"Siết" quản lý các điểm bán thịt heo

Cập nhật, 14:29, Thứ Sáu, 22/09/2017 (GMT+7)

Thời gian qua, các điểm bán thịt heo tự phát “nở nồi” từ thành thị đến nông thôn. Ngoài các điểm bán cố định dọc theo các tuyến đường, gần đây, còn xuất hiện các điểm bán di động- xe chở thịt từ nơi khác tới. 

Theo các địa phương, công tác quản lý các điểm bán này hiện có nhiều khó khăn. Trong khi đó, người tiêu dùng không thôi lo lắng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Cần siết quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá… ở các điểm bán thịt, tránh gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.
Cần siết quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá… ở các điểm bán thịt, tránh gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.

Có thể thấy, điểm bán tự phát xuất hiện tràn lan ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Theo UBND huyện Tam Bình, thống kê đến cuối tháng 8/2017, huyện có 17 điểm tự phát nằm ở dốc cầu, ngã ba, ngã tư của các xã…

Bất cập vì các điểm bán này không qua kiểm soát giết mổ nên không kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời, gây ảnh hưởng đến các hộ bán ổn định trong chợ do các điểm bán này không đóng thuế, có giá bán rẻ hơn...

Chưa kể, còn gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng an toàn giao thông. Trong khi đó, theo thông tin từ Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vũng Liêm, huyện có khoảng 10 điểm bán thịt heo tự phát cặp theo lộ, đa số các hộ mua heo về tự giết mổ nên không đảm bảo vệ sinh.

Phòng đi khảo sát một số điểm thì thấy không có đóng dấu của cơ quan thú y, một số điểm bán thịt mà khi mua về ăn không được.

Riêng Trà Ôn có đến 38 điểm hộ bán thịt heo tự phát, đa phần không qua kiểm dịch… Ông Nguyễn Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long cho hay: “Bất cập là xe từ nơi khác tới đậu bán thì địa phương không nắm được nên rất khó quản lý”.

Chị Lê Thị Thúy An (xã Lộc Hòa- Long Hồ) cho biết, chị rất hạn chế mua thịt heo ở các điểm bán dọc đường (điểm bán tự phát- PV) cho bữa ăn hàng ngày của gia đình “vì không dám ăn”. Tương tự chị Thúy An, hiện nhiều người tiêu dùng rất e dè chuyện mua thịt heo ở các điểm bán tự phát do lo ngại vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y đến cuối tháng 8/2017, toàn tỉnh có hơn 1.100 quầy thịt (tại các chợ hơn 900 quầy, ngoài chợ hơn 200 quầy). Trong đó, 614 quầy đạt điều kiện vệ sinh thú y; 470 quầy có giấy phép kinh doanh.

Về cấp giấy an toàn vệ sinh thực phẩm, từ 2016, chi cục chỉ cấp giấy cho các lò mổ. Còn giấy cấp cho các quầy kinh doanh sản phẩm động vật ở địa phương thì do UBND thành phố, thị xã và các huyện tổ chức, xác nhận phương thức và cấp giấy.

Trước những khó khăn, bất cập trong quản lý các điểm bán thịt heo tự phát, nhiều ý kiến đề xuất cần rà soát, quy hoạch lại các điểm bán phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin: UBND tỉnh đã phê duyệt các điểm bán an toàn vệ sinh thực phẩm. Các địa phương cũng đã triển khai thực hiện từ đầu năm nay nhưng còn khá chậm. Theo quy định, các điểm bán cần phải đáp ứng đủ điều kiện về đăng ký kinh doanh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phải có nguồn gốc xuất xứ…

Theo đó, ông đề nghị các địa phương rà soát lại điểm bán phù hợp, siết chặt quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá… Đồng thời, cân đối lại nhu cầu để cơ cấu lại sản xuất, chăn nuôi ở địa phương.

Thiết nghĩ, quản lý chặt các điểm bán thịt heo, đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng là hết sức cần thiết nên cần
làm ngay.
 

 

“Siết” quản lý cả điểm bán thịt bò, thịt chó...

 

Để tránh tình trạng mở điểm bán tự phát tràn lan, không kiểm soát hết chất lượng, giá cả… như thời gian qua, có ý kiến cho rằng, ngành chức năng không chỉ cần tăng cường chấn chỉnh, quản lý chặt các điểm bán thịt heo mà cả các điểm bán thịt bò, thịt chó, thịt gia cầm…

 

 

Bài, ảnh: NAM ANH