Sổ tay

Để lao động Việt Nam thích ứng với nền công nghiệp 4.0

Cập nhật, 05:53, Thứ Năm, 31/05/2018 (GMT+7)

Theo đánh giá chung, hiện nay tình trạng lao động Việt Nam còn nhiều bất cập, trong đó năng suất lao động của Việt Nam rất thấp so với các nước ngay trong khu vực ASEAN và tăng trưởng chủ yếu dựa vào chiều rộng.

Hiện nay, nước ta có 53,7 triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân nhưng chiếm 70% lực lượng lao động đang làm việc trong khu vực phi kết cấu, đây là một khu vực chúng ta gọi là không có quan hệ lao động và rất dễ bị rủi ro cho người lao động.

Trong số 70% lực lượng lao động làm việc như thế, tỷ lệ làm việc không bền vững chiếm 2/3 đến 3/4 lực lượng lao động đang làm việc.

Điều đáng quan tâm là tỷ lệ thất nghiệp trong lực lượng lao động trẻ từ 15 đến 24 tuổi chiếm 7,5%, trong đó thanh niên trong độ tuổi lao động đô thị chiếm 11,45%, số sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ra trường không tìm được việc đang thất nghiệp tỷ lệ cao, hiện nay bình quân là khoảng trên 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp.

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế- xã hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định, nhìn tổng thể, tính bền vững của việc làm không cao, kể cả về thu nhập, môi trường lao động an toàn.

Hiện, thị trường lao động chưa hình thành đồng bộ theo cơ chế thị trường, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao, thiếu 2 nguồn nhân lực quan trọng là nhân lực quản lý và nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành kinh tế động lực.

Và để giải quyết bất cập này, năm 2018, ngành chọn giáo dục nghề nghiệp là một khâu đột phá và coi đây là tiền đề để tạo ra việc làm ổn định và bền vững, theo đó sẽ quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp để giảm bớt những trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không hiệu quả.

Ngoài ra, sẽ chuyển hẳn sang đào tạo theo định hướng, theo địa chỉ, theo đặt hàng với cơ sở trên cơ sở dự báo cung cầu thị trường, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động để đi trước đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thiết nghĩ để thích ứng tốt với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giải pháp của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cần sớm được thực thi.

Và nên chăng có cuộc điều tra, khảo sát, đánh giá, nhận diện đầy đủ về tình hình chất lượng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay đang khó, thiếu, yếu điểm nào để từ đó khẩn trương xây dựng chiến lược hệ thống chính sách cho phù hợp.

Bởi lẽ, sẽ là quá muộn cho một sân chơi kinh tế mà ở đó luật chơi không dành cho những ai không chuẩn bị đầy đủ cho mình tâm thế của người trong cuộc và vào cuộc với tất cả phẩm chất cần có.

Chất lượng lao động phản ánh trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng và kỷ luật lao động, vì thế cần có giải pháp đủ mạnh và kịp thời để nâng cao chất lượng năng suất lao động nếu không muốn tụt hậu ngày càng xa hơn.

BÙI THANH