Nhà nông tìm hiểu

Nuôi cá nước ngọt mùa xâm nhập mặn

Cập nhật, 15:01, Thứ Ba, 21/04/2020 (GMT+7)

Bạn Nhà nông cho biết các loại cá nước ngọt có ngưỡng chịu mặn như thế nào? Biện pháp bảo vệ cá nuôi ra sao khi có mặn xâm nhập?

Nguyễn Văn Việt (Chánh An- Mang Thít)

Anh Việt mến! Khả năng chịu mặn của thủy sản nước ngọt như sau: nhóm chịu mặn thấp (3- 4‰) có ếch, lươn…; nhóm chịu mặn trung bình (5- 6‰) có trê, rô đồng, tai tượng, tra, sặt rằn, lăng nha, mè vinh, lóc...; nhóm chịu mặn cao (10‰) có điêu hồng, rô phi, tôm càng xanh, bống tượng, chép, trắm cỏ,…

Tuy nhiên, đây là ngưỡng chịu mặn của một số loài cá khi trưởng thành, còn cá bột, cá đẻ sẽ nhạy cảm hơn, chịu đựng thấp hơn thậm chí thích hợp ở độ mặn bằng 0‰.

Khi xảy ra xâm nhập mặn, một số giải pháp kỹ thuật được khuyến cáo như sau: đối với các ao nuôi thủy sản chưa đạt kích cỡ thương phẩm, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra độ mặn trên sông để thay nước phù hợp, cần thiết sử dụng máy bơm để cấp nước vào ao nuôi khi vào thời điểm nguồn nước có độ mặn thấp hơn 3‰, đồng thời kết hợp quản lý các yếu tố môi trường ao nuôi chặt chẽ, tăng cường bổ sung dinh dưỡng (các loại vitamin, men tiêu hóa, khoáng chất…) cho thủy sản nuôi để tăng sức đề kháng.

Khi độ mặn tăng cao từ 5‰ trở lên, nên giảm khẩu phần ăn cho thủy sản nuôi, tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, đáy ao nuôi, hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất nhằm tránh việc thay nước thường xuyên.

Khi độ mặn của nước trên sông tăng cao từ 7‰ trở lên và kéo dài từ 7 ngày trở lên cần di dời thủy sản nuôi đến ao nuôi khác có độ mặn phù hợp nhằm giảm thiệt hại có thể xảy ra, trừ những loại cá chịu được độ mặn cao hơn 7‰ (theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản).

Đối với nuôi bè, khi độ mặn tăng cao (từ 7‰ trở lên) và kéo dài từ 5 ngày trở lên, tùy theo loài cá nuôi, nên dời lồng bè đến vùng nuôi an toàn hoặc chuyển các đối tượng nuôi vào các ao đất, vùng nuôi phù hợp. Chú ý: nếu các đối tượng nuôi đạt kích cỡ thương phẩm thì cần thu hoạch ngay.

BẠN NHÀ NÔNG