Nông sản đồng loạt rớt giá

Cập nhật, 10:42, Thứ Hai, 24/04/2017 (GMT+7)

Hàng loạt nông sản rớt giá thê thảm khiến nhà nông ở ĐBSCL “khóc ròng” giữa mùa nắng hạn.

Những ngày này, đi đến đâu cũng nghe bà con nông dân trồng lúa, khóm, dưa hấu, ớt… than vãn chuyện thời tiết nắng nóng khiến họ phải cực khổ trong việc chăm sóc, tưới tiêu nhưng khi thu hoạch thì giá cả lại giảm mạnh, thậm chí có loại bán rẻ như cho.

Giá lúa giảm mạnh

Sau thời gian lúa đông xuân tăng giá làm nức lòng nông dân thì khoảng 2 tuần nay, giá lúa tại ĐBSCL có xu hướng giảm mạnh.

Anh Lê Thanh Phong (ngụ xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Tui vừa bán 5 công lúa IR 50404 tại ruộng cho thương lái với giá 4.300 đồng/kg, giảm khoảng 300 đồng/kg so với đầu vụ. Vụ đông xuân này sâu rầy nhiều, giá phân lại tăng nên gần như không có lời”. Tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… giá lúa cũng đang hạ.

Không bán được, nhiều nông dân đã phơi ớt khô để trữ chờ giá cao lên sẽ bán.
Không bán được, nhiều nông dân đã phơi ớt khô để trữ chờ giá cao lên sẽ bán.

Lúa IR50404 hiện chỉ còn từ 4.300-4.500 đồng/kg, lúa IR50404 khô từ 5.300-5.500 đồng/kg. Giá nhiều loại lúa hạt dài và lúa thơm như: OM 2514, OM 5451, OM 2517, OM 4218, Jasmine85… khoảng 4.600-5.300 đồng/kg (lúa tươi), lúa khô từ 5.600-6.300 đồng/kg. Tính ra, giá lúa giảm từ 400-500 đồng/kg so với cách nay nửa tháng.

Một số doanh nghiệp cho biết do gần đây, giá gạo xuất khẩu giảm và doanh nghiệp đã thu mua bảo đảm lượng hàng so với các đơn hàng đã ký nên giảm mua lúa trong dân.

Bên cạnh đó, do nhu cầu tiêu thụ gạo không cao nhưng thị trường thế giới có nguồn cung dồi dào do Việt Nam, Thái Lan… đang vào mùa thu hoạch rộ. Những thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam là Philippines và Trung Quốc lại đang có động thái hạn chế hoặc tạm ngưng nhập khẩu.

Bán rẻ như cho

Không chỉ lúa mà người dân trồng ớt ở các tỉnh ĐBSCL cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Phồi ở ấp Long Thạnh A, xã Long Khánh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cho biết, cách nay hơn tuần, các thương lái còn đến thu mua ớt với giá 11.000-12.000 đồng/kg.

Thế nhưng, hiện nông dân như ngồi trên lửa vì giá rớt chỉ còn khoảng 7.000 đồng/kg mà cũng chẳng thấy ai hỏi mua.

Nhiều nông dân đã tính đến chuyện bỏ nghề để chuyển sang trồng một số loại cây ngắn ngày khác. Một số khác không nỡ chặt bỏ đành thu hoạch, lặt cuống rồi đem phơi để trữ ớt khô.

Theo ông Phạm Thành Nhi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, năm nay toàn huyện trồng hơn 115 ha ớt.

Diện tích trồng ớt chủ yếu tập trung ở các xã vùng bãi bồi, ven sông như Thường Phước 1, Thường Phước 2 và các xã cù lao Long Khánh như Long Khánh B, Long Khánh A.

“Ngoài nguyên nhân ớt bị thất thu và rớt giá do thời tiết thì nông dân mình vẫn còn thói quen trồng tự phát, làm ăn theo kiểu “hên xui”, thiếu liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp.

Do đó, mỗi khi thu hoạch rộ sẽ bị rớt giá. Với giá cả hiện tại thì nông dân không đủ tiền để thuê nhân công hái ớt chứ nói chi đến chuyện có lời”, ông Nhi nói.

Ngoài lúa, ớt, một số loại trái cây giải nhiệt trong mùa nắng như khóm (thơm, dứa), dưa hấu cũng tuột giá một cách bất thường.

Hiện nông dân trồng dưa hấu và khóm ở Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ… chỉ biết than trời khi nông sản thu hoạch xong mà thương lái không thèm để ý tới.

Có nơi thương lái đồng ý thu mua nhưng chỉ với giá 1.000-3.000 đồng/kg đối với dưa hấu và 2.000-4.000 đồng/kg đối với khóm.

Kiên Giang là một trong những tỉnh có diện tích trồng khóm lớn nhất khu vực ĐBSCL với hơn 7.800 ha, sản lượng trên 115.000 tấn/năm.

Diện tích trồng khóm của tỉnh tập trung ở các huyện: Gò Quao, Hòn Đất, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận…

Một nông dân ở huyện Gò Quao cho biết những ngày trước và sau Tết nguyên đán, giá khóm luôn nằm ở mức 8.000-10.000 đồng/kg nên với giá bán như hiện tại, người trồng khóm chẳng có lãi đồng nào, nếu không muốn nói là trắng tay./.

Theo Báo Người lao động