Nhà nông tìm hiểu

Phục hồi vườn sầu riêng héo lá do nhiễm mặn

Cập nhật, 08:03, Thứ Ba, 10/03/2020 (GMT+7)

Vườn sầu riêng của tôi bị nhiễm mặn héo lá, chết nhánh, nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn cách khắc phục?

Trần Thị Thủy

(Thanh Bình- Vũng Liêm)

Chị Thủy mến! Sầu riêng thuộc nhóm cây trồng chịu mặn kém nhất, chỉ cần tưới nước có độ mặn từ 0,2‰ sẽ gây hại cho cây. Nếu nồng độ mặn cao và tưới nước nhiều cây sẽ bị sốc mặn và rụng lá hàng loạt, khả năng làm chết cây rất cao. Nếu độ mặn thấp hoặc tưới ít nước cây không bị rụng lá hàng loạt nhưng cũng sẽ bị cháy từ ngoài chóp lá vào và sau đó cũng rụng, làm cho cây suy kiệt và cũng có thể làm chết cây.

Do đó, tùy tình trạng nặng hay nhẹ, chị cần cắt tỉa những nhánh héo, chết, tỉa bỏ toàn bộ hoặc một phần hoa hoặc trái tùy theo tình trạng bị nhiễm mặn của vườn cây. Sử dụng nước ngọt tưới cây thường xuyên để rửa trôi lượng muối đã tích tụ trong đất giúp rễ cây sớm phục hồi. Sử dụng các chế phẩm hoạt chất Brassinolide (gồm: Ethephone etthephon, Plasti Mula, Brightstar 25 EC, Rice Holder) và các chất có chứa các acid amin như Proline, Alanine, Leucine để cây tăng sức chống chịu, cải thiện chất lượng trái.

Bên cạnh đó, chị bón phân hữu cơ hoai mục để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây. Khi bộ rễ non phục hồi, chị bón phân NPK để cung cấp đầy đủ các chất trung vi lượng giúp cây sớm phục hồi. Lưu ý không sử dụng phân bón có thành phần Natri và Clo để bón cho cây vì sẽ làm tình trạng nhiễm mặn nặng hơn. Không xử lý ra hoa đối với những cây mới phục hồi, chỉ để hoa và trái với số lượng phù hợp ở những cây khỏe mạnh.

Ngoài ra, để tránh cho vườn sầu riêng không bị nhiễm mặn khi vào mùa khô thì chị nên nạo vét mương vườn trữ nước tưới cây khi cần thiết. Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo xâm nhập mặn để chủ động nước tưới. Nếu có điều kiện, chị cần trang bị dụng cụ đo độ mặn để kiểm tra độ mặn nguồn nước trước khi tưới.

BẠN NHÀ NÔNG