Nhà nông tìm hiểu

Phòng trừ lúa cỏ, ốc bươu vàng đầu vụ

Cập nhật, 12:53, Thứ Ba, 14/09/2021 (GMT+7)

(VLO) Ruộng tôi bị lúa cỏ, lúa lộn nhiều, nay tôi tính sử dụng thuốc Sofit 2 lần trước và sau sạ, cụ thể phun lần 1 khi ruộng vẫn còn nước ít, phun kết hợp với thuốc diệt ốc, sau 24 giờ khui nước ra trục, chạc và sạ lúa. Lần 2 phun sau sạ 1- 2 ngày. Làm như vậy có ảnh hưởng đến lúa không?

Gia Huy (Cần Thơ)

Anh Huy mến! Thuốc trừ cỏ Sofit 300EC có thể diệt mầm và các loại cỏ và lúa cỏ, giảm nhiều công khử lẫn. Sofit diệt tốt lúa cỏ khi sử dụng sớm sau khi làm đất lần cuối.

Theo đó, trước khi sạ cho nước vào ruộng, nhử cho lúa cỏ và các loại cỏ dại khác mọc lên rồi tiêu diệt bằng cách cày, trục rồi làm đất kỹ, san phẳng mặt ruộng trước khi gieo sạ.

Sau khi kết thúc làm đất lần cuối, anh phun Sofit 300EC (chú ý ruộng phải có một lớp nước giúp cho thuốc trải đều trên mặt ruộng), giữ nguyên lớp nước này đến sáng hôm sau thì tháo nước ra rồi sạ lúa.

Trong quá trình làm đất, nếu thấy hạt lúa cỏ trôi dạt vào góc ruộng thì vớt đem ra ngoài ruộng tiêu hủy. Sau khi gieo sạ từ 1- 3 ngày, tiếp tục phun Sofit 300EC trừ cỏ tiền nảy mầm.

Anh có thể kết hợp phun thuốc trừ cỏ với thuốc diệt ốc bươu vàng với liều lượng 50- 60cc thuốc Sofit + 1 gói Mossade 700WP pha trong bình 16 lít, phun 2 bình cho 1.000m2.

Đối với những vùng thường xuyên bị nhiễm lúa cỏ, anh cần áp dụng phương pháp sạ ướt (hạt lúa đã nảy mầm được sạ vào đất phủ lớp nước 5- 10cm) kết hợp làm đất kỹ trước khi gieo sạ.

Bên cạnh, để hạn chế lúa cỏ anh cần đảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ từ 15- 20 ngày, gieo sạ tập trung, đồng loạt theo từng khu vực, với mật độ giống vừa phải và dùng giống lúa đạt tiêu chuẩn.

Ngoài ra, anh có thể chuyển đổi từ sạ lan sang sạ hàng để tiện quản lý cỏ, lúa cỏ. Việc nhổ bỏ cỏ, lúa cỏ nên làm vào giai đoạn mạ, đẻ nhánh (20- 30 ngày), khử lẫn khi lúa trổ và trước khi thu hoạch (70- 80 ngày) để đạt hiệu quả tối ưu.

BẠN NHÀ NÔNG