Thị trường xuất khẩu: Nhận diện những gam màu sáng

Cập nhật, 05:41, Thứ Sáu, 17/02/2017 (GMT+7)

“Trong năm qua, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động xuất nhập khẩu đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để phát huy và tận dụng những lợi thế đã đạt được, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các sở, ngành, doanh nghiệp”- đó là nhận định của ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình xuất nhập khẩu năm nay.

Nhiều mặt hàng có lợi thế của tỉnh được kỳ vọng về xuất khẩu trong năm 2017.
Nhiều mặt hàng có lợi thế của tỉnh được kỳ vọng về xuất khẩu trong năm 2017.

Những tín hiệu tốt

Trên địa bàn tỉnh hiện có 54 doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, trong đó có 35 DN xuất nhập khẩu, 15 DN nhập khẩu. Năm qua được xem là một năm thành công xuất khẩu của tỉnh bởi tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 127,9%, tăng 18,51% so với năm trước.

Theo đó, cơ cấu hàng hóa có những chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã mở rộng được quy mô sản xuất và nâng cao giá trị như giày da, hàng dệt may, thủ công mỹ nghệ. Một số ngành hàng xuất khẩu phát triển được thị trường mới, như bắp đóng hộp, nấm rơm đóng hộp, trái cây sấy...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trần Hoàng Tựu đánh giá, trong năm qua, các DN tham gia xuất khẩu ngày càng tăng và hoạt động hiệu quả, khu vực kinh tế tư nhân, các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã tham gia mạnh vào xuất khẩu và chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu của tỉnh.

Song song đó, hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần hỗ trợ DN không những tiêu thụ được thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Đây là những tín hiệu đáng mừng.

Ông Đinh Văn Vụ- Phó Giám đốc Nhà máy phân bón Cửu Long- cho biết, trong năm 2016, tình hình sản xuất kinh doanh của nhà máy gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhu cầu giảm, dẫn đến xuất khẩu rất ít.

Đến đầu năm 2017, tình hình đã khả quan hơn do ít ảnh hưởng của khí hậu, nhu cầu tăng. Chỉ riêng trong tháng 1/2017, đã xuất được 6.300 tấn phân bón sang thị trường Hàn Quốc và gần 4.000 tấn sang thị trường Lào.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Tuấn- Phó Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long- cho rằng xuất khẩu tăng là do nhiều DN tư nhân đã chủ động được thị trường, không ngừng đầu tư, phát triển mở rộng thêm thị trường mới trong và ngoài nước, do đó, tình hình xuất khẩu ở các DN này rất bền vững.

Để xuất khẩu bền vững

Song, thị trường xuất khẩu năm nay cũng không ít thách thức. Đó là quy mô xuất khẩu vẫn còn nhỏ bé, xuất khẩu tăng nhưng chưa vững chắc, còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi sự biến động của giá cả trên thị trường thế giới, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu còn kém đa dạng, chủng loại còn đơn điệu, ít mặt hàng xuất khẩu mới có đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn.

Ông Nguyễn Thái Tuấn cho biết thêm: Là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh, tuy nhiên trong những năm gần đây xuất khẩu gạo đạt thấp. Đầu năm nay, giá lúa tăng đột biến khiến DN khó thu mua.

Không chỉ vậy, DN còn gặp khó chưa liên kết được với người dân trong cánh đồng mẫu lớn. Rất cần chính quyền địa phương đóng vai trò trung gian để kết nối.

Đại diện Công ty CP Dược phẩm Cửu Long cũng cho biết: Thời gian tới, công ty cũng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Philippines, trong đó, doanh số xuất khẩu sẽ chiếm 5- 10% tổng doanh số.

Tuy nhiên, khi công ty triển khai thành lập một bộ phận chuyên về lĩnh vực xuất khẩu thì còn gặp khó, nhất là tìm nhân sự phù hợp với công việc: có chuyên môn thì không có trình độ ngoại ngữ và ngược lại. Do đó, để xuất khẩu phát triển còn phải đầu tư sâu cho nguồn nhân lực.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chưa thật sự vững chắc, ổn định đối với một số mặt hàng thuộc thế mạnh của tỉnh như trái cây, gốm đất nung.

Ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư cho rằng: Muốn vực dậy ngành sản xuất gạch gốm phải đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, cần tăng cường hỗ trợ giúp DN mới khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ tiêu thụ được sản phẩm, đồng thời, tìm giải pháp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, không phải chỉ xuất nông sản ở dạng thô mà cần đầu tư hơn tạo sản phẩm từ gạo, khoai lang để nâng giá trị.

Để tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017 đạt 360 triệu USD và tổng giá trị nhập khẩu năm 2017 dự kiến đạt 180 triệu USD đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ các cấp ngành đến DN. Bên cạnh việc đầu tư hỗ trợ của nhà nước, DN cũng cần chủ động hơn, năng động hơn trong việc giữ chỗ đứng trên sân khách.

Ông Phạm Tứ Phương- Giám đốc Sở Công thương- đánh giá: Vĩnh Long còn rất nhiều lợi thế để xuất khẩu như: có vùng sản xuất đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho xuất khẩu, nguồn lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng cũng được đẩy mạnh đầu tư... Tuy nhiên, DN cũng cần nghiên cứu để đa dạng mặt hàng xuất khẩu hơn.

 

Kế hoạch xuất khẩu năm 2017 định hướng đến 2020 với mục tiêu triển khai đề án năng lực xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2016- 2020, trong đó tập trung phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững, mở rộng quy mô xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh và phù hợp với thế mạnh của tỉnh.

 

Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển sản xuất chế biến hàng hóa xuất khẩu, công nghiệp phát triển hàng hóa hỗ trợ, hàng hóa tiêu dùng thay thế hàng nhập khẩu phục vụ cho sản xuất. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường, gắn kết thị trường trong nước với ngoài nước, tập trung khai thác các thị trường trọng điểm phục vụ cho hoạt động xuất khẩu...

 

Bài, ảnh: THẢO LY