Khắc phục vấn đề trong chính sách nông nghiệp hiện hành

Cập nhật, 22:42, Thứ Sáu, 25/10/2019 (GMT+7)

Chiếm tỷ trọng lớn và chủ yếu trong nền kinh tế, việc phát triển hiệu quả và bền vững một nền nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị là cần thiết trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Tuy nhiên, để làm được, cần phải tập trung dứt điểm để khắc phục một số tồn tại nhất là vấn đề trong chính sách nông nghiệp hiện hành.

Ngày 24/10/2019, Liên minh Nông nghiệp tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp Mùa Thu 2019 chủ đề “Chính sách đất đai và sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, với sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam.

Hình ảnh tại Diễn đàn (Ảnh: HNV)
Hình ảnh tại Diễn đàn (Ảnh: HNV)

Diễn đàn thu hút sự tham gia của các chuyên gia: PGS.TS Vũ Trọng Khải, Nguyên Hiệu trưởng, Trường cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (PTNT) II tại TP.Hồ Chí Minh; TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn; TS. Nguyễn Hữu Thọ, Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu Kinh tế ngành và lĩnh vực, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; TS. Bùi Hải Thiêm, Viện Nghiên cứu Lập pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội…

Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Đại diện cơ quan điều phối Liên minh Nông nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhấn mạnh, việc cần thiết hiện nay là phải đảm bảo quyền đất đai; đảm bảo thời hạn sử dụng đất nông nghiệp hợp lý; Có chính sách khuyến khích kinh tế nông hộ trong nông nghiệp (thay vì chỉ khuyến khích doanh nghiệp); Hạn chế các can thiệp hành chính phi thị trường; Tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi nghề nghiệp sang các ngành công nghiệp và nông nghiệp một cách bền vững; Thực hiện các chính sách các chính sách kinh tế nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho ngành nông nghiệp như chính sách thúc đẩy đầu tư, ưu đãi tín dụng, bảo hiểm, đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp…

PGS.TS Vũ Trọng Khải cho rằng, muốn khắc phục những vấn đề đã nảy sinh và đang tồn tại của các chính sách hiện hành, nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển nông nghiệp sang một giai đoạn mới, cao hơn, cần phải dựa trên những tư duy kinh tế mới. Đồng thời, cần thiết có khái niệm và thuật ngữ chính xác để có tư duy đúng đắn. Khi tư duy tạo ra những lý thuyết đúng đắn, chúng ta mới có cơ sở khoa học để đánh giá, phát hiện những vấn đề và nguyên nhân gây ra những vấn đề đó, để tìm ra những giải pháp khắc phục những vấn đề trong chính sách nông nghiệp hiện hành...

Tại Diễn đàn, trong phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về định hướng hoàn thiện chính sách đất đai để phát triển nông nghiệp ở nước ta hiện nay; Chính sách đất đai trong nông nghiệp - Rào cản với sản xuất nông nghiệp hàng hóa; Một số góc nhìn đương đại về chính sách dịch chuyển đất đai theo hướng tích tụ, tập trung và tác động; Một số khó khăn trong tích tụ và tập trung ruộng đất: Trường hợp nghiên cứu tại vùng Đồng bằng sông Hồng…

Sang phiên thảo luận buổi chiều, các chuyên gia, các nhà quản lý cùng nhau trao đổi về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp và sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm cây công nghiệp - Nghiên cứu trường hợp cây Điều tỉnh Bình Phước; hộ sản xuất quy mô nhỏ trong chính sách đất đai: Từ góc nhìn hộ tham gia sản xuất cây hàng hóa; Tích tụ, tập trung đất nông nghiệp của các nông hộ hướng tới tập trung sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp…

Từ các phần thảo luận, nhiều ý kiến đề xuất rằng, hiện nay, cần bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và sử dụng hạn mức nhận chuyển nhượng hiện nay làm mức khởi điểm để đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp theo kiểu lũy tiến. Đồng thời, quy định và giám sát chặt chẽ diện tích tối thiểu để tránh tách thửa; Giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp để tăng cường chính thức hóa giao dịch đất nông nghiệp; Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khu/cụm/công viên/trung tâm công nghiệp – dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp thông qua việc thuê đất nông nghiệp hoặc liên kết với trang trại, hợp tác xã (HTX); Xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân đăng ký làm trang trại, gia trại tích tụ đất nông nghiệp; Hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX thuê đất nông nghiệp của các hộ nông dân.

