại trà giống chuối Nam Mỹ trên những vùng đất trống, sau khi đã thu hoạch keo lai. Ðến nay, trang trại chuối thâm canh của ông đã mở rộng lên hơn 220 ha, dự kiến phát triển lên khoảng 600 ha trong những năm tiếp theo.

Cùng với việc mở rộng diện tích, tìm kiếm đối tác, đầu ra,… ông Khải xây dựng thêm nhà xưởng, khu nhà ở cho công nhân và trại ươm giống chuối cấy mô. Giúp việc cho ông có những kỹ sư nông nghiệp, lâm sinh, và cả chuyên gia nước ngoài, được ông trả lương mỗi tháng khoảng 1.000 USD.

Ðầu năm nay, hai công-ten-nơ (khoảng 40 tấn) chuối già Nam Mỹ đầu tiên ở trang trại của ông đã xuất khẩu sang thị trường A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE). Từ đó đến nay, bình quân mỗi tuần, trang trại của ông xuất khẩu từ hai đến bốn công-ten-nơ chuối.

"Có vài đối tác Nhật Bản sau khi qua trang trại tham quan, xét nghiệm và ăn thử chuối đã đặt vấn đề nhập khẩu lâu dài với số lượng lớn. Tuy nhiên, tôi chưa dám nhận lời, vì diện tích trồng và lượng hàng còn khiêm tốn, lỡ "bể" hợp đồng là mất uy tín" - ông Khải chia sẻ.

Biết ông Châu Quốc Khải trồng và xuất khẩu chuối thành công, không ít nông dân địa phương tìm đến học tập kinh nghiệm. Dân trong vùng giờ gọi ông với biệt danh mới: "Khải chuối".

...Nhiều lần gặp, nhưng mãi đến nay, tôi mới biết ông Châu Quốc Khải quê ở xã Tân Hưng Ðông (huyện Cái Nước, Cà Mau).

Tuổi thơ lam lũ, gắn bó với ruộng đồng, nên ông thấu hiểu những cơ cực của nông dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" vẫn thiếu trước, hụt sau. Bởi vậy, khi có điều kiện, ông sẵn sàng trở lại làm... nông dân, giúp bà con làm giàu như mình.

Trong lán trại, nơi nghỉ trưa của công nhân, ông Khải nằm vắt vẻo đưa võng, kể: Sở dĩ ông chọn miệt rừng U Minh hẻo lánh, bởi muốn chứng minh câu nói "rừng vàng, biển bạc". Có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất tỉnh Cà Mau, nhưng bao năm qua, cư dân U Minh vẫn khổ.

"Người dân trồng tràm, mùa khô hạn phải canh lửa như canh vợ sắp sanh, khổ sở đời này sang đời khác. Bởi vậy, tôi muốn "dấn thân" để làm thay đổi cái nghèo khó nơi đây" - ông Khải khẳng định.

Hồi ông Khải mới mở rộng diện tích trồng chuối thâm canh, lãnh đạo tỉnh Cà Mau và một số tỉnh bạn còn vào tận nơi tham quan, động viên.

Ông Khải kể, có lần, chú Bảy Trắc (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang) đến trang trại, mang theo 20 nghìn con cá dồ giống để ông thả nuôi dưới kênh.

Ông Khải hiểu ý chú Bảy Trắc lo xa, phòng khi chuối không bán được, có thể cho cá ăn. Song, cũng nhờ bọc cá dồ ấy, ông Khải nảy sinh ý tưởng mua thêm bò, heo và một số loại cá khác để thả nuôi dưới kênh khu vực trồng chuối.

Cách làm ấy đã tận dụng tốt các phụ phẩm từ cây chuối, tăng thêm thu nhập và có nguồn phân hữu cơ bón lại cho vườn.

Ðến nay, tuy mới là năm thứ tư ông Khải về U Minh trồng rừng, nhưng mỗi héc-ta đã cho lợi nhuận hơn 150 triệu đồng.

Thành quả hôm nay đã minh chứng cho lời hứa của ông, nhưng tôi tin, với tâm huyết, ý chí và khả năng, thành quả đó mới chỉ là khởi đầu, với ông, mọi thứ sẽ còn lớn hơn, mạnh hơn, không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn cho quê hương, đồng đất U Minh bạt ngàn, cò bay mỏi cánh.

Theo HỮU TÙNG (Nhân Dân)