Về Long An ăn hẹ nước chấm mắm lia thia

Cập nhật, 06:32, Thứ Ba, 31/01/2017 (GMT+7)

Chúng tôi tìm về vùng Mộc Hóa, Tân Hưng trong những ngày đỉnh lũ. Người dân ở đây vui mùa lũ không chỉ bởi mang nhiều phù sa, tôm cá khắp các cánh đồng mà còn vì nhung nhớ một món ăn “lộc trời” của mỗi mùa lũ tới- hẹ nước chấm mắm cá lia thia.

Người dân thu hoạch hẹ nước ở các cánh đồng Mộc Hóa.
Người dân thu hoạch hẹ nước ở các cánh đồng Mộc Hóa.

Đặc sản của vùng lũ, vùng biên

Gọi là hẹ nước vì cây mọc dưới nước, ở trong các thửa ruộng phèn, gốc bám sâu dưới bùn đất, bụi hẹ vươn lên khỏi mặt nước và xòe lá tỏa ra dập dềnh, nhẹ uốn theo từng đợt sóng. Hẹ nước có chút khác với hẹ trên cạn. Hẹ trên cạn dày lá nhưng bề ngang hẹp, màu xanh sẫm.

Còn hẹ nước lá mỏng, có gân trắng chính giữa và giống như lá sả, nhưng mỏng, mềm, hơi trong trong, màu xanh nhàn nhạt. Lá hẹ nước ăn nghe mềm, xốp lại giòn, vị ngọt thanh…

Được người dân miêu tả cây hẹ nước một cách tỉ mỉ nhưng trong lòng vẫn muốn một lần chạm thử bụi hẹ nước ngoài đồng, vậy là anh Lê Hoàng Việt (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) đã lấy chiếc vỏ lãi chở chúng tôi ra ruộng. Ruộng không còn thấy bờ ranh, chỉ còn những đọt tràm nhô đầu lên mặt nước.

Ở những cánh ruộng có “lộc trời” mỗi buổi sáng đều có nhiều người đến nhổ, tiếng cười nói râm ran cả một góc nước mênh mông…

Anh Việt cho biết, hẹ nước được thu hoạch rộ vào lối tháng 7, 8 âm lịch. Người dân ở đây đều vui khi mùa nước lũ về, không làm lúa cũng trồng sen, đánh bắt cá và nhổ hẹ nước đem ra chợ bán. Với những người nhiều ruộng đất, họ còn trồng sen xen với hẹ nước, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể trong mùa lũ.

“Bà con quý cây hẹ nước như một loại đặc sản mà ít nơi đâu có. Hơn nữa, đón lũ về, nhìn hẹ nước là người ta sẽ biết lũ cao hay thấp, nên mừng hay chưa, bởi chỉ cần cầm cọng hẹ lên đo là được mực nước…”- anh Việt chia sẻ.

Không biết cây hẹ nước có từ bao giờ và đến khi nào thì trở thành món ăn đặc sản, chỉ biết cứ tới mùa là thương lái tấp nập tới mua.

Mắm cá lia thia có màu ửng đỏ khi được ủ đúng ngày.
Mắm cá lia thia có màu ửng đỏ khi được ủ đúng ngày.

Anh Việt cho biết, cây hẹ nước có từ trong đất cày, có trong từng thớ đất nông sâu. Người dân ở đây cứ hễ mùa lũ về là sáng ra ruộng hái hẹ, đem ra chợ hay đặt ngay trước cổng nhà thì có khách gần xa đến mua.

Còn với anh Việt: “Cây hẹ nước đã gắn liền với tuổi thơ, từ thuở còn ở trần cùng đám bạn nô đùa trong con nước lũ, hẹ nước- tuy lạ mà quen…”

Tạm biệt cây hẹ nước đặc trưng vùng lũ Mộc Hóa, Tân Hưng, chúng tôi tìm về vùng biên Đức Hòa, Đức Huệ, bởi ở đâu đó rỉ tai nhiều về món ăn hẹ nước chấm với món mắm cũng đặc sản không kém- mắm cá lia thia.

