Giữ hồn chiếu Định Yên

Cập nhật, 07:30, Chủ Nhật, 07/05/2017 (GMT+7)

Đến thăm làng chiếu trên 100 năm tuổi bên triền sông nhỏ thuộc xã Định Yên (huyện Lấp Vò- Đồng Tháp) vào những ngày nắng oi ả. Dọc bên đường là những bó lác được nhuộm vàng, đỏ, xanh; xa xa là hình ảnh các chị đang phơi lác tạo nên một bức tranh sinh động đầy sắc màu hút hồn bao khách lãng du.

Không những vậy khi về với Định Yên chúng ta còn nghe được câu chuyện kể về khu chợ, mà chỉ cần nghe đến tên bạn đã rùng mình: “chợ ma” hay còn gọi là “chợ âm phủ”.

Con đường vào làng chiếu được điểm bởi những bó lác nhiều sắc màu.
Con đường vào làng chiếu được điểm bởi những bó lác nhiều sắc màu.

Thế nhưng cũng như bao làng nghề truyền thống khác, hiện tại làng chiếu Định Yên cũng đang gặp rất nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ bị mai một. Chính vì thế chính quyền địa phương cùng người dân đang nỗ lực gìn giữ, bảo tồn làng nghề thông qua du lịch để thu hút khách.

Về Định Yên nghe kể về “chợ ma” một thời

“Định Yên có vựa chiếu to/ Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm”, câu ca dao được truyền tụng từ bao đời ở xóm chiếu, đã phần nào cho thấy sự hưng thịnh một thời của làng chiếu trăm tuổi nằm bên nhánh sông quê yên ả.

Chú Phan Văn Bé Tư (xã Định Yên) là một trong những cư dân cố cựu, gắn bó hơn nửa cuộc đời với cỏ lác cùng tiếng máy dệt “lạch cạch” vang vọng khắp xóm làng.

“Khi ấy, chiếu làm ra không đủ bán. Chiếu làm ra được thương lái thu mua, rồi đem bán sang các tỉnh lân cận và lên tận Sài Gòn”- chú Tư nói về khoảng thời gian hưng thịnh nhất của làng chiếu. Chợ chiếu vào thời đó, cũng vì thế mà nhộn nhịp, tấp nập người mua kẻ bán.

Để chiếu Định Yên có được chỗ đứng nhất định trên thị trường, bà con làng chiếu luôn cẩn trọng từ khâu tuyển lựa sợi lác nguyên liệu, nhuộm, phơi cho đến công đoạn dệt. Bên cạnh đó, họ cũng không ngừng cập nhật, sáng tạo trong phối màu để có được những mẫu họa tiết tinh tế, đẹp mắt.

Nhấp ngụm trà, đôi mắt nhìn về phía những bó lác vừa được nhuộm còn tỏa khói nghi ngút, chú Tư kể tiếp: “Ngày trước, sau khi lo cơm nước xong là phụ nữ ngồi vào khung dệt chiếu, đàn ông thì nhuộm, phơi lác… để tối lại mang ra chợ bán”.

Cảnh mua bán ở chợ chiếu khá đặc biệt vì nó diễn ra từ lúc khuya cho tới độ 3 giờ sáng, thậm chí sớm hơn. Người mua kẻ bán tuy đông, nhưng rất im ắng. Ông Chính Tàu (83 tuổi) kể, người mua thường cầm đèn dầu mù u soi từng bó chiếu, trong khi người bán, có người có đèn có người không.

Cuộc mua bán diễn ra bên bến sông mà nếu giàu trí tưởng tượng, bạn có thể hình dung ra những dáng người lặng lẽ, u tịch di chuyển trên bến vắng. Có lẽ cũng từ sự đặc biệt này mà người ta gọi chợ chiếu Định Yên là “chợ ma”, “chợ âm phủ”.

“Đâu dám bán ban ngày, đốt đèn cũng không dám đốt sáng, cốt ý là để trốn “sưu cao, thuế nặng” của chế độ đương thời. Tối vậy họ đâu biết ai là ai, cả khu chợ thu thuế được chừng 1/3 số người bán chiếu là cùng”- ông Tư giải thích thêm.

Cảnh buôn bán cứ như vậy diễn ra trong “vài ba tiếng đồng hồ thì kết thúc”. Thương lái gom hàng xuống ghe chở đi tiêu thụ ở các nơi, còn người bán thì trở về nhà lại ngồi bên khung dệt chờ đến đêm khuya hôm sau đem chiếu ra chợ tiếp.

Cuộc sống bên những khung dệt rồi buôn bán chiếu, cứ như thế diễn ra theo vòng tuần hoàn riết cũng thành nếp. Cho đến khi không còn chế độ áp bức nữa thì dân làng Định Yên vẫn nửa khuya, giật mình thức giấc, vác chiếu ra bến sông chờ thương lái đến mua hàng.

Mong mỏi phát triển du lịch để bảo tồn làng nghề

Thế nhưng, làng chiếu nức tiếng một thời, cùng khu “chợ ma” độc đáo thuở nào giờ đã lùi về quá khứ. Khi giờ đây, cảnh người ngồi dệt chiếu bên những khung dệt truyền thống không còn nhiều, thay vào đó là máy móc tiên tiến, hình thức giao thương hàng hóa cũng được chuyển đổi thành ban ngày.

Theo nhiều người có thâm niên trong làng, cách đây hơn chục năm, do nhu cầu của thị trường tăng cao, nên đa phần các hộ làm chiếu trong làng đều chuyển qua dệt bằng máy. Bởi dệt máy cho năng suất cao, chất lượng mẫu mã đa dạng, chắc và đều hơn so với cách dệt thủ công.

“Nếu dệt bằng khung dệt truyền thống thì 2 người mất cả ngày mới hoàn thành được khoảng 2- 3 đôi chiếu. Thu nhập vài chục ngàn đồng. Giờ dệt máy khỏe hơn, nhanh hơn, 1 người có thể dệt được 10 đôi là chuyện thường, tiền công nhờ vậy mà nhiều hơn”- bà Phạm Thị Thơm vừa dệt chiếu vừa khoe.

Chúng ta không phủ nhận việc tiện ích khi áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, tuy nhiên nếu không có giải pháp tích cực thì rất có thể những làng nghề truyền thống nói chung và làng chiếu Định Yên nói riêng sẽ bị mai một dần theo thời gian, theo cơ chế thị trường.

Vậy nên làm thế nào để phát triển và lưu giữ làng nghề trăm tuổi vốn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đang là điều khiến các cấp chính quyền cùng bà con nơi đây băn khoăn.

“Tụi nhỏ sau này toàn sử dụng máy móc, đa số dân trong làng cũng theo xu hướng trang bị máy dệt. Tuy nhiên, bản thân chúng tôi vẫn muốn giữ lại nét truyền thống từ những đôi chiếu dệt thủ công mà cha ông đã truyền lại. Tôi hy vọng sao cho làng nghề truyền thống vẫn có thể tồn tại, mặc dù mình có đưa kỹ thuật, máy móc vô dệt đi nữa”- bà Sáu Hường vốn có thâm niên trong làng chia sẻ.

Bởi với những người lớn tuổi như bà Hường thì việc ngồi bên khung dệt truyền thống vẫn là một thói quen khó bỏ. Dệt để thấy hình bóng của cha ông, dệt để thấy đây mới chính là truyền thống đáng phải lưu giữ.

Trước thực tế trên, chính quyền địa phương xã Định Yên đã xây dựng kế hoạch phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống trên trăm tuổi này thông qua phát triển du lịch.

“Chúng tôi rất mong muốn được đầu tư, hỗ trợ để có thể phát triển du lịch ở làng chiếu. Khi đó, du khách đến với Định Yên sẽ được tận mắt xem qua các công đoạn làm ra chiếc chiếu. Ngoài chiếu mình dệt ra thì còn nhiều sản phẩm khác để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, chúng tôi dự định sẽ cho dựng lại “chợ ma” vào mỗi cuối tuần”- ông Mai Thành Lập- Chủ tịch UBND xã Định Yên- cho biết thêm.

Tuy trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng hy vọng, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự chung tay của các doanh nghiệp sản xuất cũng như người dân, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng về sự thay đổi tích cực ở làng chiếu trăm tuổi trong thời gian tới.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU