Sau 4 năm dừng tiếp nhận lao động: Hàn Quốc mở cơ hội

Cập nhật, 08:21, Thứ Sáu, 12/08/2016 (GMT+7)

Thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) Việt Nam sang Hàn Quốc bắt đầu khởi sắc, bởi nước này chính thức mở cửa cho LĐ nước ta sau 4 năm tạm dừng tiếp nhận. Dự kiến trong năm 2016, “xứ kim chi” sẽ tiếp nhận khoảng 2.100 LĐ Việt Nam làm việc với ngành sản xuất chế tạo.

Các học viên học nghề điện tử dân dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.
Các học viên học nghề điện tử dân dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Tin vui cho LĐ Vĩnh Long

Sau gần 4 năm hạn chế tiếp nhận LĐ Việt Nam, hàng ngàn LĐ Việt Nam sẽ có cơ hội làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2016 và những năm sắp tới.

Kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 cho LĐ trong nước muốn sang Hàn Quốc làm việc sẽ diễn ra trong 2 ngày 8, 9/10/2016.

Thí sinh dự thi chỉ được nộp duy nhất một đơn đăng ký dự thi và chỉ có thể đăng ký vào ngành Sản xuất chế tạo (lựa chọn một nghề cụ thể trong các nghề: lắp ráp, đo lường, ghép nối).

Theo bà Lý Kiều Diễm- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội: Hàn Quốc là điểm đến được lựa chọn hàng đầu đối với LĐ Việt Nam, trong đó có LĐ Vĩnh Long bởi mức lương cao khoảng 25- 30 triệu đồng/tháng, có LĐ lên tới 40 triệu đồng/tháng, có nhiều việc làm, môi trường LĐ tốt, và có nhiều chính sách mới ưu đãi NLĐ.

Hiện tại, Trung tâm DVVL vừa khai giảng các lớp học tiếng Hàn, học nghề cho trên 200 LĐ. Song song đó là những buổi tuyên truyền giáo dục định hướng để giúp LĐ hiểu rõ các quy định, thực hiện đúng hợp đồng; có kỷ luật LĐ và rèn tác phong công nghiệp để đáp ứng khi đi XKLĐ.

Trong buổi học tiếng Hàn tại Trung tâm DVVL, các học viên chủ yếu tập trung học mẫu câu theo bộ đề quy định để đáp ứng được kỳ thi tiếng Hàn. Song, người học cần phải luyện tập, trau dồi thêm mới giao tiếp tốt, không bị bất đồng ngôn ngữ nơi xứ người.

Anh Châu Quốc Trạng (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) cho biết: “Có người quen đang làm bên Hàn đỡ lắm nên anh đi XKLĐ kiếm số vốn về lo cho gia đình. Thời gian này, anh vừa học tiếng vừa học nghề tại Trung tâm DVVL và chuẩn bị cho kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn.

Học chưa quen nên khó nhớ quá, mà sẽ ráng để có cơ hội đi làm bên Hàn vì nghe nói “tuyển người có điểm thi từ trên cao xuống thấp không hà”.

Em Nguyễn Thị Bé Sáu (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) tâm sự: “Em cố gắng học từ vựng, học nghề cắt gọt kim loại cho rành để thi đậu kỳ thi tiếng Hàn này. Em hy vọng mình sẽ được qua đó làm để có tiền lo cho gia đình”.

Duy trì thị trường XKLĐ Hàn Quốc

Từ lâu, Hàn Quốc vẫn được đánh giá là một thị trường tốt, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho NLĐ. LĐ Việt Nam được các doanh nghiệp Hàn Quốc ưa thích bởi tính cần cù, chịu khó, sáng tạo và nhanh chóng hòa nhập với môi trường sinh hoạt và làm việc.

Từ 2004- 2016, có hơn 75.000 LĐ Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc, với việc làm và thu nhập ổn định. Thời điểm năm 2011- 2012, có lúc tỷ lệ LĐ Việt Nam bỏ trốn lên tới 55%.

Chính vì vậy vào tháng 8/2012, phía Hàn Quốc ngừng tiếp nhận LĐ Việt Nam mà chỉ ký bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn 1 năm. Điều này làm cho hàng năm có hàng ngàn LĐ Việt Nam mất cơ hội sang Hàn làm việc.

Trong khi đó, LĐ Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc luôn đối mặt với nhiều rủi ro vì không được pháp luật bảo vệ. Ngoài ra, nếu bị lực lượng chức năng sở tại bắt giữ, họ có thể bị phạt tiền lên tới 800 triệu đồng và bị tạm giam 12 tháng.

Thời gian qua, cùng với cả nước, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, tỷ lệ LĐ ở Vĩnh Long cư trú làm việc trái phép tại Hàn Quốc đã giảm rõ rệt.

Qua đó, tỉnh đã góp phần với cả nước tiếp tục ổn định, giữ vững thị trường Hàn Quốc, tạo điều kiện cho LĐ Việt Nam có cơ hội làm việc trở lại tại Hàn Quốc.

Việc ký lại Bản ghi nhớ bình thường về Chương trình EPS lần này đánh dấu việc phái cử và tiếp nhận LĐ Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc trở lại bình thường, mở ra cơ hội đối với nhiều LĐ Việt Nam có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc, kể cả các LĐ cư trú và làm việc không hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương.

Song, theo nội dung bản ghi nhớ, thì số lượng LĐ Việt Nam được Hàn Quốc tiếp nhận hàng năm sẽ phụ thuộc vào mức độ tỷ lệ LĐ Việt Nam đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Do đó, cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, bản thân người LĐ phải tự giác, tự nguyện tuân thủ pháp luật cũng như chấp hành tốt hợp đồng làm việc. Có như vậy, cánh cửa thị trường XKLĐ Hàn Quốc đầy tiềm năng này mới rộng mở đối với LĐ Việt Nam.

Theo quy định phía Hàn Quốc, tổng chi phí đi XKLĐ khoảng 1.200 USD tức khoảng 26 triệu VNĐ.

Trong đó bao gồm:

- Lệ phí dự thi tiếng Hàn: 24 USD (thu bằng tiền Việt tương đương).

- Tổng chi phí trước khi đi: Chi phí đi XKLĐ Hàn Quốc của 1 người là 630 USD bao gồm toàn bộ số tiền tập huấn, hướng dẫn, hồ sơ, tiền Visa và tiền vé máy bay.

- Bảo hiểm thân thể, rủi ro: 
LĐ khi xuất cảnh qua Hàn Quốc mang theo 500 USD, trong đó gồm có 50 USD tiền bảo hiểm rủi ro, 450 USD cho chi phí hồi hương nếu LĐ kết thúc hợp đồng đúng hạn thì số tiền này dùng mua vé máy bay về nước.

Ngoài ra, NLĐ phải ký quỹ một khoản tiền tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 100 triệu đồng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN