Cơ giới hóa tạo chuyển biến mạnh trong sản xuất

Cập nhật, 13:19, Thứ Ba, 06/10/2020 (GMT+7)

 

Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên. Các địa phương đã tích cực vận động, khuyến khích nông dân đưa máy móc vào các lĩnh vực nhằm tiết kiệm sức lao động thủ công, giảm chi phí sản xuất, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể ở các khâu, từ làm đất, tưới tiêu đến thu hoạch, tạo nhiều chuyển biến trong sản xuất.

Nhiều nông dân, hợp tác xã dần ý thức được vai trò quan trọng trong áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, không chỉ giải quyết được bài toán thiếu lao động tại nông thôn, mà còn có thể áp dụng trên diện tích lớn, giảm giá thành đầu vào và tăng được lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích.

Tại Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, cơ giới hóa được đưa vào các công đoạn từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch và chế biến sản phẩm nhằm giảm thấp nhất giá thành đầu vào và tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích.

Ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (Trung Ngãi- Vũng Liêm) cho biết: “Việc áp dụng 2 phương pháp là cấy bằng máy và sạ theo khóm. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy mang lại các lợi ích như: giảm được lượng giống lúa gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm sâu bệnh và hạn chế lúa đổ ngã trong mùa mưa.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang thử nghiệm máy bay không người lái để bón phân hữu cơ qua lá và chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh.

Hiệu quả bước đầu đã được xác định như máy phun ổn định, lượng nước được điều chỉnh phù hợp, độ cao phun xịt có thể được thay đổi tùy theo sâu bệnh và tuổi của cây, mỗi ngày có thể phun trên diện tích 15- 20ha trong khi mỗi lao động chỉ phun tối đa 4ha/ngày”.

“Đồng thời, sau khi thu hoạch, chúng tôi tiến hành sấy, bảo quản, chế biến và tự đóng gói để cung cấp ra thị trường bên ngoài thông qua một dây chuyền khép kín.

Thời gian tới, tôi sẽ đẩy mạnh ứng dụng tia laser trong san phẳng mặt ruộng và sử dụng máy bay phun phân và thuốc tự động”- ông Đoàn Văn Tài cho biết thêm.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, với số lượng máy móc hiện tại trên toàn huyện đảm bảo cơ giới hóa trong sản xuất lúa được 100% khâu làm đất, 100% khâu thu hoạch.

Cụ thể, đến nay toàn huyện hiện có 335 máy gặt đập liên hợp, 816 máy cày xới, 222 máy kéo rơm, trên 7.900 máy bơm nước, 74 lò sấy lúa, gần 5.900 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, gần 1.600 dụng cụ sạ hàng…

Còn tại huyện Mang Thít, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng đang được đẩy mạnh, theo đó, tỷ lệ cơ giới hóa ngày càng được nâng cao.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, toàn huyện có trên 1.000 máy cày, xới, trục; 850 máy bơm tát, tưới; gần 1.500 máy phun thuốc có động cơ; 144 máy gặt đập liên hợp; 42 máy cuộn rơm; 18 máy sấy... Với số máy móc và dụng cụ này đáp ứng tốt nhu cầu trong sản xuất nông nghiệp, làm giảm chi phí tăng lợi nhuận cho nông dân.

Vừa thu hoạch xong 5 công lúa, ông Nguyễn Văn Bảy (thị trấn Cái Nhum- Mang Thít) cho biết: “So với máy thế hệ trước, máy gặt đập liên hợp thế hệ mới có thể hoạt động trên một đơn vị diện tích lớn và có giá thành rẻ hơn nhiều, không chỉ giúp giảm chi phí nhân công và tiến độ cũng nhanh hơn, thu hoạch được kịp thời, đảm bảo đúng khung thời vụ”.

Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể.
Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp còn mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện đúng lịch thời vụ, khắc phục tình trạng thiếu nhân công vào thời điểm chính vụ.

Nhất là khi hiện nay, tình trạng chuyển dịch cơ cấu lao động trong sản xuất nông nghiệp sang làm công nghiệp, các ngành nghề khác dẫn đến việc khó tìm nhân công.

Ngoài ra, việc dồn điền, tích tụ, tập trung đất sản xuất lúa hữu cơ ở một số hợp tác xã đã khắc phục tình trạng diện tích canh tác manh mún, tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn tại các địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thật sự đồng bộ.

Bên cạnh mức độ cơ giới hóa sản xuất lúa không đồng đều giữa các khâu, trình độ tiếp nhận máy móc hiện đại, tiên tiến của nông dân còn hạn chế, vốn để đầu tư, tiếp cận máy móc chưa nhiều thì một số nông dân còn sản xuất theo hướng thủ công, chưa đầu tư cơ giới hóa theo hướng khép kín, đồng bộ nên chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất chưa cao, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất, vệ sinh môi trường.

Theo ông Đoàn Văn Tài, việc ứng dụng cơ giới hóa đòi hỏi phải có trình độ nhất định từ các thành viên trong hợp tác xã. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ cấy bằng cơ giới đòi hỏi mặt bằng đất phải tương đối bằng phẳng trong khi đó yếu tố này tại địa phương vẫn chưa đáp ứng tốt để đưa công nghệ này vào sử dụng đại trà.

Do đó, bên cạnh sự tự ý thức, nỗ lực đầu tư của nông dân rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng để tập huấn, hướng dẫn cho nông dân sử dụng máy móc, sửa chữa máy móc hiện đại trong sản xuất, đồng thời, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư máy móc đồng bộ ở tất cả các khâu.

Bài, ảnh: THẢO LY