Chuyển kinh doanh từ "offline" sang "online"

Cập nhật, 15:13, Thứ Sáu, 17/04/2020 (GMT+7)

 

Một số trung tâm, cửa hàng đẩy mạnh bán hàng qua online.
Một số trung tâm, cửa hàng đẩy mạnh bán hàng qua online.

Người dân hạn chế ra đường, ngán ngại đến nơi đông người để mua sắm nên thay vì bán trực tiếp, thì nhiều cửa hàng, trung tâm, doanh nghiệp (DN) đã linh hoạt chuyển sang hướng kinh doanh thông qua kênh online, vừa đảm bảo an toàn, vừa là giải pháp bù đắp lượng khách hàng đang ngày càng giảm.

Thay đổi thói quen mua sắm

Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, và nhiều nơi thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, thì việc bán hàng thông qua kênh thương mại điện tử được nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại, DN hướng tới. Theo đó, các DN đang thực hiện việc chuyển đổi sang bán hàng online để có thể thích ứng với việc thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Một số DN, cửa hàng cho rằng, dịch bệnh là điều không ai muốn, gây ảnh hưởng đến rất nhiều người nhưng cũng được xem là cơ hội cho nhiều sự chuyển đổi nhanh và phù hợp. Và DN, cửa hàng nào linh hoạt, chọn cách thích ứng để tồn tại thay vì thụ động, giậm chân tại chỗ, thì mới có thể tồn tại lâu dài.

Chủ một cửa hàng gia dụng ở Phường 8 (TP Vĩnh Long) cho hay: “Thời điểm này năm trước là lúc bán chạy nhất các mặt hàng hạ nhiệt nhưng hiện nay tình hình đã đổi khác. Nếu chỉ dựa cách bán truyền thống, đợi khách hàng đến tận nơi tìm mua, thì sẽ không thể tiếp cận khách hàng trong phạm vi rộng hơn và xa hơn”.

Chủ động tìm khách mới, chăm sóc khách hàng cũ là cách mà Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim Vĩnh Long đang triển khai trong nhiều tuần nay.

Anh Bùi Văn Thiện- Trưởng Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim- Vĩnh Long cho hay, để tăng doanh thu trong mùa dịch, trung tâm hiện tập trung nhiều vào kênh bán hàng online, như: livestream bán hàng, đăng thông tin sản phẩm trên trang mạng xã hội, gọi điện cho khách hàng cũ vừa để chăm sóc khách hàng sau khi mua sản phẩm vừa tìm hiểu xem khách hàng có nhu cầu sản phẩm nào không để kịp thời tư vấn cho khách hàng. Để kích cầu sức mua, Trung tâm Nguyễn Kim cũng có chương trình khuyến mãi bán 4.000 sản phẩm không lợi nhuận với giá gốc.

“Hiện nay, người dân đã thay đổi tư duy mua sắm. Trước đây khi mua, khách hàng phải “sờ tận tay, xem tận mắt” thì nay để hạn chế ra đường, phòng tránh dịch bệnh, khách hàng chỉ cần ở nhà, gọi điện thoại là có nhân viên tư vấn từ A tới Z. Nhờ vậy, mà vài tuần nay, doanh thu bán qua kênh online đã tăng 30- 40% so với trước”- anh Bùi Văn Thiện chia sẻ.

Tương tự, giám đốc một trung tâm điện máy ở Phường 1 (TP Vĩnh Long) cũng cho biết, DN đã “nương” theo tâm lý tiêu dùng này mà chuyển đổi hình thức bán hàng truyền thống sang bán online. Trung tâm có bố trí nhân viên trực điện thoại thường xuyên để không gián đoạn việc đặt hàng của khách, bố trí nhân viên giao hàng kịp thời.

Không ít DN, cửa hàng cho rằng, dịch COVID-19 đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của không ít DN. Tuy nhiên, kênh online hiện nay cũng được xem là kênh “cứu cánh”. Và xu hướng này dự kiến còn kéo dài bởi người dân sẽ tăng cường sử dụng các hình thức trực tuyến để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh.

Song song với kênh online, thì kênh offline cũng được nhiều doanh nghiệp, cửa hàng, trung tâm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm túc như thực hiện cắt giảm 50% lượng nhân viên tại nơi bán hàng, cho giãn khoảng cách 2m, bố trí máy đo thân nhiệt, nước rửa tay tại cổng ra vào để bảo vệ an toàn cho khách hàng đến mua sắm và nhân viên.

Cơ hội khẳng định thương hiệu, uy tín

Theo anh Thiện, mua sắm qua kênh online đã và sẽ chiếm lĩnh thị trường hiện nay. Nếu như vài năm trước, hình thức mua sắm này còn khá mới lạ thì hiện nay đã dần trở nên phổ biến hơn. Kênh online có nhiều thuận lợi vì giảm được lượng nhân viên, vừa không phải trưng bày nhiều hàng hóa,...

“Trước đây nhiều người nghĩ hàng online thường là hàng “hên xui”. Nhưng với xu hướng như hiện nay thì đây chính là cơ hội để các DN uy tín khẳng định thương hiệu trên thị trường”- anh Thiện cho hay.

Nhận thấy được tầm quan trọng của việc quảng bá thông qua kênh thương mại điện tử nên không ít DN cũng tăng cường giới thiệu sản phẩm thông qua trang web của công ty, đồng thời cập nhật mới liên tục. Ông Trần Văn Lâm- Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông Phát Food (xã Tân Bình- Bình Tân) cho rằng: “Nếu chỉ bán trực tiếp thì sẽ thiếu đi hình thức tương tác trực tiếp với khách hàng.

Ví dụ, thay vì đến cửa hàng, nhiều khách hàng có thể tìm kiếm thông tin ngay trên mạng, nếu chậm chân, không có trang thông tin thì sẽ dễ dàng bị đối thủ nhanh chân nhảy vào. Do đó, việc quảng bá qua website, kênh thông tin điện tử, là cần thiết và hiệu quả”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kênh thương mại điện tử không phải cuộc chơi ngắn hạn- nhất là đối với các DN vừa và nhỏ. Bởi lẽ, thương mại điện tử nói chung và bán lẻ trực tuyến nói riêng không thể kỳ vọng có lợi nhuận trong một vài tháng.

Do đó, DN phải xác định đó là cuộc chơi dài hạn, để thành công kinh doanh với kênh online, DN phải nghiêm túc đầu tư, ứng dụng công nghệ và hướng tới người tiêu dùng, sẽ phải đầu tư thêm cho chi phí thiết kế, vận hành, duy trì website và các kênh bán hàng online.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, kênh thương mại điện tử là nơi bán hàng, giới thiệu sản phẩm hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, kênh thương mại điện tử là nơi bán hàng, giới thiệu sản phẩm hiệu quả.

Theo ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công thương, hoạt động thương mại điện tử nói chung và bán lẻ trực tuyến nói riêng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng: kỹ năng bán hàng, kỹ năng viết quảng cáo, kỹ năng quản trị, kỹ năng ngoại ngữ, nắm bắt công nghệ…

Do vậy, các DN- nhất là các DN vừa và nhỏ- cần nhận thức và quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, trước mắt cần đào tạo những kỹ năng cơ bản nhất để có thể phục vụ tốt mục tiêu kinh doanh.

Mua sắm trực tuyến đã và sẽ dần trở thành thói quen mua sắm phù hợp với cuộc sống của nhiều đối tượng khách hàng hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, để tránh “tiền mất, tật mang”, người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn các trang mạng mua sắm uy tín, có giấy phép; các trang xã hội có địa chỉ đúng, công khai danh tính rõ ràng; tham khảo phản hồi về chất lượng, giá cả của các khách hàng trước đó.

Đồng thời, phản ánh kịp thời lên các lực lượng chức năng về các sự cố, các hành vi lừa đảo trong buôn bán online.

 Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN