Cảnh giác cao với sâu đầu đen hại dừa

Cập nhật, 14:40, Thứ Ba, 13/04/2021 (GMT+7)

 

Ngành chuyên môn hướng dẫn cách nhận diện sâu đầu đen.
Ngành chuyên môn hướng dẫn cách nhận diện sâu đầu đen.

Vĩnh Long hiện chưa ghi nhận sâu đầu đen hại dừa nhưng nguy cơ đối tượng này xâm nhập từ những địa phương lân cận trong thời gian tới là rất cao.

Cây dừa đối mặt nhiều loại côn trùng gây hại

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV), hiện nay diện tích trồng dừa ở tỉnh Vĩnh Long đang có chiều hướng tăng nhanh chủ yếu từ việc chuyển đổi diện tích trồng lúa, màu và cây ăn trái khác. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 10.240ha dừa tập trung chủ yếu ở ở 4 huyện Vũng Liêm 4.083ha, Tam Bình 1.919ha, Trà Ôn 1.835ha, Mang Thít 1.299ha.

So với các loại cây trồng khác thì cây dừa sinh trưởng khỏe, ít tốn công chăm sóc, có thể chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường như hạn, mặn. Chính vì vậy, người dân có xu thế trồng dừa khắp nơi như trên các bờ kinh, bờ đê, bờ bao hoặc trồng xen trong vườn cây ăn trái.

Trong năm 2020, diện tích chuyển đổi từ đất ruộng sang trồng dừa trên 100ha toàn tỉnh. Đánh giá của ngành chuyên môn, việc chuyển đổi diện tích từ cây trồng khác sang trồng dừa ngày càng nhiều, không theo quy hoạch, không đảm bảo kỹ thuật trồng là điều kiện để các loài dịch hại trên dừa phát triển mật số. Khi có điều kiện thời tiết thuận lợi thì chúng sẽ gây hại nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân.

Theo ông Bành Ngọc Nghĩa- Phó Phòng BVTV (Chi cục Trồng trọt và BVTV), hiện nay người dân có khuynh hướng trồng các giống dừa lùn vì thời gian cho trái sớm, năng suất cao. Tuy nhiên giống dừa này chủ yếu dùng để uống nước, thấp cây và khả năng chống chịu với điều kiện môi trường và sâu bệnh kém hơn giống dừa cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình dịch hại trên dừa dễ dàng phát triển mật số cao và ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây dừa.

Trong những năm gần đây, cùng với việc du nhập nhiều giống cây trồng mới đã dẫn đến nguy cơ xuất hiện các loài dịch hại mới. Trong đó, bọ cánh cứng và bọ vòi voi đã trở thành đối tượng gây hại chính trên dừa.

Cũng theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, các đối tượng này gây hại quanh năm, nhưng gây hại nghiêm trọng hơn trong mùa nắng. Đặc biệt đối với cây dừa từ 1- 4 năm tuổi thì mức độ gây hại nghiêm trọng hơn. Tính đến tháng 3/2021, toàn tỉnh có 883ha dừa bị bọ cánh cừng và bọ vòi voi tấn công.

Gần đây, có một đối tượng sâu hại mới đó là sâu đầu đen gây hại trên dừa. Trung tâm BVTV phía Nam ghi nhận tại Bến Tre đã có 148ha dừa bị đối tượng sâu hại này tấn công, Sóc Trăng là 1,2ha.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, hiện Vĩnh Long chưa ghi nhận đối tượng sâu hại này gây hại dừa nhưng trong thời gian tới thì khả năng loài sâu hại này xâm nhập là rất cao từ các địa phương lân cận.

Khó quản lý

Theo ThS. Nguyễn Minh Thư- Trưởng Phòng BVTV (Trung tâm BVTV phía Nam), để chủ động điều tra phát hiện sớm các đối tượng dịch hại mới thì mạng lưới cộng tác viên khuyến nông- BVTV ở các xã có vai trò hết sức quan trọng. Hiện nay, mạng lưới cộng tác viên này còn thiếu thông tin, kiến thức về điều tra, phát hiện các đối tượng sinh vật hại mới trên cây dừa. Trong khi nhiều yếu tố tác động, nhất là thời tiết làm cho tình hình dịch hại ngày càng phát triển mạnh hơn và khó quản lý hơn. Do đó cần có nghiên cứu sâu về giải pháp quản lý tổng hợp nhằm bảo vệ sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thực tế tại Vĩnh Long, việc phòng trừ dịch hại trên dừa gặp nhiều khó khăn do dừa cao, biện pháp nhân nuôi thiên địch để quản lý sâu hại trên dừa đòi hỏi điều kiện phù hợp, công tác nhân nuôi, phóng thích phải thực hiện liên tục thì mới phát huy hiệu quả.

Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã đẩy mạnh ứng dụng biện pháp sinh học để quản lý côn trùng gây hại trên dừa, mà chủ yếu là bọ cánh cứng hại dừa, như việc hướng dẫn sản xuất và sử dụng nấm xanh, nhân nuôi và phóng thích các loài thiên địch như bọ đuôi kìm, ong ký sinh, bước đầu cho thấy hiệu quả phòng trừ rõ rệt. Hiện chi cục đã thực hiện nhân nuôi ong ký sinh và bọ đuôi kìm trong phòng thí nghiệm, dự kiến vào tháng 5/2021 tới sẽ phóng thích khoảng 6.000 cá thể bọ đuôi kìm và 8.000 cá thể ong ký sinh tại các vườn dừa trong toàn tỉnh.

Trước nay nhà vườn trồng dừa ở Vĩnh Long đang lệ thuộc hoàn toàn vào thương lái giải quyết đầu ra. Trong trường hợp giá bán dừa không ổn định, nhất là khi giá dừa giảm sâu, người dân sẽ không chú trọng đầu tư chăm sóc vườn dừa, gián tiếp làm cho dịch hại có điều kiện phát sinh gây hại khiến việc quản lý càng khó khăn hơn.

Để nâng cao hiệu quả quản lý sâu hại dừa, và nhất là sâu đầu đen, Chi cục Trồng trọt và BVTV kiến nghị tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho mạng lưới công tác viên khuyến nông- BVTV về cách nhận diện, điều tra phát hiện và cách quản lý sâu đầu đen hại dừa. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân chăm sóc dừa, cách nhận diện và phòng chống sâu đầu đen hại dừa tại các địa phương có diện tích dừa lớn, tập trung. Tăng cường kiểm soát sâu đầu đen hại dừa, đặc biệt là các địa bàn giáp ranh với những địa phương đang có dịch.

Chi cục Trồng trọt và BVTV cũng kiến nghị Trung tâm BVTV phía Nam và các viện, trường cần sớm nghiên cứu về đặc điểm gây hại cũng như biện pháp quản lý để chuyển giao, tạo điều kiện để Vĩnh Long được tham gia các dự án về bảo vệ cây trồng, nhất là công tác nhân nuôi, phóng thích thiên địch, ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp, biện pháp sinh học vào sản xuất.

Biện pháp quản lý sâu đầu đen

Theo ThS. Huỳnh Thị Ngọc Diễm- Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam (Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp- PTNT), 4 biện pháp quản lý sâu đầu đen gồm: thủ công, chế phẩm sinh học, sử dụng thiên địch, thuốc hóa học. Theo đó, biện pháp thủ công là cắt bỏ những tàu lá bị hại đem tiêu hủy bằng cách ngâm dưới mương nước hoặc đem đốt; sử dụng 80- 100ml chế phẩm sinh học Basillus thuringiensis hòa với 20 lít nước, phun đảm bảo ướt đều lá 3- 4 lít/cây, phun định kỳ 7- 10 ngày/lần; sử dụng thiên địch như ong ký sinh, bọ đuôi kìm, kiến vàng,…; hiện các loại thuốc BVTV đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm, việc sử dụng thuốc hóa học cần phải được cân nhắc và tuân thủ đúng theo khuyến cáo sử dụng vì sự lưu tồn của hóa chất trong trái, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường.

Bài, ảnh: THÀNH LONG