Lúa Hè Thu: Điều chỉnh lịch thời vụ để "né" mặn

Cập nhật, 05:34, Thứ Ba, 02/02/2021 (GMT+7)

(VLO) Việc xuống giống lúa Hè Thu đợt 1 nhiều khả năng trùng với giai đoạn cao điểm hạn- mặn, nên lịch thời vụ xuống giống tại một số địa phương trong tỉnh đã được điều chỉnh để “né” mặn đầu vụ.

Vận hành tốt hệ thống thủy lợi để ngăn mặn, trữ ngọt đảm bảo đủ nước cho sản xuất và dân sinh. Trong ảnh: Nông dân ở cù lao Dài (Vũng Liêm) chủ động trữ nước để ứng phó hạn- mặn.
Vận hành tốt hệ thống thủy lợi để ngăn mặn, trữ ngọt đảm bảo đủ nước cho sản xuất và dân sinh. Trong ảnh: Nông dân ở cù lao Dài (Vũng Liêm) chủ động trữ nước để ứng phó hạn- mặn.

Lùi xuống giống để “né” mặn

Lúa Hè Thu toàn tỉnh dự kiến xuống giống 51.500ha. Nhằm bố trí thời vụ theo hướng tập trung né rầy, đồng loạt trên từng khu vực, không xuống giống kéo dài so với khung lịch chung.

Đặc biệt vùng có nguy cơ nhiễm mặn cần xuống giống trễ để né mặn ở thời điểm đầu vụ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), khuyến cáo lịch xuống giống vụ Hè Thu tập trung trong 3 đợt chính.

Theo đó, đợt 1 xuống giống 7.500ha từ ngày 1/2- 8/3/2021, phân bố tập trung ven QL54, của TX Bình Minh (trừ xã Đông Thành); các xã của huyện Bình Tân, Long Hồ và các xã phía Bắc huyện Tam Bình (trừ các xã có khả năng bị xâm nhập mặn như Loan Mỹ, Bình Ninh, Tường Lộc); các xã ven sông Tiền thuộc huyện Mang Thít, trừ các xã có khả năng bị mặn tấn công như Chánh An, An Phước, Chánh Hội, một phần xã Tân An Hội và một phần xã Tân Long Hội. Đợt 2 xuống giống 34.000ha, từ 22/3- 21/4/2021. Đây là đợt xuống giống chính được phân bố tại hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Đợt 3 xuống giống 10.000ha từ 6- 21/5/2021, xuống giống phần diện tích còn lại phân bố ở vùng trung tâm, vùng trũng, nhiễm mặn, vùng chưa chủ động bơm tát, chưa có đê bao hoàn chỉnh.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Vui- cán bộ kỹ thuật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật), trong thực tế sản xuất vụ Đông Xuân 2020- 2021, vẫn còn một số vùng trong tỉnh xuống giống chưa đúng theo lịch thời vụ khuyến cáo của ngành chuyên môn như các xã: Trung Thành Tây, Trung Thành Đông, Quới An, Trung Chánh, Tân Quới Trung, thị trấn Vũng Liêm (Vũng Liêm); Chánh An, Tân An Hội, An Phước, thị trấn Cái Nhum (Mang Thít).

Nguyên nhân do thói quen canh tác nhiều năm của người dân. Đây là các vùng có thể chủ động được nguồn nước, giá lúa bán cao hơn, nông dân có thể sản xuất được 7 vụ lúa trong 2 năm.

Việc sản xuất không đúng theo lịch thời vụ khuyến cáo của ngành chuyên môn của các xã trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ như dịch hại (rầy nâu, sâu cuốn lá, chuột, đạo ôn, cháy bìa lá,…), chịu ảnh hưởng do mưa bão, hạn- mặn.

Theo khuyến cáo của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ lên cao điểm từ ngày 8- 16/2/2021 và sẽ giảm dần đến hết ngày 25/2/2021.

Vì vậy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo điều chỉnh lịch thời vụ xuống giống lúa Hè Thu đợt 1 sau ngày 25/2/2021 đối với các xã Chánh An, Tân An Hội, An Phước, thị trấn Cái Nhum (Mang Thít), với tổng diện tích trên 1.500ha; Trung Thành Tây, Trung Thành Đông, Quới An, Trung Chánh, Tân Quới Trung, thị trấn Vũng Liêm (Vũng Liêm), tổng diện tích hơn 1.654ha.

Trong vụ này, toàn tỉnh có khoảng 3.602ha lúa Hè Thu có khả năng bị ảnh hưởng của hạn- mặn, chiếm 6,43% diện tích lúa toàn tỉnh, trong đó Vũng Liêm 1.790ha, Trà Ôn 1.672ha, Mang Thít 140ha. Địa bàn chịu ảnh hưởng mặn gồm các xã: Trung Nghĩa, Trung Ngãi, Trung Thành Đông, Trung Thành Tây (Vũng Liêm), Thiện Mỹ, Tích Thiện (Trà Ôn), Chánh An, thị trấn Cái Nhum (Mang Thít).

Nơi đây cần bố trí lịch thời vụ xuống giống muộn, linh hoạt sẽ đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa và hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn- mặn gây ra, ngoài ra cũng đề phòng khô hạn cục bộ.

Vận hành tốt hệ thống thủy lợi để ngăn mặn, trữ ngọt

Theo ông Trần Nguyễn Anh Tú- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT), đỉnh điểm xâm nhập mặn được dự báo diễn ra vào tháng 2 đến tháng 3/2021, độ mặn lớn nhất tại các trạm dự báo như sau: cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông) 7‰, vàm Vũng Liêm 6,5‰, Tích Thiện 5‰, Ngã Tư (xã Hựu Thành) và Đồng Phú 3,5‰, Quới An và vàm rạch Cái Muối (xã Bình Hòa Phước) 3‰, Trà Ôn 2‰. Nhằm bảo vệ sản xuất vụ Hè Thu, bên cạnh giải pháp phi công trình, ông cũng cho rằng giải pháp công trình là rất quan trọng.

Theo đó, cơ quan quản lý khai thác công trình thủy lợi các cấp cần tổ chức vận hành tốt những công trình ngăn mặn trữ ngọt, cấp nước tưới đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Cụ thể, trường hợp độ mặn tại vàm Mang Thít (Quới An- Chánh An), vàm Tân Dinh (Trà Ôn) xấp xỉ 5‰, vàm Vũng Liêm, cống Nàng Âm từ 6- 8‰, trong nội đồng từ 1- 2‰; đỉnh triều trên sông tiền tại Mỹ Thuận vào lúc triều thấp còn 0,5- 0,6m và lúc triều cao lên 1m thì vận hành đóng toàn bộ cống ngăn mặn ở Vũng Liêm, các xã ven sông Cổ Chiên từ Quốc lộ 53 và Đường tỉnh 902 trở ra, các xã: Quới An, thị trấn Vũng Liêm, Trung Thành Tây, Trung Thành Đông, Trung Thành, Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Thanh Bình, Quới Thiện, một phần xã Trung An (Vũng Liêm). Ở huyện Trà Ôn, đóng cống ngăn mặn ở các xã ven sông Hậu từ QL54 trở ra như Tích Thiện, Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân, Lục Sĩ Thành, thị trấn Trà Ôn, một phần các xã Thuận Thới, Hựu Thành, Tân Mỹ.

Riêng huyện Mang Thít, đóng cống ngăn mặn ở các xã ven sông Cổ Chiên, sông Măng Thít như Chánh An, An Phước, Chánh Hội, thị trấn Cái Nhum. Ở những vùng khác thì đóng cống hạn chế.

Bên cạnh đó là việc chú ý giải pháp bơm nước cho vùng gò cao, ngưng bơm hút thu nước cho các nhà máy khi độ mặn từ 3‰ trở lên, bơm hút lúc triều xuống khi độ mặn xuống thấp hơn 3‰.

Chú trọng việc đầu tư nạo vét kinh chính, kinh tạo nguồn, vận động nhân dân đắp đập thời vụ ngăn mặn, trữ ngọt đảm bảo cấp đủ nước phục vụ sản xuất và dân sinh nhất là trong thời điểm đóng cống ngăn mặn dài ngày.

Trong cơ cấu giống lúa vụ Hè Thu, toàn tỉnh phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận hoặc tương đương, ưu tiên sử dụng giống lúa thơm, giống có thời gian sinh trưởng từ 90- 105 ngày. Đối với các giống chất lượng thấp (IR 50404, ML 202) sử dụng không quá 20% trong cơ cấu giống cho từng địa phương. Trong đó nhóm giống chủ lực khả năng thích ứng rộng, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt: OM 5451, OM 4900, OM 6976, Đài thơm 8, Jasmine 85,… Nhóm giống lúa bổ sung thích ứng tốt với hạn- mặn: LH 8, OM 18, OM 2517, OM 9577, OM 9955,…


Bài, ảnh: THÀNH LONG