"Báu vật sống" của đồng bào Khmer

Cập nhật, 07:42, Thứ Hai, 26/09/2016 (GMT+7)

Với đồng bào Khmer Nam Bộ, tài điêu khắc gỗ của nghệ nhân Sơn Kinh (ngụ ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) không chỉ là độc nhất mà còn là niềm tự hào của họ khi sở hữu một “báu vật sống” giữa đời thường.
 

Duyên nợ với nghiệp điêu khắc

Nghệ nhân Sơn Kinh năm nay đã 88 tuổi, nhưng người dân ấp Bưng Chông chưa ngày nào ngưng nghe tiếng đục, tiếng bào gỗ phát ra từ ngôi nhà ông.

Khi chúng tôi hỏi ông đã làm nghề điêu khắc gỗ được bao nhiêu năm rồi, ông Sơn Kinh cười bảo: “Lâu lắm rồi nên tôi không còn nhớ nữa, chỉ biết lúc nhỏ theo cha mẹ lên chùa thấy các sư trong chùa điêu khắc vật dụng để phục vụ việc thờ cúng, tôi thấy thích thích nhưng nghĩ mình con nhà nông chân tay thô kệch thì làm sao mà học được”.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Sơn Kinh vẫn miệt mài gắn bó với nghề. Ảnh: C.L

Thế nhưng, trong những lần đi làm đồng, ông Sơn Kinh hay vẽ lên bùn, có khi là hình chim, hình người, cây lá… Phát hiện mình vẽ khá tốt, ông xin gia đình cho lên chùa tu, vừa học kinh kệ vừa theo các sư thầy học điêu khắc gỗ.

Sau khi hoàn tục, ông đã cất một ngôi nhà nhỏ để làm việc và nghiên cứu nghề điêu khắc gỗ. Đối với các họa tiết hoa văn của đồng bào Khmer thì nhiều nghệ nhân biết vẽ, khắc trên xi măng, thế nhưng khắc trên gỗ thì rất khó. Các dụng cụ cưa, búa, dao… và những gốc cây khô cứng, tưởng chừng như bỏ đi, nhưng với đôi tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của mình, ông Sơn Kinh đã tạo nên các tác phẩm sống động như: Khỉ Hanuman, nàng công chúa Si Đa, chằn…

Ông Sơn Kinh bộc bạch: “Những tác phẩm tôi làm ra không phải để bán lấy tiền với giá cao mà chỉ trưng bày để thỏa lòng đam mê nghệ thuật điêu khắc. Khi có các sư, nghệ nhân, bạn bè và bà con đến nhà tôi thường gửi tặng làm quà kỷ niệm”.

Sống chết với nghề

Căn nhà kho rộng chưa đầy 50m2 chứa đầy các tác phẩm ra đời từ bàn tay khéo léo của ông Sơn Kinh. Những đồ vật tuy vô tri nhưng được ông thổi hồn để kể cho những người khách lạ về câu chuyện cuộc sống sinh động của đồng bào Khmer.

Cái tâm với nghề là thế, nhiệt huyết là thế, nhưng hơn mấy mươi năm qua, ông Sơn Kinh vẫn như một “độc khách” trên con đường. “Vì cái nghề này khó học quá nên chẳng mấy ai dám thử sức. Cũng có nhiều người đến học nhưng được vài tháng thì bỏ cuộc” – ông Sơn Kinh chia sẻ.

Hiện nay, niềm an ủi lớn nhất đối với ông là người con trai út đã nối nghiệp của cha mình, không còn sợ nghề bị mai một theo thời gian. “Bây giờ, tuy sức khỏe đã yếu, tay đã run, mắt đã mờ, nhưng còn sống ngày nào thì tiếp tục điêu khắc gỗ ngày đó” – nghệ nhân Sơn Kinh vui vẻ nói.

Nhằm tạo một thế hệ kế tục nghề nhân văn của ông, năm 2008, Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng đã xin Quỹ Đan Mạch hỗ trợ văn hóa vùng và dân tộc ít người thực hiện Dự án “Sưu tầm mẫu mã, mở lớp truyền dạy và trưng bày sản phẩm điêu khắc hoa văn Khmer trên gỗ”. Nghệ nhân Sơn Kinh đã đứng lớp giảng dạy cho 20 học viên là con em dân tộc Khmer có niềm đam mê với hội họa, điêu khắc. Nhưng sau khi khóa học kết thúc thì cũng không ai gắn bó được với nghề. Đây cũng là điều khiến ông Sơn Kinh trăn trở. 

Theo NGỌC QUYÊN (Dân Việt)