Để ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, cần chiến lược hành động tổng thể

Cập nhật, 15:37, Chủ Nhật, 09/10/2016 (GMT+7)

Vùng ĐBSCL rất cần một quy hoạch chiến lược về hệ thống thủy lợi để tận dụng được tối đa nguồn lợi và giảm thiểu tác động bất lợi của sông, biển là một yêu cầu quan trọng để ổn định và phát triển bền vững lâu dài.

Thích ứng linh hoạt với các tác động do biến đổi khí hậu, nước biển dâng là yêu cầu bức thiết nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian qua, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu (BĐKH).

Đặc biệt, hiện tượng bờ biển bị xâm thực và tình trạng mặn hóa ngày càng xâm nhập sâu... khiến cho tốc độ tăng trưởng, năng suất, diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đều giảm, ảnh hưởng tiêu cực tới sinh kế của người dân trong vùng.

Phấp phỏng chờ lũ về

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong lĩnh vực nông nghiệp, thiệt hại do xâm nhập mặn và khô hạn tại các tỉnh vùng ĐBSCL thời gian qua lên đến gần 8.000 tỉ đồng với 11/13 tỉnh bị ảnh hưởng.

Chưa kịp nguôi ngoai, mùa lũ năm 2016 lại về chậm và ít nước đã kéo theo hệ lụy hàng trăm ngàn người dân sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản tự nhiên mất kế sinh nhai.

Dù không có con số thống kê tổng thiệt hại là bao nhiêu, nhưng đây là năm thứ hai liên tiếp người dân ĐBSCL gặp khó khăn do lũ ít.

Trồng màu thích ứng biến đổi khí hậu ở xã ven biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí/TTXVN
Trồng màu thích ứng biến đổi khí hậu ở xã ven biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Nhiều chuyên gia về môi trường, nông nghiệp dự báo, mùa khô 2017 có thể không khốc liệt như năm 2015 - 2016 và mức độ thiệt hại cũng không thua kém.

Ngay như lúc này, người trồng lúa vùng ĐBSCL đang lo lắng không biết vụ lúa tiếp theo có lãi hay không vì chi phí sản xuất tăng lên.

Bởi nước lũ về ít nên không có nước làm vệ sinh đồng ruộng, cỏ dại và sâu bệnh sẽ phát triển mạnh, ruộng đồng không có phù sa bồi đắp nên phải bón nhiều phân hơn.

“Theo tính toán thì mỗi công ruộng (1.000 m2) chi phí đội lên 300.000 đồng, điều này sẽ rất khó khăn với người nông dân khi lúa bán không đem lại lợi nhuận”, ông Mai Văn Bộ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Phú, tỉnh An Giang, cho hay.

Người dân trồng hoa màu, mía, nuôi thủy sản... cũng đang lo lắng do sản xuất khó khăn khi bước vào đợt hạn, mặn 2016 - 2017.

Người dân trồng chuyên canh rau màu ở huyện Mỹ Xuyên, nuôi tôm ở huyện Trần Đề hay người trồng mía ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, đã từng chịu thiệt hại nặng nề bởi đợt hạn, mặn năm 2015 - 2016 đang lo sợ tiếp tục chịu thiệt hại khi nước lũ ở thượng nguồn về ít.

Đợt hạn, mặn 2015 - 2016 ở tỉnh Sóc Trăng thiệt hại hơn 632 tỷ đồng, trong đó thiệt hại nặng nhất là cây mía trên 305 tỷ đồng, cây lúa trên 250 tỷ đồng, còn lại là hoa màu và thủy sản. Nước lũ không về sẽ khiến nước mặn từ sông Hậu, sông Cổ Chiên xâm nhập sâu vào các tuyến kênh nội đồng.

Các chuyên gia môi trường cho rằng vấn đề BĐKH, nước biển dâng được xem là những vấn đề hệ trọng đối với vùng ĐBSCL.

Hạn mặn lịch sử 2015 - 2016 cộng với tình hình nước lũ về ít đã cho thấy ảnh hưởng của sự phát triển các công trình tích nước ở thượng lưu khiến dòng chảy thay đổi trái quy luật, làm trầm trọng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.

Tại hội thảo “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong điều kiện thích nghi BĐKH” diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp vừa qua, GS.TS.Nguyễn Ngọc Trân khẳng định nguyên nhân còn do chính việc khai thác tài nguyên một cách vô ý thức và những mô hình phát triển nông nghiệp đang làm nghèo ĐBSCL và gây cản trở việc ứng phó với BĐKH.

“Mô hình phát triển nông nghiệp không đúng cách đang gây kiệt quệ tài nguyên đất, lãng phí tài nguyên nước. Khai thác tài nguyên bất hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng mất rừng ngập mặn, mất rừng tràm, đa dạng sinh học, chuỗi dinh dưỡng và môi trường vùng ngập nước trở nên nghèo nàn.

Tình trạng khai thác cát và mạch nước ngầm một cách bừa bãi dẫn đến tình trạng thâm hụt cán cân trầm tích và dễ dẫn đến sụt lún”, GS.TS.Trân cho hay.

Bài toán “đa mục tiêu”

Những diễn biến cực đoan của thời tiết và từ tác động của con người ở khu vực, đòi hỏi phải nhanh chóng có những giải pháp lâu dài nhằm kiểm soát nguồn nước, điều chỉnh quy hoạch sản xuất của từng vùng, tiểu vùng để đảm bảo sinh kế cho dân cư vùng ĐBSCL.

Đó là bài toán đa mục tiêu cần có lời giải. Theo các chuyên gia sẽ không có phương thức giải quyết nào hiệu quả nếu như không thỏa mãn các tiêu chí như: “đầu tư ít hối tiếc”, lựa chọn “hạ tầng hợp lý” để có khả năng thích ứng cao với tác động của ĐBKH.

Cùng với đó là giải quyết vấn đề sinh kế cho cộng đồng nhằm đảm bảo ổn định và cải thiện cuộc sống.

BĐKH sẽ làm cho khả năng xuất hiện lũ đặc biệt lớn, đồng thời cũng có thể làm cho dòng chảy từ thượng nguồn kiệt quệ đến mức thấp nhất và tạo khả năng xâm nhập mặn ở vùng ven biển rất nghiêm trọng. Điều này đã được dự báo theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ TN&MT.

Theo kịch bản này, trong tương lai, mực nước biển dâng có thể làm cho các khu vực lớn ven biển vùng ĐBSCL biến mất hoặc thường xuyên bị ngập với tỷ lệ diện tích ngập từ 12,8 - 37,8% và thời gian ngập sẽ kéo dài hơn.

Ngoài ra, diện tích đất canh tác thường xuyên bị xâm nhập mặn là 676.000 ha trong tổng số 1,7 triệu ha đất nông nghiệp. Vào mùa khô, diện tích đất bị tác động của thủy triều gây xâm nhập mặn có thể lên đến gần 1 triệu ha.

Dự báo năm 2020-2059, xâm nhập mặn sẽ lấn sâu 129 km trên sông Vàm Cỏ Tây. Riêng hiện tượng xói lở đất lên đến 500 ha/năm và khó có khả năng phục hồi. Cấu trúc dòng chảy trong năm thay đổi, lũ có xu thế giảm và theo dự báo 45% diện tích ĐBSCL có thể bị nhiễm mặn vào năm 2030.

Giải pháp nhiều chiều

Rõ ràng, vấn đề quy hoạch thủy lợi phục vụ cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng cần được tính toán ở góc độ toàn vùng ĐBSCL.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam - Bộ NN&PTNT, trước mắt cần tập trung nghiên cứu vấn đề trữ lũ tại vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên cho việc sử dụng hợp lý nguồn nước.

Bên cạnh đó, hệ thống đê sông và cửa sông lớn cần được nghiên cứu xem xét theo hai hướng kiểm soát lũ và kiểm soát mặn cấp vùng, liên vùng, thậm chí toàn đồng bằng với các cống kiểm soát lũ ở vùng ngập lũ và cống ngăn mặn ở vùng có nguy cơ xâm mặn khi nước biển dâng.

Các chuyên gia thủy lợi kiến nghị nên chọn giải pháp là ngăn các cửa sông lớn bằng các cống Hàm Luông, Cổ Chiên và đồng thời bổ sung các cống trên sông lớn như: Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé… để kiểm soát nước mùa khô, kiểm soát xâm nhập mặn và ngăn triều cường thích ứng với nước biển dâng.

Ngoài ra, cần tập trung hoàn chỉnh hệ thống đê biển. Trước mắt khép kín từng vùng, quy mô đáp ứng với kịch bản BĐKH, nước biển dâng đến năm 2020, sau đó sẽ nâng cấp tùy theo tình hình biến đổi thực tế.

Trong quy hoạch các tuyến đê biển, đê cửa sông cần phải tính đến các ảnh hưởng gia tăng do xói lở bằng việc bố trí hành lang ngoài đê hợp lý để khai thác bảo vệ đê. Giải pháp duy nhất cho vấn đề này chính là hồi phục hệ thống sinh thái, rừng ngập mặn trước tác động suy giảm lượng phù sa như hiện nay.

Bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế

Việc xây dựng mô hình sinh kế cho nhân dân vùng ĐBSCL thích ứng với tình hình BĐKH và giải quyết những sai lầm trong sản xuất nông nghiệp cũng là một giải pháp trọng tâm cho bài toán đa mục tiêu nói trên.

Có thể nói rằng, thời gian qua với việc triển khai các mô hình sản xuất như:Các biện pháp thâm canh lúa cải tiến “một phải năm giảm”, “ba giảm ba tăng”; mô hình luân canh sản xuất lúa và thủy sản; mô hình luân canh sản xuất lúa và hoa màu… đã giúp cho một bộ phận nông dân không chỉ chủ động trước tác động của BĐKH mà còn thay đổi tư duy canh tác, khai thác bền vững môi trường.

Tuy nhiên, có thực tế là “mô hình vẫn là mô hình” vì việc nhân rộng để tạo thành xu thế đột phá cấp độ toàn vùng đang đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập.

Theo TS Đặng Kim Khôi, Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, để nhân rộng những mô hình nói trên cần có chính sách cụ thể trong ngắn hạn. Phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch các vùng tôm - lúa, lúa - màu, chuyên lúa. Về trung hạn là phải xây dựng, ban hành quy hoạch lâu dài sử dụng đất toàn vùng ĐBSCL.

Kéo theo đó là chính sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi chuyên biệt; hệ thống quan trắc, cảnh báo và tiến tới dự báo môi trường, dịch bệnh nhằm phát triển nuôi tôm, trồng hoa màu, lúa một cách bền vững.

Đồng thời, cần có chính sách về khoa học công nghệ để đưa vào sản xuất các loại giống lúa, hoa màu chịu hạn, mặn cao, con giống thủy sản chất lượng tốt phù hợp phát triển trong các vùng nuôi.

Cuối cùng là hàng loạt những chính sách của Chính phủ về thành lập, hỗ trợ các tổ chức sản xuất hợp tác, kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu… cần được triển khai.

Một khi vẫn còn thiếu chính sách tín dụng mang tính toàn diện, tổng thể và sát thực tế để ĐBSCL ứng phó với BĐKH thì sẽ cản trở việc hiện thực hóa những chính sách mà TS.Đặng Kim Khôi đề xuất.

Theo các chuyên gia ngành ngân hàng, nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn là rất lớn, đặc biệt là những công trình mang tính cấp thiết ứng phó với BĐKH như:

Công trình thủy lợi phục vụ cho phòng chống thiên tai và sản xuất nông nghiệp; các cơ sở nghiên cứu khoa học, thực hiện và chuyển giao công nghệ kỹ thuật nông nghiệp, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với BĐKH…

Ông Trần Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre: Cần chính sách tín dụng ưu đãi 

Cần có chính sách ưu đãi để ĐBSCL hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ công tác ứng phó với BĐKH, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với yếu tố bảo vệ môi trường bền vững. Đối với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, ngân hàng Nhà nước cần chủ trì phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội và chính quyền địa phương vùng ĐBSCL để khảo sát, xác định các dự án trọng điểm phục vụ công tác ứng phó BĐKH của khu vực. Sau đó, nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế tín dụng ưu đãi phù hợp để đầu tư và chỉ đạo các tổ chức tín dụng dành nguồn vốn tín dụng cho vay. Đối với việc hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây cây trồng, vật nuôi, ngân hàng Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với mô hình sản xuất mới, có tính sáng tạo, có khả năng thích nghi tốt với điều kiện BĐKH, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được cơ quan chuyên môn thẩm định, công nhân và khuyến khích nhân rộng. 

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ: Cần thay đổi tư duy 

Trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay thì không còn cách gì khác là việc tuyên truyền cho người dân thấy được sự biến đổi như thế nào. Bên cạnh đó, chúng ta không cần trồng nhiều lúa như hiện nay vì không hiệu quả và sự tác động môi trường rất lớn. Do vậy việc chuyển đổi cây trồng là vô cùng cần thiết. Tất nhiên là cần phải đòi hỏi người nông dân có sự đầu tư nhiều hơn về khoa học kĩ thuật, chịu khó học tập. Điều này là một vấn đề khó khăn nhưng nếu không vượt qua thì còn sẽ gặp nhiều khó khăn khác lớn hơn nữa. Cần phải thay đổi những quy hoạch về sản xuất không còn phù hợp, những quy hoạch coi lũ là thiên tai nên tìm cách thoát lũ ra biển Tây, khu vực Vàm Cỏ thì bây giờ chúng ta nghĩ có cách nào giữ lũ lại không để giữ lại nguồn sống cho ĐBSCL. 

Ông Nguyễn Đồng, Tiến sĩ Tài nguyên thiên nhiên: Giải quyết vấn đề hạn, mặn

Vụ hạn, mặn nghiêm trọng 2015 - 2016 cho thấy phải cấp bách giải quyết các vấn đề. Thứ nhất là cần phải quy hoạch hợp lý ĐBSCL ra những vùng ngọt, mặn và phát triển kinh tế vùng mặn song song với vùng ngọt. Do đó cần tối ưu hóa điều khiển hệ thống cống và đê điều để duy trì quy hoạch mặn, ngọt. Ngoài ra, quy hoạch diện tích trữ nước lũ để tái tạo các vỉa nước ngầm và nâng lưu lượng nước sông trong mùa khô. Theo đó là cần phải bảo tồn vùng ngọt thấp trũng (Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp) để trữ nước lũ, phù sa và nạp nước ngầm cho ĐBSCL.

Theo Báo Tin tức