Trở lại "nôi" Đồng Khởi

Cập nhật, 17:29, Thứ Tư, 28/09/2016 (GMT+7)

Chúng tôi qua cầu Hàm Luông sang cù lao Minh, về Mỏ Cày. Cù Lao Minh cùng với Cù Lao Bảo, Cù Lao An Hóa hợp thành nên tỉnh Bến Tre. Dải đất này nằm giữa hai con sông Hàm Luông và Cổ Chiên, chạy dài hơn 70 km ra Biển Đông.

Từ thị trấn Mỏ Cày, qua cầu sắt An Thuận 3, đi khoảng non 3 km, trên con đường nhựa nhỏ, uốn lượn ngoằn nghoèo, xuyên qua những vườn dừa xanh um, mát rượi sẽ đến trung tâm xã Định Thủy.

Anh dũng đi đầu

Xã Định Thủy được xem là cái “nôi” của phong trào Đồng Khởi lịch sử ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bởi nơi ấy, ngày 17-1-1960, Nữ tướng Nguyễn Thị Định (Ba Định) đã lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp quân và dân xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày nổi dậy, nổ phát súng đầu tiên, mở màn cho phong trào Đồng Khởi khắp miền Nam.

Lực lượng khởi nghĩa đã nhanh chóng giải phóng xã Định Thủy, chiếm bót Vàm Nước Trong…

Di tích Đồng Khởi Bến Tre tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: ST
Di tích Đồng Khởi Bến Tre tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: ST

Trước mặt UBND xã, là khu di tích cấp quốc gia “Đồng Khởi 1960. Phía tay phải đường vào khu di tích có một hòn đá đỏ, đẹp và lạ mắt, được đặt vững chải trên một bệ cao thoáng đãng.

Hòn đá có khắc dòng chữ: “Anh dũng Đồng Khởi - Thắng Mỹ diệt ngụy” Hai bên đường vào khu Di tích có nhiều cây sứ đại, hoa trắng thơm thoang thoảng với nhiều cờ, phướn đỏ, xanh phấp phới treo, cắm nhiều nơi.

Nhà bảo tàng được xây dựng cao ráo, hiện đại với nhiều phòng ốc trưng bày những hình ảnh, hiện vật, di vật có liên quan đến cuộc đồng khởi lịch sử năm ấy và quá trình đấu tranh cách mạng vẻ vang của quân và dân huyện Mỏ Cày nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung. 

Người ta như thấy lại quá khứ qua những chiếc mõ tre, thanh mã tấu, súng ngựa trời, bom mìn tự tạo, những mũi chông cau, mô hình làng chiến đấu.

Những vũ khí thô sơ ngày ấy cộng với khí thế nổi dậy hùng hực như nước vỡ bờ đã làm cho kẻ thù kinh hoàng và hoảng sợ.

Chỗ tọa lạc khu di tích bây giờ, trước năm 1960 là trụ sở của Tổng đoàn dân vệ do tên Đội Tý chỉ huy. Đội Tý đã bị dân quân du kích của ta tiêu diệt trưa ngày 17-1-1970 tại quán Năm Thiểu, nay vẫn còn quán nước ấy như là một di tích.

Trên nóc bảo tàng di tích , các nhà thiết kế đã xây dựng hình tượng “Ngọn lửa Đồng khởi” hoành tráng, gây ấn tượng cho khách tham quan, đồng thời tạo vẻ mỹ quan cho di tích.

Theo con đường bê tông “Nông thôn mới” rộng 4 m, xuyên qua những vườn dừa xanh ngút, chúng tôi đến nhà mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Liễu ở ấp Thanh Phước.

Đây là một gia đình có truyền thống cách mạng, hai mẹ con đều là mẹ Việt Nam Anh Hùng. Mẹ ruột của mẹ Liễu là bà Phan Thị Vàng (đã qua đời) có ba người con trai, hai con rể và một cháu ngoại đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ Liễu năm nay tóc đã có nhiều sợi bạc...

Cuộc đời của mẹ là một tấm gương sống, chiến đấu, hy sinh không ngừng nghỉ. Mẹ tham gia cách mạng lúc còn con gái. 

Chồng mẹ là một cán bộ cách mạng đã hy sinh, ông để lại người vợ hiền và đứa con thơ dại. Mẹ Liễu nén niềm đau với nỗi căm thù, vừa nuôi con vừa hoạt động. Năm tháng đi qua, người con trai duy nhất của mẹ lúc ấy là học sinh ở thị xã Bến Tre.

Mẹ Liễu hiện sống với mẹ Đặng Thị Tu (em ruột), cũng là vợ của một liệt sĩ, với trợ cấp của Nhà nước trong căn nhà tình nghĩa khang trang, sớm hôm nhang khói cho những người thân đã vĩnh viễn ra đi vì độc lập, tự do của Tổ quốc…

Tôi lẩm nhẩm tính: mẹ Liễu có ba người em trai, một người chồng, một đứa con độc nhất đã hy sinh! Toàn Xã Định Thủy có 539 liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến.

… Ở Định Thủy còn có một di tích độc đáo, gợi sự tò mò cho nhiều người, là “ Đình Rắn” với nhiều huyền thoại bí ẩn.

Bà từ, Võ Thị Năm 75 tuổi, kể cho chúng tôi nghe: “Ngôi đình có trên 150 năm, các cụ ngày xưa và nhiều người kể lại rằng, nơi đây trước kia có cặp rắn thần mình to như khạp năm cân, dài trên hai mươi mét. Rắn thần đi rạp lúa, Rắn thần ăn thịt những con thú ác như hổ báo, hùm beo và độ hộ cho dân làng”.

Chuyện “rắn thần” ở Đình Rắn được dân gian kể lại nghe lạ và hấp dẫn: Khoảng năm 64-65 của thế kỉ trước. Lúc này chiến tranh đã đến hồi ác liệt.

Dân Định Thủy tản cư đi gần hết, chỉ còn lại lực lượng vũ trang bám trụ, đánh địch. Đình Rắn là nơi thường xuyên diễn ra những cuộc họp của cán bộ ta. Người ta đồn rằng cặp rắn thần ngày xưa, dài hơn 20 m, mình to như khạp năm cân đã trở về. Nhiều người quả quyết đã trông thấy cặp rắn này.

Rắn đi rạp lúa, thành lằn lớn, có khi dài hằng cây số. Sự thật, sau này, có người cho biết đó là vết xuồng đẩy của bộ đội ta. 

Chuyện Rắn thần đã trở về ở đình làng Định Thủy đồn râm ran khắp nơi… Ban đầu người ta cho là chuyện nói dóc, chuyện “Tề thiên”.

Nhưng dần dà rồi có người tin là có thật, với nhiều chuyện ly kì. Chuyện có Rắn thần trở về đình có hay không vẫn là chuyện nửa thật, nửa hư.

Nhưng có điều, hồi ấy, bọn lính khi bén mảng lại gần Đình Rắn là có tử vong. Chết vì bị mìn, trái nổ, chết vì bị bắn tỉa, chết vì bị sụp hố chông. Mười lần như một, chúng cũng tin thật, cho là có chuyện huyền bí ở đây, nên sợ hãi và cố tình né tránh tiếp cận Đình Rắn! 

Đình Rắn, vào những năm chiến tranh ác liệt sau Đồng khởi, và đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 bị bom đạn của kẻ thù dội rất nhiều lần.

Ngày nay, Đình Rắn đã được xây dựng, tôn tạo lại trên nền đất cũ ở ấp Định Nhơn, hoành tráng, to đẹp nhưng vẫn theo kiến trúc cổ của những đình chùa Nam Bộ.

Vào các ngày 14, 15, 16 tháng 5 âm lịch mỗi năm, hàng ngàn nhân dân, khách các nơi về thăm viếng, tham quan hội đình Định Thủy. 

Thay da đổi thịt

Trở về Định Thủy, chúng tôi đến nơi, mà thưở trước từng không một ngày bình yên. Những khu vườn hai bên đường, giờ đã xanh ngát một màu xanh như ngọc.

Cái nôi của quê hương Đồng Khởi đã thay da đổi thịt. Năm 1993 xã Định Thủy đã được tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND, năm 2005 được công nhận là Xã Văn hóa.

Đời sống ngưòi dân đã khá hơn trước, hầu như nhà nào cũng có xe máy, phương tiện nghe nhìn, nhà cửa khang trang.

Định Thủy đã được phủ toàn bộ lưới điện quốc gia; đã có trên 90% lộ nông thôn liên ấp được thảm bê-tông; về giáo dục đã hoàn thành phổ cập cấp hai. Xã có một trung tâm y tế. 

Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững… Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ bà con nông dân vẫn còn không ít khó khăn, do Định Thủy đất hẹp, người đông, thu nhập chỉ trông cậy vào cây dừa và chăn nuôi nhỏ lẻ.

Chính quyền và nhân dân Định Thủy những năm vừa qua đã phấn đấu vượt qua khó khăn, cơ bản làm thay đổi bộ mặt quê hương.

Một quy hoạch, kế hoạch nhằm khai thác thế mạnh về du lịch sông nước, du lịch về nguồn, du lịch dã ngoại sẽ là rất khả thi đối với vùng đất có nhiều tiềm năng và truyền thống này.

Đi xuyên qua ấp Thanh Thủy đến ấp Thanh Vân, ở đây có một địa danh khá nổi tiếng. Đó là Vàm Nước Trong, cửa ngõ đường thủy của huyện Mỏ Cày nối với sông Hàm Luông, nơi đây đã ghi dấu những chiến công vang dội.

Đặc công thủy của ta ngày ấy, đã mưu trí, dũng cảm, đánh chìm rất nhiều tàu chiến thuộc “Hạm đội nhỏ trên sông” của giặc với anh hùng LLVTND Hoàng Lam, “sát thủ” gây kinh hoàng, ám ảnh cho tàu chiến Mỹ trên sông Hàm Luông, đã đi vào lịch sử như huyền thoại.

Vàm Nước Trong vương vấn lòng người trong câu vọng cổ quen thuộc sau ngày hòa bình: “…Hò ơ …Vàm Nước Trong chảy ra sông biển-Nghe ấm tình đất mẹ phù sa… Chiều nay ra Phú An Hòa-Vườn dâu An Phước quê nhà chín thơm…”. 

Phát huy truyền thống anh hùng

Chiều đã xuống. Tôi đứng bên vàm Cầu Chùa, ven sông Hàm Luông, lòng vẫn còn bồi hồi bởi những câu chuyện của Định Thủy. Nắng vàng mơ thật đẹp.

Những chiếc xà lan với cần cẩu cao vút, rì rì, lầm lũi; những chiếc ghe bầu chở đầy dừa vun tới ngọn, đằm đẳm, nhấp nhô; những chiếc ghe lưới tành tạch trên sông…

Và tiếng chuông chùa Thanh Phước ngân nga, thanh thản trong một buổi chiều tĩnh mịch.

Cù lao Minh những năm trước 1975 bị tàn phá trơ trụi bởi hàng ngàn tấn bom pháo các loại, hàng trăm tấn chất độc màu da cam, bây giờ đã hồi sinh mạnh mẽ, đã vùng lên quyết làm cuộc đồng khởi lần thứ hai trong mặt trận kinh tế. 

Nhân dân Bến Tre đã khẳng định quyết tâm và ý chí của mình, làm cuộc đổi đời ngay trên quê hương, cơ bản bằng chính nội lực, bàn tay và khối óc của mình.

Người ta ngạc nhiên khi Bến Tre gần đây (2015) đã vượt lên, đứng hạng thứ 12 trong cả nước, hạng 4 trong vùng, với các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh ấn tượng! (số liệu do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cung cấp (2016)

Những nhà đầu tư trong và ngoài nước; những người có tri thức, có trình độ, năng lực được Bến Tre mời gọi, tiếp đón trân trọng với nhiều ưu đãi. 

Sau khi có cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, ba đảo dừa xanh đã không còn cách trở ngăn sông, không còn bị bao vây, chia cắt giữa bốn bề sông nước.

Bến Tre đang cất cánh bay lên trên con đường phát triển và hội nhập. Người xứ Đồng Khởi không thiếu tài ba và sự năng động.

Bến Tre như một con tàu đang phăm phăm ra biển lớn. Đó là một sự thật, giống như những sự thật đã hóa thành huyền thoại trong những năm gian lao chống Mỹ.

…Ở các ấp xóm của xã Định Thủy có điều đặc biệt là ban đêm xe máy cứ để ngoài sân. Bọn trộm đạo rất ngán ngại địa bàn này. Chưa băng trộm, kẻ trộm nào thoát khỏi sự truy đuổi của tiếng mõ (bọn trộm cướp chạy tới đâu, người ta đánh mõ tới đó!).

Những đội xung kích tự nguyện (phần đông là cựu chiến binh) đêm khuya tuần tra, chốt chặn các ngã đường, nhưng chỉ khó khăn với bọn xấu, còn đối với bà con làm ăn và khách đến chơi thì họ rất hòa nhã, lịch sự! Tôi hơi ngại, khi đi ngủ mà còn để “con” Wave Nhật khá mới trước hiên nhà.

Chú tôi - trưởng ấp Thanh Phước - Đặng Văn Ngoan nói: “Cứ dựng đó, muốn đi đâu thì đi. Từ trước đến giờ, ấp này không có ăn trộm!”. Tôi bảo đảm với các bạn đây là sự thật!

Về Bến Tre - quê hương Đồng Khởi - đắm mình với cảnh quan tươi đẹp và lịch sử hào hùng. Ghé Mỏ Cày thăm nôi Đồng Khởi, chúng ta sẽ gặp người Định Thủy chân tình, mến khách…

Có thể bạn sẽ lai rai với đặc sản “mắm tép”, “Cá ngát nấu chua với bần dốt”, “Bánh bột gạo, rau mơ hấp” và cùng nhau đàn ca tài tử bên bờ Hàm Luông thơ mộng…

Theo Báo Tin Tức