Doanh nghiệp với bài toán thương hiệu

Cập nhật, 13:37, Thứ Năm, 07/06/2018 (GMT+7)

“Thương hiệu có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp (DN). Không chỉ để tạo lòng tin với người tiêu dùng mà còn giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, đứng vững trên thị trường hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít DN chưa chú trọng đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu”- đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương- về vai trò của thương hiệu đối với DN hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu.
Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu.

“Thờ ơ” với xây dựng thương hiệu

Theo Sở Công thương tỉnh, thương hiệu là một trong những nhân tố quan trọng góp phần duy trì, mở rộng, phát triển thị trường cho DN.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đứng trước việc cạnh tranh gay gắt, DN cần phải xây dựng thương hiệu cho hàng hóa của mình, để khẳng định chỗ đứng, tạo sự lan tỏa hiệu ứng cho các DN khác.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Nguyễn Văn Còn, do nhận thức chưa đầy đủ hoặc do thiếu vốn, việc xây dựng thương hiệu của nhiều DN còn yếu, một số DN không có chiến lược kinh doanh, chỉ quan tâm đến tìm kiếm lợi nhuận trước mắt, ít đầu tư xây dựng thương hiệu.

Như một thương hiệu mỹ phẩm đã tồn tại trên thị trường gần 30 năm nhưng lại “im hơi lặng tiếng” trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Khi chúng tôi hỏi tại sao chưa bao giờ thấy sản phẩm được giới thiệu hay trưng bày tại các hội chợ triển lãm thì đại diện công ty trả lời rằng:

“Làm quy mô nhỏ, “tèn tèn” đủ ăn là được rồi nên không cần phải khuếch trương, làm nhiều cực, bon chen lại ít có ăn”! Trả lời câu hỏi “hiện nay có rất nhiều DN cạnh tranh, công ty có sợ?”- thì đại diện công ty cho hay: “Bán ở phân khúc tầm trung nên… không lo!”

Song, đã có nhiều DN ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu. Như Cơ sở sản xuất tương Phước Khang (TP Vĩnh Long)- nhờ chủ động liên kết, tận dụng sự hỗ trợ của các sở ban ngành, bạn bè để giới thiệu quảng bá, hiện sản phẩm đã có đầu ra ổn định, ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.

Anh Nguyễn Chí Thiện- chủ cơ sở- cho hay: “Bên cạnh giữ được thị trường chợ truyền thống, sản phẩm của tôi đã thâm nhập được kênh bán hàng cao cấp, những cửa hàng thực phẩm an toàn. Đây cũng là động lực giúp tôi kiên trì và phải nỗ lực hơn nữa”.

Theo anh Thiện, việc xây dựng, quảng bá và giữ vững thương hiệu là rất quan trọng. “thương hiệu không chỉ là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt sản phẩm mà còn là tài sản, là uy tín của cơ sở, DN và thể hiện niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của DN”- nhờ suy nghĩ đó mà sản phẩm của cơ sở anh Thiện đã tồn tại trên thị trường hơn 20 năm và ngày càng phát triển.

Xây dựng thương hiệu- bài toán khó

Nhiều chủ cơ sở, DN cho rằng, thương hiệu không đơn thuần tạo ra một cái tên là xong, mà là một chặng đường đầy gian nan để tạo ra sự khác biệt, điểm nhấn riêng cho DN, làm sao để người tiêu dùng chọn và tin dùng giữa các hàng hóa cùng loại trên thị trường.

Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng quan niệm rằng: một khi đã chọn thương hiệu nào (tất nhiên sản phẩm phải chất lượng) thì sẽ khó “thay lòng” đối với sản phẩm đó- trừ khi thương hiệu sản phẩm đó tự làm xấu mình đi, làm người tiêu dùng mất lòng tin.

Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu đã khó, việc giữ vững chỗ đứng cho thương hiệu ngày càng khó hơn.

“Không nhất thiết phải có nhiều tiền mới xây dựng được thương hiệu mà chỉ cần tạo ra được sự khác biệt, biết lắng nghe ý kiến của khách hàng, biết làm mới mình trong mắt người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã sao cho đẹp mắt, thu hút và phải phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng.

Có như vậy mới tạo được dấu ấn cho người tiêu dùng. Song song đó, cũng cần đề ra chiến lược kinh doanh, marketing cụ thể”- đó là ý kiến của chị Lê Thị Cẩm Duyên- đại diện Cơ sở sản xuất nước chấm Hòa Hiệp (Phường 4- TP Vĩnh Long).

Có thể thấy, xây dựng thương hiệu và giữ gìn phát triển thương hiệu là một bài toán không hề dễ dàng đối với DN.

Do đó, mỗi DN đưa ra lời giải riêng bởi thương hiệu chính là giá trị tài chính vô hình nhưng rất quan trọng, quyết định đến sự thành công của DN. Bên cạnh sự hỗ trợ từ các ngành chức năng, DN cũng cần chủ động hơn với việc nuôi dưỡng thương hiệu.

Song, không phải chỉ chú trọng vào thương hiệu là đủ mà còn cần phải khẳng định, tạo lòng tin với người tiêu dùng bằng chính chất lượng của sản phẩm chứ đừng để trở thành “có tiếng mà không có miếng”.

Theo ông Nguyễn Văn Còn, điểm yếu của DN hiện nay là chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, chưa tận dụng hết các kênh truyền thông để quảng bá sản phẩm hoặc thương hiệu cho chính DN, dẫn đến khả năng nhận biết và cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường còn yếu.

Do đó, để việc xây dựng và phát triển thương hiệu đạt hiệu quả bền vững, DN cần thay đổi tư duy, nhận thức về thương hiệu, cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, bởi hoạt động này không phải chỉ mang tính chất thời điểm mà diễn ra thường xuyên, liên tục trong mọi công đoạn từ quá trình sản xuất đến cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Ông Lê Thanh Phong- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương): Trung tâm đã xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cho nhiều cơ sở, DN như: Cơ sở sản xuất bún- bánh phở Ba Khánh, Công ty TNHH Sơn Hải, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV..., hỗ trợ nhiều đơn vị đăng ký nhãn hiệu. Qua đó, đã giúp DN hoạch định được chiến lược phát triển thương hiệu và phát triển kinh doanh cụ thể. Các thương hiệu doanh nghiệp được quảng bá thông qua cách kênh truyền thông như báo, đài, hội thảo… Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai đề án thương hiệu, đồng thời phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ về dự án phòng trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long…

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN