Thực phẩm sạch- thực phẩm bẩn: đâu là thước đo?

Cập nhật, 07:21, Thứ Sáu, 26/05/2017 (GMT+7)

 

Lo lắng thực phẩm không an toàn, nhiều người tìm đến siêu thị. Ảnh: VINH HIỂN
Lo lắng thực phẩm không an toàn, nhiều người tìm đến siêu thị. Ảnh: VINH HIỂN

Mua thực phẩm sạch ở đâu? Dấu hiệu nào để nhận biết thực phẩm sạch- thực phẩm bẩn? Đâu là thước đo để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng? Ai đảm bảo thực phẩm đó an toàn- là nỗi trăn trở của rất nhiều bà nội trợ khi xách giỏ đi chợ mỗi ngày.

Nhập nhằng sạch- bẩn

Mỗi ngày, các cơ quan chức năng lại phát hiện thêm nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến người tiêu dùng càng trở nên hoang mang. Nào là thịt bơm nước, chứa chất cấm, rau củ nhúng thuốc, trái cây tẩm hóa chất...

Phải làm sao để có được thực phẩm sạch cho gia đình? Làm sao để nhận biết thực phẩm sạch- bẩn? Có ai mỗi ngày kiểm nghiệm từng loại thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng không?

Ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long- phân tích: Quá trình sản xuất một sản phẩm chăn nuôi bao gồm rất nhiều công đoạn: sản xuất giống, nuôi thương phẩm, tổ chức giết mổ, chế biến và đưa ra thị trường.

Hiện nay, phần lớn các công đoạn này bị cắt khúc, người chăn nuôi chỉ chăn nuôi, con giống do người khác sản xuất, sau đó lại phải bán con thịt cho nhiều thương lái, lò mổ khác nhau rồi mới đưa ra thị trường. Chính vì vậy, các bước thực hiện có thể an toàn nhưng sản phẩm đưa ra thị trường lại không hẳn an toàn.

Lo lắng, hoang mang trước nhiều thông tin thực phẩm bẩn bị phanh phui, nhiều người tiêu dùng bức xúc: Bảo người tiêu dùng phải thông minh, thông thái, tìm địa chỉ tin cậy, hợp vệ sinh để mua nhưng biết tìm đâu, ai chứng nhận và chứng nhận nào đáng tin cậy?

Chị Lê Ánh Ngọc (Phường 9- TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi thực sự không biết cách phân biệt cái nào sạch, cái nào bẩn. Chỉ thấy thịt có đóng dấu kiểm định thì mình mua thôi. Còn rau thì mình cứ chọn rau tươi, lá xanh vừa, hơi... có sâu, chứ cũng không biết sao mà lựa”.

Không tin thực phẩm ở chợ, nhiều người chọn thực phẩm ở vườn hoặc có thương hiệu “nhà làm” để yên tâm hơn.

Như chị Trần Ánh Loan (Phường 1) cho hay: “Tôi thường tìm mua đồ vườn. Như cá thì đặt mua của người quen mới bắt dưới sông lên hoặc nhờ người thân dưới quê mua dùm, tuy giá có cao hơn nhưng cũng đỡ hơn. Rau thì tôi tự trồng thêm, chứ giờ ra chợ thấy rau xanh tốt quá cũng lo, còn thịt tươi quá… cũng ớn”.

Nắm bắt được tâm lý hoang mang đó của người tiêu dùng, các hộ kinh doanh tiểu thương gắn mác thực phẩm sạch hay siêu sạch cũng thi nhau mọc lên như: thịt heo sạch, rau nhà trồng, trái cây chín tự nhiên...

Tuy nhiên, nguồn gốc của các thực phẩm đó như thế nào, thực phẩm đó “sạch cỡ nào” thì chỉ có người làm mới biết. Dễ thấy nhất là nhiều quán nước mía trương biển “Nước mía siêu sạch” nhưng cũng dùng tay không cạo mía, ép mía hoặc đặt máy ép mía ở lề đường, bụi bẩn, ruồi bu mà không hề được che đậy.

Làm sao nói không với thực phẩm bẩn?

Trước rừng thực phẩm bẩn như hiện nay, dù có thông minh cách mấy thì người tiêu dùng cũng khó phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch.

Để giải quyết được tình trạng này đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều người, nhiều đơn vị.

Từ việc tuyệt đối nói không của người tiêu dùng với thực phẩm bẩn, đến các biện pháp xử phạt nghiêm khắc hơn của các cơ quan chức năng, và quan trọng nhất phải là việc nghiêm chỉnh thực hiện các quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm ở từng doanh nghiệp, tiểu thương.

·         Người tiêu dùng luôn mong muốn tìm mua rau củ sạch cho bữa ăn.Ảnh: THẢO NGUYÊN
· Người tiêu dùng luôn mong muốn tìm mua rau củ sạch cho bữa ăn.Ảnh: THẢO NGUYÊN

Có thể thấy, hiện nay đang rất thiếu các thước đo quy chuẩn sạch- bẩn, an toàn- không an toàn. Có chăng là dụng cụ test nhanh dư lượng hóa chất trong thực phẩm của các cơ quan chức năng, song trong thực phẩm có hàng chục hóa chất thì cũng chỉ test được vài chất.

Không ít người mong muốn những dụng cụ kiểm nghiệm thực phẩm bẩn làm sao đó phải nhiều, phải phổ biến, phải rẻ, được bán rộng rãi, để người dân khi mua thực phẩm ở cửa hàng này, siêu thị này, chợ này có thể tự kiểm tra được ngay.

Trong khi chờ các cơ quan chức năng “cứu”, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình trước.

“Đừng ham rẻ để rồi tiếp tay cho hàng giả, hàng bẩn. Nếu biết những nơi làm ăn gian dối, sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn thì hãy mạnh dạn tố cáo và thông báo cho người khác biết để cùng tránh. Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn đòi hỏi cả xã hội chung tay.

Các cơ quan chức năng dù có tăng cường lực lượng hay thời gian làm việc cũng không thể giám sát, kiểm tra xuể nếu thiếu “tai mắt” của người dân phát hiện, tố giác”- chị Ngọc chia sẻ.

  • THẢO NGUYÊN