Cuộc đua hàng Việt trước cơn lốc hàng ngoại

Cập nhật, 06:46, Thứ Sáu, 14/07/2017 (GMT+7)

Khi hàng Trung Quốc hết thời, nhiều hàng tiêu dùng ngoại từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang xâm nhập dần vào thị trường Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại, các cửa hàng kinh doanh, hội chợ. Làm thế nào để hàng Việt Nam đứng vững trên sân nhà trước cơn lốc hàng ngoại?

Trước xu thế hội nhập, hàng ngoại đang xâm nhập mạnh thị trường Việt Nam.
Trước xu thế hội nhập, hàng ngoại đang xâm nhập mạnh thị trường Việt Nam.

Hàng ngoại tấn công
chợ Việt

Vài năm gần đây, người tiêu dùng Việt Nam chứng kiến cuộc đổ bộ ào ạt của hàng ngoại tràn vào Việt Nam, trong đó đánh mạnh nhất là mặt hàng Thái Lan, Hàn Quốc...

Theo ghi nhận, hiện một bộ phận người tiêu dùng khá ưa chuộng và tin tưởng chất lượng hàng Thái Lan.

Tại một hội chợ thương mại sản phẩm Thái Lan tổ chức tại TP Cần Thơ vào đầu tháng 7 vừa qua, khách đến tham quan, mua sắm khá đông. Nhiều ý kiến cho biết, thích đi hội chợ hàng Thái Lan vì tin tưởng vào chất lượng; mẫu mã hàng hóa phong phú, tinh xảo; giá cả đa dạng- cao cấp đến bình dân đều có (trong đó, các dòng sản phẩm giá mềm vô cùng phong phú) nên thuận tiện cho khách hàng lựa chọn.

Cùng gia đình đến hội chợ thương mại sản phẩm Thái Lan “Mini Thailand week 2017 tại Cần Thơ” mới đây, chị Diễm Nguyên (quận Ô Môn- TP Cần Thơ) cho biết: “Nãy giờ cả nhà cũng mua được nhiều lắm: giày dép, túi xách, bộ drap, nước uống,…”

Cũng tại hội chợ này, anh Nguyễn Trí Dũng (Phường 5- TP Vĩnh Long) xởi lởi: “Tôi đi cả nhóm 5 người. Mấy người quen rủ đi cùng vì đã đi hội chợ hàng Thái Lan nhiều lần rồi, tôi thấy thích vì lần nào cũng mua được khá nhiều món hàng cần thiết. Sáng giờ tôi cũng mua được một số hàng tiêu dùng bằng nhựa, sản phẩm diệt và chống muỗi…”

Song song đó, các mặt hàng tiêu dùng điện, điện tử từ Nhật Bản; quần áo, mỹ phẩm Hàn Quốc cũng đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều người cho biết, hàng ngoại không chỉ chất lượng hơn, nhiều mặt hàng giá cả phải chăng hơn mà ngay trong cả cách tiếp thị, giới thiệu sản phẩm họ cũng tinh tế hơn.

Nhất là ở các tiệm tạp hóa, cửa hàng kinh doanh, cách trưng bày cũng ưu tiên hàng ngoại hơn, chủ cửa hàng cũng có xu hướng tiếp thị, quảng cáo hàng ngoại hơn so với hàng Việt Nam bởi chiết khấu cao, lợi nhuận hơn.

Để hàng Việt Nam
không lép vế

Giá cả phải chăng, chất lượng ổn định và hệ thống phân phối đang dần phủ sóng, hàng ngoại, nhất là hàng Thái Lan đã và đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại thị trường Việt Nam. Làm sao để hàng Việt Nam không lép vế?

Đó là đòi hỏi doanh nghiệp phải tự chuyển mình, linh hoạt hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh hơn trước sự cạnh tranh khốc liệt từ hội nhập.

Trong đó, phải kể đến miếng đất màu mỡ “thị trường nông thôn” mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang bỏ lỡ. Và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp ngoại, sản phẩm ngoại tấn công từ những ngõ ngách nhỏ nhất.

Thị trường ngoại luôn có những phân khúc rõ ràng cho từng thị phần từ nông thôn đến thành thị, từ chất lượng đến giá cả. Đặc biệt là sự quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngoại đang được đẩy mạnh, lan truyền từ siêu thị, trung tâm thương mại đến chợ nông thôn, chợ thành thị.

Trong khi hàng ngoại có cả một chiến lược quảng bá, tiếp cận thị trường Việt Nam qua hội chợ hàng trăm gian hàng, với hàng ngàn sản phẩm đa dạng, đánh vào tâm lý mua sắm của người tiêu dùng, hiểu người tiêu dùng cần gì, muốn mua gì thì hàng Việt Nam chỉ có thể tiếp cận người tiêu dùng qua hội chợ vài chục gian hàng, mặt hàng thì rải rác, giá cả cũng chưa phù hợp.

Tích cực tham gia các hội chợ, phiên chợ hàng Việt Nam, anh Liêu Trung Hải- Chủ cơ sở sản xuất cà phê Trung Hải (Long Hồ) cho hay: Thị trường nông thôn rất tiềm năng nên cơ sở chú trọng khai thác, đồng thời đẩy mạnh quảng bá giới thiệu sản phẩm. Nếu lơ là, bỏ thị trường này thì rất khó có chỗ đứng vững.

 Doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng nâng chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên sân nhà.
Doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng nâng chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên sân nhà.

Để hàng Việt Nam có chỗ đứng vững trên sân nhà, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của doanh nghiệp lẫn nhà chức năng chứ không thể giậm chân tại chỗ, ỷ lại vào sân nhà, đến khi mất chỗ đứng thì khó lòng nào giành lại được.

Vẫn còn rất nhiều người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng nếu hàng Việt Nam không cải thiện, không nâng chất lượng thì việc chuộng hàng ngoại cũng chỉ là sớm muộn.

Thường xuyên đến các phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn, cô Mai Thanh Phương (xã Hậu Lộc- Tam Bình) cho biết: “Tôi tin tưởng vào chất lượng của hàng ngoại như hàng Thái, hàng Nhật, nhưng tôi vẫn ưa chuộng và tin dùng hàng Việt Nam hơn, bởi hàng trong nước có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Hơn hết, mình là người Việt Nam nên ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều mặt hàng Việt Nam ít cải thiện mẫu mã, chất lượng nên khó cạnh tranh. Mong là thời gian tới, hàng Việt Nam lên kệ hàng đẹp hơn về mẫu mã lẫn chất lượng”.

 

Phát biểu tại hội chợ “Mini Thailand week 2017 tại Cần Thơ”, bà Ureeat Ratanaprukse- Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh- cho biết: Sự kiện năm nay không những tiếp tục cung ứng cho khách tham quan mua sắm nhiều loại sản phẩm Thái có chất lượng hàng đầu với giá cả phải chăng mà còn tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam. Tính đến hết tháng 6/2017, tổng đầu tư của Thái Lan tại khu vực ĐBSCL đạt gần 400 triệu đô la Mỹ với 88 dự án. Vẫn còn nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và ngành công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp công nghệ vừa và cao.

 

 

  • Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- THẢO LY