Cá tra trước nhiều thách thức thay đổi thị trường

Cập nhật, 16:07, Thứ Sáu, 27/04/2018 (GMT+7)

Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước năm 2017 đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 4,3%, được xem là “kỳ tích” của con cá này trong những năm gần đây. Tuy nhiên, do “truyền thông tiêu cực” cùng rào cản kỹ thuật nên xuất khẩu cá tra sang thị trường EU và Mỹ đã khó và nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Giá cá tra đang ở mức ổn định, có nhiều tiềm năng xuất khẩu.
Giá cá tra đang ở mức ổn định, có nhiều tiềm năng xuất khẩu.

Thay đổi thị trường

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2017 đạt 1.788 triệu USD. Riêng từ đầu năm đến cuối tháng 2/2018, đạt 265 triệu USD, tăng 15,7% so cùng kỳ.

Trong khi xuất khẩu cá tra sang Mỹ và EU gặp khó do các hàng rào thuế quan và kỹ thuật thì Trung Quốc và Hong Kong lại vươn lên thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ lệ 23%. Ngược lại, thị trường Mỹ giảm chỉ còn 19,3% và EU là 11,4%.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc là thị trường mới nổi, giá trị và cơ cấu kim ngạch xuất khẩu ngày càng có xu hướng tăng.

Ông Dương Nghĩa Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam- cho rằng sản phẩm cá tra Việt Nam ngày càng được người Trung Quốc ưa chuộng do khẩu vị món ăn đa dạng.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng và xu hướng ưa chuộng sản phẩm cá tra Việt Nam của người Trung Quốc ngày càng rộng rãi, với các khẩu vị món ăn đa dạng và phong phú.

Và họ tin tưởng rằng sản phẩm cá tra đạt được yêu cầu chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, các quy định khắt khe đã xuất sang thị trường khó tính như Mỹ, EU…

Trong năm qua, giá cá tra cao và ổn định đã tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

Theo đó, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã thích ứng rất linh hoạt trước sự biến động của thị trường và phản ứng có kinh nghiệm trước các rào cản, cạnh tranh thương mại. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đến khoảng 138 thị trường.

Truyền thông “bôi bẩn” cá tra

Ngay từ đầu năm 2017, kênh truyền hình Cuatro TV Tây Ban Nha phát sóng đoạn phóng sự thông tin sai lệch về hình ảnh cá tra Việt Nam đã ảnh hưởng xấu đến tình hình xuất khẩu sang thị trường EU.

Đây không phải là lần đầu tiên hình ảnh cá tra bị “bôi bẩn” ở thị trường EU, nhưng vụ việc này được đánh giá là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, nhằm gây sức ép lên các tổ chức bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và hệ thống bán lẻ để dừng bán sản phẩm cá tra.

Cùng với đó, thị trường Mỹ đang tạo ra “gọng kìm” thuế chống bán phá giá (CBPG) và chương trình thanh tra cá da trơn Việt Nam.

Trong khi thị trường này là thị trường nhập khẩu lớn cá tra của Việt Nam, luôn chiếm tỷ trọng khoảng 20%, vì thế theo Tổng cục Thủy sản, bất cứ sự thay đổi nào về hàng rào kỹ thuật, thương mại theo hướng siết chặt từ phía Mỹ cũng gây tác động cho ngành cá tra Việt Nam nói chung.

Sở dĩ giá cá trên thị trường hiện nay không biến đổi- theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam- là bởi sản xuất khó tăng sản lượng, do ảnh hưởng thiếu hụt cá giống qua biến đổi khí hậu và đã có một thị trường mới nổi lên thay thế thị trường Mỹ là Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo đánh giá dù dẫn đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam nhưng thị trường Trung Quốc vẫn còn bấp bênh.

Trong khi, tại thị trường EU, cá tra đang cạnh tranh gay gắt với các loài cá thịt trắng bản địa như cá tuyết, cá Alaska Pollock, cá ngừ, cá hồi. Ngoài ra, sản phẩm cá tra của Indonesia, Bangladesh cũng đã tham gia vào thị trường xuất khẩu.

Nếu 2 quốc gia này đầu tư và tăng sản lượng nuôi thì đây sẽ là yếu tố cạnh tranh quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy vậy, theo các doanh nghiệp, nhu cầu cá tra trên thị trường thế giới dự báo vẫn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Hiện nguồn cung cá tra đang không đáp ứng được nhu cầu.

Vẫn còn nhiều rào cản, thách thức với ngành cá tra.
Vẫn còn nhiều rào cản, thách thức với ngành cá tra.

Để đạt được kế hoạch kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã đề ra các giải pháp cụ thể là: thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành cá; phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế; củng cố hình ảnh kênh bán hàng mới;

nâng cao chất lượng sản phẩm xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam; có chiến lược thị trường, phổ biến và hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu sản xuất, nuôi, thức ăn...

Trong đó, tập trung phát triển các thị trường có sẵn, ở 4 thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN với thị phần chiếm 50- 60%.

Đồng thời, trong điều kiện sản phẩm cá tra Việt Nam chưa ổn định cần phải xem xét và đánh giá lại việc mở rộng thị trường sang nhiều quốc gia vì việc này sẽ dẫn đến dễ tổn thương và thương hiệu cá tra trong điều kiện chất lượng sản phẩm không đồng đều như hiện nay

 

Thị trường Nhật Bản tuy khó tính về chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng; song Việt Nam luôn nằm trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào thị trường Nhật Bản. Hiện các sản phẩm cá da trơn đang được người Nhật khá ưa chuộng và dần trở thành một sản phẩm thay thế cho lươn- vốn đang ngày càng cạn kiệt. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Nhật Bản đạt 23,4 triệu USD, chiếm 1,31% tổng kim ngạch. Tuy nhiên, thị trường này đang tăng trưởng khá mạnh.

Bài, ảnh: THẢO LY- HOÀNG MINH