Ký ức những mùa dâu

Cập nhật, 11:54, Thứ Ba, 02/05/2017 (GMT+7)

Cứ độ cuối tháng 3 âm lịch, nhiều hộ dân Ấp 18, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình lại tất bật thu hoạch dâu. Hàng ngàn gốc dâu trái chín vàng rực, nhà nào cũng “trúng mánh” mỗi khi mùa dâu chín. Đó là chuyện của 8 năm về trước, bây giờ số gốc dâu còn lại thưa thớt, bởi số thì chết, số thì chủ vườn đốn bỏ.

Ít ai biết rằng, ở Cà Mau, ngoài dâu Cái Tàu nức tiếng thì cách UBND xã Biển Bạch tầm 1 km, tại Ấp 18, là nơi nhiều gia đình gắn bó lâu đời với vườn dâu. Chắc bởi “ông trời ưu đãi” nên vùng đất này luôn màu mỡ, nguồn nước dồi dào, vậy là cây dâu sống tốt, cho trái sai và ngọt.

Chỉ còn là hồi ức...

Ông Hà Hoàng Hải, làm chủ vườn dâu ngót 60 năm, gắn bó với cây dâu từ lúc lên 4 lên 5 tuổi, kể: “Mảnh vườn này tôi cũng không biết nó có từ khi nào, từ đời ông nội, rồi cha tôi truyền lại cho tôi. Khi còn rất nhỏ, tôi đã thấy cây dâu. Dù thời chiến hay thời bình, cây dâu vẫn không tách rời gia đình tôi”.

Anh Hà Hảo Hiếu lùng sục rất lâu trong vườn dâu chỉ tìm được 1 chùm trái thế này.
Anh Hà Hảo Hiếu lùng sục rất lâu trong vườn dâu chỉ tìm được 1 chùm trái thế này.

Vì “cha truyền con nối” nên nơi đây vườn dâu nào cũng có tuổi ít nhất 40 năm. Theo thời gian cùng nhiều thay đổi, những gốc dâu cằn cỗi hơn. Cả xóm đều là họ hàng và nhà nào cũng trồng dâu, chính vì vậy mà cây dâu càng trở nên gắn bó. Dâu được trồng theo liếp và nhà nào cũng có tài sản hơn 500 gốc.

Khi trời bắt đầu rải rác vài cơn mưa đầu mùa cũng là mùa dâu chín. Khi trái còn nhỏ thì màu xanh, rất chua nhưng khi tới lứa thu hoạch thì trái chuyển sang màu vàng rượm và ngọt.

Cây nào cây nấy oằn trái chín, trái nhiều hơn lá. Từng chùm dâu cứ thả dài từ cành cho tới thân cây, mỗi cây cho thu hoạch hàng trăm ký.

Mùa dâu chín, cả xóm nhộn nhịp cùng thu hoạch, năm nào cũng trúng lớn. Ông Hải nhớ lại: “Nhưng thời ấy qua lâu rồi! Hồi đó dâu nhiều vô số kể, giá bán chỉ có 5.000 đồng/kg thôi.

Người ta thu hoạch dâu không ai đếm ký, chỉ riêng nhà tôi thôi mỗi năm thu hoạch cả trăm tấn. Thu hoạch độ 2 tháng, nhưng tiền xài cả năm, khỏe re”.

Dâu cho trái sai, nông dân có lời, vậy là gắn bó khăng khít hàng chục năm qua, từ đời này sang đời khác. Sống cùng dâu, vui buồn cùng dâu, cuộc sống của nông dân tại đây cũng dần khấm khá.

Vậy mà giờ đây, mỗi khi nhắc lại những mùa dâu chín, ai nấy điều thở dài ngao ngán. “Giờ còn gốc không chớ có trái nào đâu. Khoảng 4 năm trở lại đây, cây dâu tự dưng thất mùa, không còn trái như trước. Tới mùa, cả xóm thu hoạch chưa được 20 kg dâu”, ông Hải ngậm ngùi.

Gian nan khôi phục...

Khó khăn lắm mới gầy dựng nên mảnh vườn dâu hàng ngàn mét vuông, nói bỏ thì làm sao bỏ được. Ruộng lúa thì lời lãi chẳng bao nhiêu, nhờ có vườn dâu mà nông dân nơi đây làm giàu ngay trên mảnh đất của mình. Vậy mà bây giờ đành ngậm ngùi nhìn từng gốc dâu trơ trơ qua những mùa trái.

Dù đã mấy mùa dâu không cho trái nhưng người dân Biển Bạch vẫn ấp ủ hy vọng giữ được vườn dâu.
Dù đã mấy mùa dâu không cho trái nhưng người dân Biển Bạch vẫn ấp ủ hy vọng giữ được vườn dâu.

Ông Nguyễn Văn Coi, 72 tuổi, Bí thư Chi bộ Ấp 18, xã Biển Bạch, “lão làng” ở đây, ngậm ngùi: “Hồi trước, cả xóm ai cũng trồng vài trăm gốc, nhưng giờ thì thưa thớt lắm. Số gốc thì chết, số gốc thì chủ vườn đốn bỏ để trồng loại cây khác. Tiếc nhưng cũng đành chịu thôi”.

Những năm gần đây, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài nên thiếu nước, vả lại đất đai bị nhiễm phèn nên mấy mùa dâu đều không thu hoạch được gì.

Mùa dâu này, trên những gốc dâu già cằn cỗi, cố gắng tìm lắm mới tìm được vài chùm dâu nhưng trái nhỏ và rất chua. Nhiều nhà còn lưu luyến muốn để lại cây dâu như cố gắng gìn giữ những gì ông cha đã dày công tạo lập.

Theo như lời ông Coi, nhiều gia đình vì thấy dâu không có trái nên đốn bỏ hết để trồng loại cây khác. Còn số ít hộ thì chừa lại vài trăm cây, hy vọng một ngày nào đó cây sẽ có trái trở lại. Nhiều chủ vườn vẫn khăng khăng bám giữ nhưng càng giữ thì càng buồn hơn.

“Diện tích dâu giờ đã giảm hơn phân nửa, ai cũng tiếc nhưng vì dâu không ra trái nữa. Nhiều lúc nghĩ muốn giữ lại nhưng lấy gì mà sống, vậy là đành buông tay. Giờ muốn khôi phục lại cũng rất khó”, ông Coi trải lòng.

Không chỉ riêng ông Hải, ông Coi nặng lòng với vườn dâu mà hầu hết những ai gắn bó với cây dâu đều ngậm ngùi khi nhìn nó cứ tàn lụi qua từng mùa.

Anh Hà Hảo Hiếu bày tỏ: “Gia đình tôi muốn khôi phục lại vườn dâu, nơi đây sẽ là điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách. Chắc đó chỉ là ước mơ thôi vì nhiều năm qua dâu không ra trái nữa...”.

Trăn trở với đời, nhọc nhằn với nghề là chuyện mà người nông từng trải. Có sống cùng với cây dâu mới thấu hiểu hết nỗi niềm của những hộ dân nơi đây.

Nhiều năm trước, cả xóm cùng nhau bàn bạc tìm cách khôi phục vườn dâu, nào là cải tạo, bón vôi, rửa phèn, sên đất… nhưng đều thất bại. Ngày qua ngày, vườn dâu vẫn không ra trái.

Giờ thì mùa dâu chín đã trở thành ký ức của người dân vùng Biển Bạch. Đối với họ, vị ngọt của dâu vẫn tồn tại, bởi nó rất riêng, cái ngọt đậm đà, không chỉ là dư vị mà là sự gắn bó của vùng đất còn lắm khó khăn này.

"Vườn dâu là tâm huyết của nhiều gia đình tại Ấp 18, nhưng cách đây vài năm thì dâu không ra trái nữa. Đây là những vườn dâu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.

 Nhiều gia đình trở nên khá giả, thoát nghèo cũng nhờ vào cây dâu. Hiện tại thì xã vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra tình trạng dâu thất trắng nhưng những năm qua mùa khô kéo dài gây thiếu nước, đất nhiễm phèn nặng", chị Đoàn Xuân Nguyện, Phó chủ tịch xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, thông tin.

Theo Báo Cà Mau