Cũng nhân dịp này, các đại biểu cho rằng, cần kích hoạt sự hoạt động của Quỹ phát triển đất theo Điều 111, Luật Đất đai 2013, từ đó xây dựng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp và phát huy quyền tài sản đối với đất nông nghiệp trong tương lai; Định giá độc lập theo hướng giá trị tài sản đất và bất động sản gắn liền với quy hoạch vùng, tính tới cả vị trí và giá trị tương lai của mảnh đất. Xây dựng các tổ chức hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho nông dân trong các giao dịch về đất đai; Xây dựng hệ thống quản lý đất điện tử cung cấp thông tin số hóa về quyền sử dụng đất và giao dịch góp phần làm minh bạch thị trường; xây dựng các trung tâm hỗ trợ chuyển giao đất nông nghiệp để tạo thuận lợi cho quá trình tập trung, tích tụ đất nông nghiệp theo nhiều hình thức, bao gồm chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, hợp tác kinh doanh; Đấu giá quyền sử dụng đất các phần đất của Nhà nước chưa giao, chưa sử dụng để đất có chủ và được đưa vào sản xuất, kinh doanh; Xây dựng cơ chế hỗ trợ tín dụng dài hạn cho trang trại, HTX, mua, thuê đất nông nghiệp; Hỗ trợ rút lao động ra khỏi nông nghiệp để tạo quỹ đất: đào tạo nghề, phát triển công nghiệp, dịch vụ…

Đặc biệt, Nhà nước nên quy định chỉ sử dụng một hình thức là thuê đất; bãi bỏ quy định về thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp; xóa bỏ sự phân biệt về quyền cho các chủ thể sử dụng đất; thay thế quyền chuyển đổi và quyền chuyển nhượng bằng quyền mua bán; công bố rộng rãi thông tin về từng thửa đất trên Internet; thí điểm bãi bỏ hoặc mở rộng hạn điền trước khi chính thức sửa đổi Luật Đất đai.

Các chuyên gia cũng kiến nghị, chỉ thực hiện một hình thức đó là cho thuê đất vì như thế sẽ điều chỉnh lại đúng mục đích của đất sản xuất nông nghiệp thực sự là "công cụ sản xuất, là tư liệu sản xuất" chứ không phải là "tài sản để dành"; Giúp đất dần trở lại với người thực sự có nhu cầu sản xuất và có năng lực sản xuất và gắn trách nhiệm của người sử dụng với đất. Song song là mở rộng đối tượng được tiếp cận với đất lúa nhằm tạo sự bình đẳng hơn cho các chủ thể trong xã hội; Giúp thu hút được các nhà đầu tư mạnh; Tạo sự ổn định, yên tâm tổ chức sản xuất cho các hộ, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mở giới hạn trên cho tích tụ, tập trung ruộng đất và linh hoạt trong việc điều chỉnh "hạn điền" khi cần thiết; có lợi được cả hai (người sử dụng đất và ngân sách nhà nước). Ngoài ra, tăng tính linh hoạt trong việc lựa chọn mục đích sử dụng đất, hạn chế sử dụng công cụ "quy hoạch" thay vào đó là để cho điều tiết theo cơ chế thị trường. Như vậy, sẽ không sợ mất an ninh lương thực; Giảm bớt gánh nặng trong quản lý nông nghiệp về đất đai (giảm trình, xin); Nâng cao hiệu quả sử dụng đất: do lựa chọn được cây trồng, vật nuôi theo tín hiệu thị trường; Nâng cao hiệu quả sử dụng đất: do được xây dựng hạ tầng, nhà xưởng trên đất nông nghiệp (chỉ khi sản xuất quy mô lớn)./.

Theo Lê Anh/(ĐCSVN)