Nhà nông tìm hiểu

Kỹ thuật nuôi thỏ thịt

Cập nhật, 13:43, Thứ Ba, 12/10/2021 (GMT+7)

(VLO) Tôi muốn nuôi thỏ thịt. Bạn nhà nông cho tôi hỏi kỹ thuật chăm sóc và cách nuôi dưỡng như thế nào?

Lê Minh Vũ (Thị trấn Cái Nhum- Mang Thít)

Anh Vũ mến! Muốn nuôi thỏ thịt thành công bên cạnh việc lựa chọn giống thật tốt cần phải nắm được một số đặc điểm về sinh lý, tiêu hóa, đặc điểm sinh sản, kỹ thuật nuôi và chăm sóc thỏ theo lứa tuổi.

Đặc biệt, phải chú ý tới cách phòng, trị bệnh cho thỏ một cách hiệu quả nhất, chú ý những thao tác cơ bản khi nuôi.

Chuồng thỏ, dụng cụ nuôi thỏ phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo để thỏ hoạt động dễ dàng thoải mái, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nên cho thỏ ăn thức ăn đa dạng. Thức ăn xanh cho thỏ cần thu hái từ nguồn sạch sẽ. Không được cắt thức ăn ở những nơi chăn thả gia súc, gia cầm hoặc đọng nước để tránh các bệnh giun sán. Cũng không được cho thỏ ăn thức ăn đã bị mốc, chua, nẫu, lên men để tránh các bệnh tiêu chảy, chướng bụng đầy hơi.

Trong quá trình nuôi phải thường xuyên quan sát, đánh giá trạng thái sức khỏe của thỏ để có biện pháp can thiệp kịp thời. Thỏ khỏe thì phản ứng rất linh hoạt, lông bóng mượt.

Mũi và mắt khô, không có dịch nhờn, mủ chảy ra. Bình thường, phân ở dạng viên cứng. Thỏ khỏe nhịp thở sẽ đều đặn, nhẹ nhàng.

Khi thỏ bị bệnh, để tiết kiệm thuốc và dùng đúng liều thuốc, cần phải bắt thỏ cho uống thuốc trực tiếp chứ không nên pha thuốc vào nước uống hoặc thức ăn, thỏ không sử dụng hết, thuốc biến chất sẽ không có tác dụng.

Quan trọng, khi bắt thỏ, một tay nắm chắc phần da gáy thỏ nhấc lên, tay còn lại đỡ dưới phần mông của thỏ để giảm áp lực do trọng lượng thỏ trì kéo xuống. Không được cầm tai thỏ nhấc lên vì dễ làm cho các mạch máu, dây chằng, thần kinh bị đứt, tụ máu. Cũng không được ôm ngang bụng thỏ, nhất là ở thỏ trưởng thành dễ làm thỏ bị đứt ruột.

BẠN NHÀ NÔNG