Làm giàu nhờ gắn bó với bưởi da xanh ruột hồng

Cập nhật, 08:28, Thứ Năm, 16/03/2017 (GMT+7)

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân đã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh ruột hồng, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Lê Văn Hùng, xã Đạo Thạnh (TP. Mỹ Tho) là một trong những điển hình làm giàu nhờ gắn bó với cây trồng này.

Ghé thăm vườn bưởi da xanh trĩu cành hơn 5.000 m2 đất của ông Hùng, chúng tôi mới thấy hết được hiệu quả cũng như giá trị kinh tế của loại cây này mang lại.

Chỉ vào cây bưởi sai trái, ông Hùng phấn khởi nói: “Tết Nguyên đán vừa qua, tôi bán hơn 1,5 tấn bưởi với giá trung bình 45.000 - 55.000 đồng/kg, thu về hơn 70 triệu đồng.

Đến khoảng tháng 3 hoặc tháng 4 âm lịch tới, vườn bưởi da xanh của tôi sẽ cho thu hoạch khoảng hơn 1 tấn trái nữa. Thời điểm này hàng năm, giá  tương đối cao”.

Ông Hùng chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi với nông dân trong vùng.
Ông Hùng chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi với nông dân trong vùng.

Trước đây, ông Hùng chỉ gắn bó với cây nhãn tiêu da bò nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ đó, ông bắt đầu chuyển sang trồng bưởi da xanh ruột hồng, đồng thời tham gia vào Tổ hợp tác bưởi da xanh Cựu Chiến binh xã Đạo Thạnh, cùng hội viên trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, xử lý để bưởi cho năng suất cao, đặt biệt là việc xử lý bưởi ra trái theo ý muốn của người trồng.

Nắm bắt được kinh nghiệm, nhiều năm liền, ông Hùng xử lý bưởi ra trái nghịch vụ, bán được giá cao.

Ông Hùng cho biết, bưởi da xanh trồng không quá khó, chủ yếu ở khâu làm đất, phải xẻ rãnh để cây không bị ngập nước, tăng cường bón phân hữu cơ để duy trì tuổi thọ của cây.

Ngoài ra, người trồng phải theo dõi bưởi thường xuyên, tránh để các loại côn trùng, sâu rầy gây hại.

Ông Hùng cho biết thêm: “Những năm gần đây, bưởi thường hay bị sâu đục trái ảnh hưởng đến năng suất nên tôi phải bao trái ngay khi trái non được khoảng 2 tháng tuổi.

Ngoài ra, tôi còn phải kiểm tra và phun thuốc theo định kỳ để da trái bưởi không bị rầy tấn công làm mất giá trị của trái”.

Về cách bón phân, theo ông Hùng, tùy theo giai đoạn của bưởi mà có cách bón phân cho hợp lý, tuy nhiên phân hữu cơ là quan trọng nhất. Sau khi thu hoạch phải xới tơi lớp đất trên mặt và rải phân hữu cơ để cây phục hồi cho năng suất vụ sau được tốt hơn.

Bên cạnh đó, tùy theo tuổi thọ của cây mà ông để trái cho phù hợp, nếu để trái nhiều thì chất lượng trái sẽ không cao, bưởi nhỏ, giá trị kinh tế cũng giảm theo.

“Nếu trồng và chăm sóc cẩn thận, sau khoảng 2 năm, cây bưởi bắt đầu ra hoa và cho trái. Những lúc cao điểm, bưởi có giá trên 60.000 đồng/kg, còn lúc thấp nhất cũng hơn 30.000 đồng/kg. Bưởi càng lâu năm, trái càng nhiều.

Hằng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về hơn 300 triệu đồng từ mô hình trồng bưởi da xanh ruột hồng” - ông Hùng ước tính.

Theo Báo Ấp Bắc