Tạo thế đứng vững vàng cho hàng Việt Nam

Cập nhật, 06:03, Thứ Sáu, 22/10/2021 (GMT+7)

 

Xây dựng thương hiệu mạnh, uy tín là một trong những giải pháp để hàng hóa Việt Nam “đứng vững” trong lòng người tiêu dùng. Ảnh minh họa: Tuyên truyền lưu động về sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh.
Xây dựng thương hiệu mạnh, uy tín là một trong những giải pháp để hàng hóa Việt Nam “đứng vững” trong lòng người tiêu dùng. Ảnh minh họa: Tuyên truyền lưu động về sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh.

(VLO) Qua 12 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được sự lan tỏa, hiệu quả tích cực và ngày càng đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt, thì nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng: bài toán đặt ra không chỉ việc tuyên truyền, vận động mà còn phải xây dựng thương hiệu- hàng Việt Nam chất lượng cao, “thương hiệu phải nằm trong tâm của mỗi người tiêu dùng Việt Nam”.

Đưa hàng Việt Nam tới người tiêu dùng

Để góp phần phát triển bền vững thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai kế hoạch về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn.

Kế hoạch nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở về việc triển khai cuộc vận động trong tình hình mới, khơi dậy niềm tự hào dân tộc của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng DN trong tỉnh và toàn xã hội, từ đó tích cực hưởng ứng và tham gia cuộc vận động, góp phần đạt “mục tiêu kép” trong tình hình phòng chống dịch COVID- 19 trên địa bàn tỉnh.

Ngoài hoạt động tuyên truyền, khuyến khích, động viên người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, thì kế hoạch còn xác định các DN, cơ sở sản xuất ưu tiên sử dụng nguyên liệu, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.

Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ vai trò các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trước hết là các DN vừa và nhỏ, DN công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao; phát triển DN và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của DN và đoàn viên, hội viên các đoàn thể.

Chú trọng các hoạt động phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam; thúc đẩy các tổ chức kinh tế xây dựng, đăng ký và công bố thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh thực hiện chương trình thương hiệu tỉnh nhà, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, chương trình OCOP…

Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và các DN, cơ sở sản xuất trong tỉnh có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích; tổ chức đưa hàng Việt Nam lên các kệ hàng, đảm bảo hàng Việt Nam chiếm thị phần tương xứng trong các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và trong tỉnh; đa dạng các kênh bán hàng tiện ích, đưa hàng Việt Nam tới người tiêu dùng…

Xây dựng thương hiệu mạnh

Theo ý kiến của nhiều DN, muốn trụ vững trên “sân nhà”, bên cạnh việc có sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp thì cần phải có chiến lược quảng bá trúng vào tâm lý người dùng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, khi mà thu nhập của người dân đã tăng lên đáng kể thì cũng chính là lúc các mặt hàng nước ngoài nhập nhiều về Việt Nam. Và với tâm lý “chuộng ngoại” của một bộ phận người tiêu dùng, đã cho thấy hàng Việt Nam cần phải làm nhiều việc hơn để chiếm thị phần và tình cảm của người tiêu dùng trong nước.

Thực tế thời gian gần đây, hàng ngoại ngày càng có xu hướng xâm nhập mạnh vào thị trường nội địa. Nhiều mặt hàng ngoại đã len lỏi khắp các kênh phân phối từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi đến chợ, với nhiều chủng loại, sản phẩm đa dạng, giá cả còn có phần “nới” hơn hàng nội địa. Vậy, DN Việt Nam lấy gì để cạnh tranh?

Ông Nguyễn Trung Kiên- Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: DN phải đi đôi uy tín- chất lượng và mở rộng kênh quảng bá để tiếp cận thị trường.

Không chỉ quảng bá qua các kênh truyền thống như hội chợ, kết nối cung cầu, hoạt động xúc tiến thương mại, mà DN phải nắm bắt kịp thời xu hướng thị trường, tăng cường quảng cáo qua kênh online, sàn giao dịch thương mại điện tử,…”

Bên cạnh đó, theo một số DN, muốn cạnh tranh không thể chỉ sản xuất “tới đâu hay tới đó”, “làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu” mà đòi hỏi DN phải tư duy xa- sâu- rộng hơn. Không chỉ xây dựng thương hiệu mà còn phải xây dựng thương hiệu mạnh.

Song, theo nghiên cứu của Viện trưởng Viện Quản trị Quốc tế thì hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 41% DN không có nhân sự chuyên môn về phát triển xây dựng thương hiệu, 27% DN không có kiến thức marketing, 28% DN gặp khó do không có ngân sách làm marketing… dẫn đến Vĩnh Long chưa có nhiều thương hiệu mạnh, sản phẩm chủ yếu phục vụ thị trường trong tỉnh và khu vực.

Trong khi đó, ThS. Nguyễn Thanh Tân- Viện trưởng Viện Quản trị Quốc tế cho rằng, xây dựng thương hiệu có thể giúp DN cạnh tranh tốt trên thị trường và có “chỗ đứng trong lòng khách hàng”.

“Do đó, thời gian tới, các DN Việt Nam và DN Vĩnh Long cần đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, có chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu, tăng cường nghiên cứu thị trường, sản phẩm, quảng bá,…”- ThS. Tân nói thêm.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện tỉnh đã có 20 thương hiệu mạnh có thể cạnh tranh thẳng thắn trên thị trường.

Tuy nhiên, thời gian tới cần có sự hỗ trợ nhiều hơn về việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của DN. “DN cần thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn mới, áp dụng và đi sâu vào các nền tảng ứng dụng số phục vụ nhu cầu phát triển và phù hợp với giai đoạn thực tế hiện nay…”- ông Tường Nam nói.

Bên cạnh đó, để cuộc vận động đạt hiệu quả cao hơn, ngành chức năng cũng cần vinh danh các DN sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, phương thức hiện đại trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tổ chức bình chọn các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, được người tiêu dùng tin cậy.

Đồng thời, tăng cường hỗ trợ DN quảng bá, xúc tiến thương mại,… Có như vậy, mới góp phần đưa hàng hóa Việt Nam đi sâu vào nhận thức của người tiêu dùng…

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN- THẢO LY