Nhà nông tìm hiểu

Quy trình quản lý tổng hợp bệnh héo vàng lá chuối

Cập nhật, 21:31, Thứ Ba, 23/03/2021 (GMT+7)

Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Bảo vệ thực vật bổ sung, xây dựng và ban hành quy trình quản lý tổng hợp bệnh héo vàng lá chuối nhằm tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng phòng chống bệnh hiệu quả.

Bệnh héo vàng lá chuối hay còn gọi là bệnh héo rũ Panama. Cây chuối bị nhiễm bệnh sẽ vàng từ lá già lan dần lên lá non. Bệnh xuất hiện và gây hại tập trung tại vùng chuối trồng từ 3 năm trở lên, các vùng trồng lâu năm thì tỷ lệ cây bị bệnh càng cao, lên tới 80% nếu không được xử lý. Bệnh có thể phát sinh và gây hại trong bất kỳ giai đoạn sinh trưởng của cây chuối nhưng biểu hiện rõ nhất khi chuối ở giai đoạn trổ quài và ra trái non.

Biện pháp phòng chống bệnh héo vàng lá chuối được khuyến cao là sử dụng giống sạch bệnh, giống kháng bệnh. Trong canh tác, chọn đất có độ pH trung tính hoặc hơi kiềm để hạn chế vi sinh vật gây hại phát sinh. Trước khi trồng, xử lý hố bằng cách bón vôi, phân chuồng hoai mục cùng với chế phẩm nấm Trichoderma vào các hố trồng để phòng bệnh. Xử lý cây giống như cắt sạch rễ và đất ở gốc chuối con rồi nhúng gốc vào dung dịch Bordeaux hoặc các thuốc gốc đồng trong 10- 15 phút để diệt trừ mầm bệnh.

Trong quá trình chăm sóc, sử dụng phân chuồng đã hoai mục, bón đầy đủ, cân đối NPK trong bón lót và bón thúc, hạn chế bón phân đạm Amon (NH4), thay bằng bón phân đạm Nitrat (NO3). Nên bón vôi bột khử trùng trước khi trồng, bổ sung vôi bột trong quá trình canh tác để cải thiện độ pH trong đất.

Để quản lý nước, cần bố trí hệ thống thoát nước dạng xương cá để nước mưa, nước tưới không chảy tràn trên bề mặt và không chảy tràn từ vườn này sang vườn khác, nhất là vào mùa mưa và không nên để ẩm độ đất quá cao trong thời gian dài. Bên cạnh, cần chú ý vệ sinh đồng ruộng, quản lý nguồn bệnh, tiêu hủy, khử trùng cũng như luân canh chuối với một số cây trồng khác.

BẠN NHÀ NÔNG