Thoạt nghe, nhiều người như chúng tôi không thể tin nổi. Bởi ở Vĩnh Long, cá lia thia đồng giá vài ngàn đồng/con, ấy vậy mà ở vùng biên này, sao nhiều đến nỗi người dân dùng để làm mắm, lại là món ăn dường như mọi gia đình đều sẵn có…

Ôm “một bụng” thắc mắc, chúng tôi tìm đến cơ sở làm mắm của chị Võ Thị Hồng Thắm (Khu phố 2, thị trấn Đức Huệ). Đây là cơ sở mắm theo cách làm được truyền từ đời này sang đời khác.

Chị Thắm cho biết, chị làm mắm cá rô dăm, cá lòng ròng, nhưng đặc sản được nhiều người biết đến nhất là mắm cá lia thia, bởi sự độc đáo của nó.

Con mắm khi được làm đủ ngày, sẽ có màu ửng đỏ trông rất đẹp, nên chỉ mới nhìn bằng mắt, ngửi bằng mũi thôi cũng đã khiến cho nhiều người thòm thèm…

Anh Lê Văn Nhủ- chồng chị Thắm cho biết, cá lia thia được bắt ở các vùng bưng, khu Bình Hòa Nam, kinh Bo Bo, tận Tiền Giang hoặc sang tới nước bạn Campuchia.

Thông thường vào khoảng tháng 11 âm lịch sẽ là mùa lia thia rộ, lúc này đội quân đi vớt lia thia lên tới… 30 người.

“Chính cái hương vị mộc mạc truyền thống, cách thưởng thức độc đáo nên mắm cá lia thia rất được ưa chuộng, người ta thường dùng đãi khách, tặng bạn bè, người thân mà. Khách phương xa tới đây chắc chắn phải thử một lần mắm cá lia thia…”- anh Nhủ vui vẻ nói.

Ví dầu… hẹ nước chấm mắm lia thia

Kết hợp hẹ nước và mắm cá lia thia sẽ cảm nhận được một hương vị đặc trưng của Long An vào những tháng lũ về, đặc trưng của vùng bưng nước phèn trong vắt ở Đức Hòa, Đức Huệ…
Kết hợp hẹ nước và mắm cá lia thia sẽ cảm nhận được một hương vị đặc trưng của Long An vào những tháng lũ về, đặc trưng của vùng bưng nước phèn trong vắt ở Đức Hòa, Đức Huệ…

Chúng tôi tìm đến vùng đất Long An bởi nghe giới thiệu nhiều về sự kết hợp giữa hai món ăn thú vị. Không thể phủ nhận được vị ngon của hẹ nước khi làm rau sống chấm mắm kho.

Nhưng sẽ còn độc đáo hơn khi kết hợp với vị chua chua, mằn mặn của mắm cá lia thia. Anh Việt cho biết: “Ngon nhất là lấy gốc hẹ, phần non màu trắng có vị ngọt thanh để cuộn tròn con mắm lia thia, kèm thêm miếng thịt ba rọi luộc là hết chỗ chê”.

Trăm nghe không bằng một lần thưởng thức... Còn với tôi, được thưởng thức món ăn này là một trải nghiệm vô cùng thú vị.

Đúng như chị Thắm nói: “Thật sự, món ăn đặc sản thì nhiều, nhưng kết hợp hẹ nước và mắm cá lia thia sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng của Long An vào những tháng lũ về và đặc trưng của vùng bưng nước phèn trong vắt của vùng Đức Hòa, Đức Huệ…”.

Sự kết hợp hương vị của 2 món đặc sản này quả thật giống như được nếm trải nét ẩm thực của một vùng đất rộng lớn, từ thượng nguồn phù sa đến vùng bưng đầy phèn lắm cá…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY