Nhà nông tìm hiểu

Xử lý chôm chôm ra hoa

Cập nhật, 08:24, Thứ Ba, 02/06/2020 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu đã thật sự ảnh hưởng mạnh đến chôm chôm, nhất là sau đợt hạn mặn. Nhiều diện tích xử lý chỉ ra hoa khoảng 20- 30% hoặc khi thấy dấu hiệu lên ngồng hoa rồi tiến hành thúc nước thì lại ra đọt. Xin hỏi Bạn Nhà nông có giải pháp nào khắc phục tình trạng này?

Nguyễn Đạt Nhân (Long Hồ)

Anh Nhân mến, nguyên nhân của hiện tượng trên có thể do nắng nóng làm nhiệt độ tăng cao nên cây chưa thích nghi. Bên cạnh sự suy thoái của đất đai, nguồn nước không ổn định cũng tác động đến kỹ thuật canh tác. Nếu làm theo cách xưa nay, tức là khi chôm chôm đủ cơi lá rồi tiến hành tạo khô hạn chờ ra hoa thì không còn phù hợp nữa.

Qua khảo sát, ghi nhận kết quả áp dụng kỹ thuật mới ở một số nhà vườn như sau: anh cần chú trọng cơi 3. Đây được xem là cơi lá quyết định sự thành bại của quy trình xử lý ra hoa. Do đó, việc đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật là hết sức quan trọng và được bắt đầu từ ngay khi cơi 2 đã già, bón tăng cường đạm để thúc đẩy ra cơi. Khi được 15- 20 ngày tuổi, bón nhiều lân hữu hiệu (như DAP) để tạo cơi đọt khỏe, dày lá thúc đẩy mầm hoa. Khi cơi lá được 30- 35 ngày tuổi, bón Kali kết hợp phun MKP+ Trung vi lượng giúp lá mau thuần thục. Khi cơi lá già (khoảng 45 ngày) phun 10.60.10 + Amino Bo và tiến hành xiết nước phù hợp, đậy mủ tạo khô hạn.

Thao tác này cực kỳ quan trọng, nếu không đủ nước thì đỉnh đọt tiếp tục chai cứng, ngược lại thừa nước thì cây phát triển đọt. Do đó, tùy vùng đất có thể cho nước vào đầy mương từ 1- 2 tiếng đồng hồ rồi tháo cạn và xiết khô trở lại. Sau xử lý nước từ 3- 5 ngày, quan sát một số cơi đọt ở tầng ngọn, chú ý các mầm ngủ ở nách lá. Nếu mầm ngủ có dấu hiệu tỉnh dậy nghĩa là lượng nước xử lý đã đủ, cây sẽ ra hoa.

Chúc anh thành công!

BẠN NHÀ NÔNG