Vắng khách, chợ nhà lồng đìu hiu

Cập nhật, 09:58, Thứ Sáu, 23/06/2017 (GMT+7)

Đóng quầy, bỏ gian hàng hoặc mua bán cầm chừng, lây lất qua ngày là tình trạng của không ít tiểu thương tại một số chợ nhà lồng. Vắng khách, chợ ế, tiểu thương kêu khổ nhưng cũng không biết than với ai...

 

Chợ vắng khách, chỉ thấy tiểu thương và hàng hóa.
Chợ vắng khách, chỉ thấy tiểu thương và hàng hóa.

Bán cầm chừng, bỏ quầy

Không ít tiểu thương tại các chợ nhà lồng- cả chợ mới xây lẫn chợ lâu năm- than thở về tình trạng mua bán ế ẩm như hiện nay. Ghi nhận tại chợ Song Phú (Tam Bình) hơn 4 giờ chiều, chỉ thấy người bán và người bán. Trong khu vực nhà lồng chợ, hầu như không thấy người ghé mua.

Vắng khách, 3- 4 tiểu thương ngồi túm tụm nói chuyện với nhau, người thì bấm điện thoại, người thì nằm ngủ, người thì thêu tranh... Bên cạnh đó, cũng có không ít ki ốt đóng cửa.

Cô Phạm Thị Nga- bán quần áo tại chợ gần 6 năm- cho biết: “Lúc trước, tôi bán ở chợ cũ, không sạch sẽ như vầy nhưng bán rất chạy. Giờ vô nhà lồng chợ, sạch đẹp, mát mẻ, không lo mưa nắng nhưng bán chậm rì. Có ngày bán được hơn trăm ngàn đồng, còn có ngày ngồi từ sáng tới chiều không ai ghé hỏi mua”.

Một số tiểu thương tại chợ chia sẻ: Vẫn duy trì được gian hàng ở đây một phần đã quen với một số khách, thêm vào đó, nhiều người đóng tiền thuê mặt bằng một lần 25 năm giá từ 60- 100 triệu đồng, nên bây giờ bảo chuyển đi cũng chẳng biết đi đâu, chuyển nghề cũng không biết làm gì khác, đành duy trì việc bán hàng kiếm được đồng nào hay đồng đó.

Chỉ qua ki ốt kế bên, cô Nga nói: “Chỗ đó ban đầu bán cũng tạm được, sau này càng ngày càng vắng khách rồi bể nợ, đóng quầy nghỉ bán luôn. Chợ này cũng có nhiều quầy... ế chịu không nổi nên bỏ đi”.

Tại chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít), tình hình mua bán cũng chỉ sung túc, nhộn nhịp phía rìa nhà lồng chợ. Đối với những ki ốt mặt tiền thì bán không kịp nghỉ tay, còn những ki ốt khuất phía trong thì “ngồi chơi xơi nước”.

Một tiểu thương chợ bách hóa thị trấn Cái Nhum than thở: Trước đây, ở chợ cũ bán được do các mặt hàng gom lại một chỗ.

Giờ tách thành 2- 3 khu chợ, chỗ này bán tạp hóa, bánh kẹo, đi một đoạn xa mới bán rau, thịt, rồi chỗ bán gà vịt lại ở khu khác. Người dân đi chợ phải lòng vòng, luẩn quẩn nên thấy chỗ nào tiện thì mua. Chưa kể, mấy hộ kinh doanh ven chợ mở ra rất nhiều mà hầu như mặt hàng nào cũng có bán nên tiểu thương trong nhà lồng... chịu chết”.

Tại chợ thị trấn Vũng Liêm, tình hình cũng không mấy khả quan. Khác với phần lớn chợ dân sinh khác trên địa bàn, chợ trung tâm huyện này được bố trí ngăn nắp, phân khu rõ ràng, có đèn chiếu sáng, vệ sinh, an ninh... bảo đảm, song những điều đó lại không thu hút được người dân vào mua hàng bởi sự bất tiện.

Theo chị Thảo Mai- một tiểu thương- cho biết, việc người dân không thích vào chợ là do việc bố trí nằm ở các góc khuất, bắt buộc người mua phải gửi xe, nếu đậu ngoài vỉa hè thì sợ mất nên ít ai chịu vào nhà lồng mua, trừ khi là mối quen.

Tại chợ Vĩnh Long- chợ trung tâm đầu mối của cả tỉnh- cũng xảy ra trường hợp tương tự. Ông Nguyễn Văn Hải- Phó Ban quản lý chợ Vĩnh Long- cho hay: Hiện nay, tiểu thương tại các phường, xã trên địa bàn mở ra kinh doanh nên không thể nào quản lý được, tiểu thương than khó, than ế ẩm, ban quản lý ghi nhận nhưng cũng rất khó giải quyết. Hiện trong nhà lồng chợ cũng có một số trường hợp do mua bán ế ẩm nên bỏ quầy.

Mong sớm có giải pháp

Nhiều tiểu thương chia sẻ, khi thành lập được chợ mới, chưa kịp vui vì có nơi bán sạch sẽ, ổn định, lại phải ngậm ngùi bỏ chợ, chuyển đi nơi khác bán hoặc chuyển nghề vì buôn bán quá ế ẩm.

Nhiều khu nhà lồng chợ có không ít gian bỏ trống hoặc làm kho vì không có người thuê. Số còn trụ lại hầu hết đều là những hộ có lô, sạp giáp với mặt đường bên ngoài.

Cô Nguyễn Thị Ba bán tạp hóa chợ Song Phú cho hay: “Tôi bán gần 40 năm rồi mà chưa thấy lúc nào ế như mấy năm nay. Sức mua giảm 70- 80% so với trước. Lúc mới dời vô chợ này, tôi cũng mừng lắm, chợ cũng xôm tụ, nhưng vài năm gần đây chợ đìu hiu, vắng khách đến giờ.

Từ sáng đến giờ (hơn 4 giờ chiều), bán mới được có vài chục ngàn đồng, không đủ tiền điện, mặt bằng. Tháng nào cũng phải bù tiền nhà, mà nghỉ thì không lẽ ở không nên ráng cầm cự”.

Điều đáng nói là nguyên nhân ế ẩm lại không chỉ xuất phát từ việc quy hoạch vị trí không phù hợp mà theo nhiều tiểu thương do cách bố trí, xây dựng ki ốt trong nhà lồng chợ.

Một tiểu thương chợ thị trấn Cái Nhum cho hay: “Chợ gì mà xây kín mít, người nào ở mặt tiền còn cơ hội chứ ở bên trong thì chịu thua. Bởi người đi chợ không vào sao bán được hàng, diện tích ki ốt phía trong lại nhỏ, không trưng bày được nhiều hàng hóa như mấy lô mặt tiền nên cạnh tranh sao nổi?”

Ông Nguyễn Văn Tươi- Trưởng Ban Quản lý chợ Vũng Liêm- cho biết: Gần một năm nay, khi dời chợ cá sang khu vực khác, cũng có nhiều tiểu thương trong nhà lồng chợ than tình hình mua bán ngày càng khó khăn. Để giải quyết và hỗ trợ cho bà con tiểu thương, ban quản lý chợ đã hạ mức thu phí mặt bằng xuống mức thấp nhất ở vị trí số 3 còn 50.000 đ/m2, nhiều tiểu thương đề nghị xin giảm thuế nhưng rất khó thực hiện.

Có thể thấy, để có một vị trí kinh doanh ở chợ, đối với tiểu thương không mấy dễ dàng. Vì mong muốn thu hút tiểu thương, hầu hết các ban quản lý chợ cho bắt thăm trúng lô nào thì bán ở lô đó. Lâu ngày, sự bất hợp lý đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của tiểu thương.

Đó là chưa kể, hộ kinh doanh nào nhiều hàng hóa phải thuê nhiều lô, kéo theo tiền thuê phát sinh càng lớn. Trong khi đó, bán buôn ế ẩm, tiền lời mỗi ngày không đủ trả tiền thuê lô nên đã khiến nhiều tiểu thương bỏ chợ và tình trạng này đang diễn ra tại một số địa phương.

Do đó, điều mong mỏi nhất hiện nay của nhiều tiểu thương là các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc giải quyết, xem xét thấu đáo để tiểu thương sớm ổn định cuộc sống, mua bán thuận tiện hơn. Như cô Nga mong mỏi: “Tôi chỉ mong được giảm thuế, bớt tiền mặt bằng vài năm.

Hay xa hơn là sao cho thu hút được doanh nghiệp mở công ty gần chợ, có công nhân, có người mua, chợ sẽ sung lên liền. Chứ bán cầm chừng như vầy, ra chợ thấy mà buồn, mà oải quá!”

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN