Góc nhìn

Tiềm năng nhưng... bỏ ngỏ

Cập nhật, 17:15, Thứ Ba, 30/08/2016 (GMT+7)

Thời gian gần đây, có rất nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đến để tìm hiểu, hợp đồng thu mua, chế biến nông sản chủ lực ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long) để phân phối tại các hệ thống siêu thị lớn. Đây là một tin vui. Nhưng rõ ràng niềm vui là chưa trọn vẹn, khi thực tế còn quá nhiều rào cản thu hút doanh nghiệp đổ vốn vào nông nghiệp.

Nhiều tỉnh- thành ĐBSCL có nhiều sản phẩm đăng ký nhãn hiệu sở hữu trí tuệ. Trong đó, Vĩnh Long có hàng chục loại như: cam sành, chôm chôm, nhãn, khoai lang… đã khẳng định được thương hiệu, nhưng vẫn đang “bí” trong thu hút đầu tư. Nếu nhìn rộng ra, có thể thấy ĐBSCL là “mảnh đất đầy tiềm năng” nhưng chưa có doanh nghiệp nào đủ mạnh để dẫn dắt chuỗi sản xuất hàng hóa nông sản.

Hiện số doanh nghiệp ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 12% doanh nghiệp cả nước, trong khi số dân chiếm 21%. Đầu tư FDI vào đây cũng không có dự án nào thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Chuyển dịch, tái cơ cấu nông nghiệp nhưng chưa có một địa phương nào ứng dụng công nghệ cao theo đúng nghĩa vào sản xuất để tăng giá trị.

Làm gì để tăng sức hấp dẫn cho ĐBSCL, thu hút được doanh nghiệp đổ vốn vào ngành nông nghiệp? Nhiều chuyên gia cho rằng, cần đến cơ chế, chính sách đặc thù riêng. Cơ chế đó phải đủ sức tháo gỡ được những vướng mắc trong sự hợp tác liên kết trong quá trình đầu tư sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến.

Ông Trần Hữu Hiệp- Vụ trưởng Vụ Kinh tế- BCĐ Tây Nam Bộ cho rằng, yêu cầu hiện nay là phải xây dựng một chiến lược để thu hút đầu tư nước ngoài, định hướng lĩnh vực nào cho nông nghiệp, nông thôn, kèm theo đó là hệ thống cơ chế, chính sách giải pháp cụ thể. Quan trọng phải chủ động đi xúc tiến, chứ không phải ngồi chờ các nhà đầu tư đến tìm hiểu.

HOÀNG MINH